Chủ động với khẩu trang vải

23/03/2020 - 10:32

PNO - Đại dịch COVID-19 đang tạo ra bối cảnh có vẻ “tích cực” khi thế giới thực sự đã là một ngôi làng mỏng giòn, xích lại gần nhau hơn trước “phong ba, bão táp”. Thế nhưng, sự nhiễu loạn thông tin “đầu trên vừa nói, xóm dưới áp dụng” lại gây ra nhiều hệ lụy tức thời.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 21/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump không đề cập cụ thể loại khẩu trang nào có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ngay cả khẩu trang kháng khuẩn N95 cũng “không nên dùng chung hoặc tái sử dụng”. 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM về vấn đề vẫn còn nhiều dư luận trái chiều cũng như chưa thật sự khiến người dân an tâm, đó là vai trò của khẩu trang trong phòng chống lây nhiễm, chuyên gia dịch tễ, phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Quang Vinh, giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM, đã nhấn mạnh nguyên lý về sự tồn tại của virus trên các bề mặt tiếp xúc nhằm lý giải điều này.

Hãy an tâm với khẩu trang vải nhiều lớp, vì sao? Về mặt lý luận, virus có thể tồn tại vài ngày trên các bề mặt. Vì vậy, trong mùa dịch này,  ai cũng đã biết việc rửa tay, tránh đám đông, giữ khoảng cách với nhau 1 - 2m đối với người khác và đặc biệt, khẩu trang có giá trị lớn trong trường hợp lây qua tiếp xúc và giọt bắn. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp lây nhiễm trong môi trường nhất định như khoang máy bay, hay khả năng siêu lây nhiễm trong cộng đồng như SARS-CoV-2, giới khoa học vẫn bỏ ngỏ khả năng COVID-19 lây qua các khối khí li ti (nếu không muốn nói là lây qua không khí). Liệu đây thật sự là khó khăn cho vấn đề tự bảo vệ và vai trò của khẩu trang có còn giá trị không?

Trong mùa dịch này,  ai cũng đã biết việc rửa tay, tránh đám đông, giữ khoảng cách với nhau 1 - 2m đối với người khác
Trong mùa dịch này, ai cũng đã biết việc rửa tay, tránh đám đông, giữ khoảng cách với nhau 1 - 2m đối với người khác

Theo Tiến sĩ  Vinh, đại để có ba loại khẩu trang. Ngoài khẩu trang thông thường gồm cả khẩu trang y tế dùng một lần và khẩu trang vải dùng nhiều lần có tác dụng như đã nêu ở trên, còn có khẩu trang N95 ngăn được 95% virus lây qua không khí với kích thước dưới 5 mi-crô-mét và cuối cùng là mặt nạ chống độc phòng ngừa được 100%.

“Nhưng tất cả chỉ là về mặt luận lý và đều cần phải chứng minh. Năm 2014, 2017 đã có những báo cáo phân tích bằng nhiều nghiên cứu phác đồ đôi để tìm khả năng phòng ngừa lây nhiễm đối với các siêu vi gây ra cúm có thể là Influenza, Corona, hay adeno và những virrus khác… Người ta chia số người tình nguyện tham gia làm ba nhóm. Kết quả, trong số giờ nhất định theo dõi cộng đồng, nhóm không dùng khẩu trang dĩ nhiên có tỷ lệ lây nhiễm cao. Nhóm dùng khẩu trang thông thường (y tế, vải) và khẩu trang N95 có tỷ lệ thấp hơn. Nhưng điều đáng chú ý là, giữa hai nhóm đeo khẩu trang, không có khác biệt gì về con số lây nhiễm”, Tiến sĩ Vinh nói.

Hiện tại, có ý kiến của một số chuyên gia uy tín cho rằng, khẩu trang y tế dùng một lần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt như phải có một lớp mang tính chất không thấm ở mặt trước và thấm ở mặt sau. Để có được sản phẩm như vậy, đòi hỏi nguyên liệu phải nhập khẩu trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng toàn cầu, khiến khẩu trang khan hiếm.

Đến đây, Tiến sĩ Vinh đưa ra một kết quả nghiên cứu thứ hai cho thấy, không nhất thiết phải có điều kiện này. Người ta biết rằng, các thí nghiệm về sự tồn tại của RNA virus trên các bề mặt - đây là con đường lây lan qua tiếp xúc - cho thấy, có hai loại bề mặt liên quan đến mầm bệnh. Virus chỉ có thể sống trên loại bề mặt không hấp phụ tức các bề mặt cứng như kim loại, gỗ, đồng… có trong đời sống hằng ngày như tay nắm cửa, mặt bàn, đồ gia dụng nhựa... Nó không thể tồn tại khi rơi vào bề mặt hấp phụ, tức có khả năng hấp thu nước tốt, như giấy, vải, sợi bông... 

“Lý do đơn giản, khi rơi vào bề mặt hấp phụ như khẩu trang vải, quần áo có khả năng hấp thu nước tốt đã khiến virus chết vì cơ bản nó bị mất nước. Đây là một bản chất trong khả năng tồn tại trên các bề mặt của các tác nhân lây nhiễm đường hô hấp ít được nhắc tới.

Từ hai nghiên cứu cơ bản mà tôi đề cập, có thể thấy chúng ta không cần phải chạy theo những loại khẩu trang y tế xài một lần, cũng không cần N95, người dân có thể tự may khẩu trang vải nhiều lớp để sử dụng một cách an toàn, hiệu quả và dễ dàng”, ông Vinh khẳng định. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI