Vậy là một buổi chiều gần cuối năm, chúng tôi có mặt ở cơ sở massage nhỏ nằm trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Mình vậy là may mắn!
Do có đặt chỗ trước nên vừa đến nơi, chúng tôi được phục vụ ngay, trong khi có vài người khách phải ngồi chờ ở hàng ghế phía trước. Trong một căn phòng lớn, năm chiếc giường đặt song song, cách nhau bởi những tấm màn lớn. Tôi chọn một suất massage chân và đắp đá nóng, còn cô bạn thì chọn massage toàn thân.
“Lúc trước, em tưởng có một mình mình bị mù, nên khóc quá trời. Sau vô trường khiếm thị, thấy người mù nhiều ơi là nhiều, lúc đó tự nhiên thấy vui trở lại” - cô nhân viên tên Thủy, 29 tuổi, quê ở TP.Cần Thơ kể bằng giọng tếu táo. Thỉnh thoảng, câu chuyện của Thủy bị cắt ngang bởi những câu hỏi: “Chị có đau không?”, “Chị có bị nóng không?”, “Chị mỏi nhất chỗ nào?”, nhưng cô vẫn trở lại câu chuyện của mình rất ngọt. Bàn tay cô nhỏ và mềm, cho cảm giác dễ chịu khi vuốt nhẹ từ ngón chân đến mắt cá chân, rồi di chuyển hai bàn tay sang hai phía của xương mắt cá chân.
Đời được “nhìn” bằng cách lắng nghe và cảm nhận
|
“Người mù như tụi em có buồn cũng để trong lòng, không muốn người ta thấy mình bi quan” - Thủy nói. Tôi chợt nhớ đến Tâm - một nhân viên massage ở Trung tâm Massage Q.10.
Tâm cũng nói rằng, từ nhỏ, chị luôn muốn chứng minh mình bình thường, như một cách để an ủi chính mình. Chị từ chối để cha mẹ cầm tay đưa đến trường, chị tự vào bếp nấu ăn, tự tập xe đạp, một mình leo lên những vùng đất đá nguy hiểm... Gia đình, người quen càng quan tâm quá mức, chị càng mặc cảm nhiều hơn. Phải chăng, chính những người sáng mắt đã không biết cách quan tâm đến người khiếm thị sao cho đúng?
Thủy hồn nhiên: “Nhưng em thấy mình đã may mắn hơn nhiều người”. “Sao lại may mắn?” - tôi ngạc nhiên hỏi. Thủy giải thích: “Vì 8 tuổi, em mới bị mù, đến năm 16 tuổi mới không thấy hoàn toàn. Vì vậy, đến lúc này, em vẫn nhớ được nhiều thứ, nhớ hình ảnh, nhớ màu sắc. Những người mù bẩm sinh mới bất hạnh, họ chưa từng được nhìn thấy cái gì trên đời, họ học gì cũng khó, vì dù có diễn đạt thế nào, họ cũng không thể hình dung ra được”.
Trong khi nói, bàn tay Thủy vẫn nhẹ nhàng thoa dầu lên chân tôi và thực hiện các động tác xoa bóp liên tục. Cô thực hiện các kỹ thuật khéo léo và chuẩn xác, so với những người khiếm thị massage cho tôi trước đây. Như chợt nhớ ra câu chuyện đang dang dở, Thủy nói tiếp: “Em may mắn vì được học chữ miễn phí ở Mái ấm Thiên Ân (Q.Tân Phú), được học nghề massage ở chùa Kỳ Quang (Q.Gò Vấp) và có chỗ làm đàng hoàng, nếu không thì có khi phải đi bán vé số. Người mù đi ngoài đường nguy hiểm lắm”.
Cô bắt đầu dùng đá nóng massage trên cẳng chân tôi, tay cô thực hiện các động tác một cách thuần thục. Tôi hỏi: “Làm như vậy có đủ sống không?”. “Mỗi ngày làm từ ba khách trở lên mới đủ chi phí sinh hoạt, ngày nào mưa thì ế. May có những khách quen rất thương, tới ủng hộ thường xuyên”.
Có vẻ, trong suy nghĩ Thủy luôn nghĩ mình may mắn, nên giọng nói nghe trong trẻo và nụ cười của cô giòn tan. Trong không gian lặng im, tôi thấy cô đôi khi còn lạc quan hơn người sáng mắt.
Duyên tới thì em nhận vậy
“Massage khiếm thị - Xe buýt yêu thương” hiện có hai chi nhánh với số nhân viên chỉ khoảng 5-6 người mỗi cơ sở. Hỗ trợ nhóm khiếm thị trong việc tiếp tân, giữ xe là nhóm sinh viên sáng mắt. Cơ sở Chu Văn An - nơi tôi đến - dù đã xây lâu năm, nhưng trông khá sạch sẽ. Không gian nhỏ nhắn yên tĩnh, tiếng nhạc thiền nhẹ nhàng dìu dặt, thoang thoảng hương chanh sả và khăn trắng tinh tươm phơi khô sấy kỹ.
Do đây là “massage bình dân” nên đá nóng được hấp trong một cái... nồi cơm điện. Do các giường chỉ ngăn với nhau bằng những tấm màn dày nên câu chuyện gia đình ở buồng bên vô tình lọt sang buồng chúng tôi, khi Thủy đang bấm huyệt ở gót chân tôi.
Thủy kể: “Em của em mới 24 tuổi đã ham hố lấy chồng sớm, có con 1 tuổi rồi, em thì chưa”. Tôi phì cười: “Lấy chồng sao lại gọi là ham hố?”. Thủy cười giòn: “Thì thấy ai lấy chồng cũng than thở cả, lấy sớm than sớm thôi”. “Vậy Thủy thì sao?” - tôi hỏi. “Lập gia đình khó lắm, lấy người sáng mắt thì bị kỳ thị, lấy người mù cũng khổ, em lo thân mình còn chưa xong, con cái ai lo?”.
Sự lạc quan của họ thật sự đã lan tỏa niềm yêu đời cho những người chung quanh
|
Quả thật, việc nuôi nấng một đứa con không hề dễ dàng với người khiếm thị. Một nhân viên massage (tôi không nhớ tên) ở Trung tâm Massage khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (thuộc Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu) - nơi tôi là “khách quen” nhiều năm trước - kể rằng, ngày chị quyết định sinh con với người chồng khiếm thị, nhiều người mắng là “đèo bòng”.
Mấy ai thấu hiểu, làm mẹ là khát khao của bất kỳ người phụ nữ nào, cả với những người không thể nhìn đời bằng đôi mắt. Nhưng quả thật, người khiếm thị như chị khó có thể tự nuôi con, một phần vì phải đi làm cả ngày kiếm sống, phần vì việc chăm sóc đứa trẻ là quá sức với chị.
Mỗi lần muốn đút cho đứa trẻ 2 tuổi hiếu động từng muỗng cháo, chị kiệt sức đến muốn khóc. Sau đó, chị phải gửi con về nhà bà ngoại ở miền Tây để có thời gian kiếm tiền. Khoảng cách địa lý tuy gần nhưng chị cũng không muốn về thăm con quá thường xuyên, sợ con nhớ, mà mình thì đứt ruột, không muốn rời đi. Đến khi đứa trẻ bắt đầu nhận thức được, nó lại không muốn đến gần chị, vì sợ...
“Nói vậy chứ có con rồi sẽ có cách chăm thôi. Bạn em cũng mù mà tự chăm con khỏe re. Nó thì ốm nhách, mà con thì tròn ú. Nó được luyện từ nhỏ nên quen rồi. Đến bữa ăn, thằng nhỏ nằm ra, bạn em lấy chân kẹp con lại rồi đút ăn thôi. Ở chỗ em, có anh Nghĩa vợ chồng đều mù, mà tự nuôi con như thường, nay đứa nhỏ 7 tuổi rồi. Vậy mà anh Nghĩa còn đòi tuyển thêm vợ nữa chứ”.
Câu nói đùa của Thủy khiến tôi lại bật cười. Có tiếng đàn ông tung hứng cho câu chuyện của Thủy: “Thì duyên nợ mà, chấp nhận thôi”. Thì ra, nhân viên tên Nghĩa đang massage cho một khách nam ở buồng bên cạnh. Vợ anh là nhân viên ở cơ sở chính của “Massage khiếm thị - Xe buýt yêu thương” trên đường Nguyễn Thông, Q.3.
“Khi nào duyên tới thì em nhận vậy” - Thủy nói, giọng cô bỗng trầm lại, như tự nói với chính mình. Câu chuyện kết thúc giữa chừng, vì một nhân viên khác đã chuẩn bị nước nóng thảo dược bên ngoài cho tôi ngâm chân. Thủy nhanh nhẹn thay drap trải giường, lấy khăn bông mới để đón vị khách tiếp theo. Không biết câu chuyện chồng con tương lai của cô có được chia sẻ bởi vị khách sau tôi không.
Với người bình thường như chúng ta, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, được mẹ cho để nhìn đời và để làm duyên. Còn với những người khiếm thị này, đời được “nhìn” bằng cách lắng nghe, cảm nhận và duyên được thể hiện qua sự lạc quan cùng cách lan tỏa niềm yêu đời cho những người xung quanh...
Xuân Lộc