Chủ động trong công tác giám sát và phản biện xã hội

13/02/2019 - 09:00

PNO - Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi chỉ vài ngày, luật sư đại diện Hội LHPN TP.HCM và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đã có mặt cùng chứng kiến việc thi hành án giao con.

Theo đó, Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã tổ chức thi hành án, buộc ông Azais (44 tuổi, quốc tịch Pháp) giao bé Sara Thiên Kim (4 tuổi) cho người mẹ Nguyễn Thị Thanh Huyền (34 tuổi, quê quán Khánh Hòa).

Như vậy, sau hơn bốn năm ngược xuôi qua Pháp thưa kiện, cũng như miệt mài gõ cửa các cơ quan công quyền tại Việt Nam, chị Huyền chính thức được nhận lại con. Đây là đứa trẻ kết tinh từ tình yêu của chị Huyền và ông Azais nhưng sau đó, khi bé mới 3 tháng tuổi, do cuộc sống chung có nhiều mâu thuẫn, ông Azais đã tự động mang bé về Pháp, cách ly với mẹ. Từ đó, chị Huyền bắt đầu hành trình đòi con đầy nước mắt. Nhiều bản án, quyết định của cả tòa án Việt Nam lẫn nước ngoài phán quyết trả bé Sara Thiên Kim về cho mẹ, nhưng đều không được thi hành.

Rất may mắn, trong hành trình đó, chị Huyền được luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ Quyền Trẻ em, thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, cũng là luật sư đại diện cho Hội LHPN TP.HCM bảo vệ suốt quá trình tố tụng. Bên cạnh việc cử luật sư tham gia tố tụng, trong vụ việc này, Hội đã giúp chị Huyền chuyển không ít văn bản đến các cơ quan tư pháp đề nghị can thiệp, bảo vệ quyền lợi.

Kết quả, đứa bé được về với mẹ ngay ngày giáp tết không chỉ là niềm hạnh phúc, vui sướng của chị Huyền mà đã được cả cộng đồng chia sẻ.

Chu dong trong cong tac giam sat va phan bien xa hoi
Luật sư Trần Ngọc Nữ và chị Huyền trong niềm vui ngày thắng kiện tại tòa án Việt Nam tháng 8/2018 - Ảnh tư liệu của luật sư.

Lặng thầm trong công tác giám sát các hoạt động tư pháp, thi hành pháp luật chính là hình ảnh của Hội LHPN TP.HCM trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ suốt thời gian qua. Riêng trong năm 2018, các cấp Hội trên địa bàn thành phố thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, cấp thành phố thực hiện 2 nội dung giám sát việc thi hành pháp luật. Một là, giám sát triển khai, thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong 10 năm (2008 – 2018) của UBND quận 9, Gò Vấp và 2 phường trực thuộc các quận này. Hai là giám sát việc triển khai thi hành Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành của UBND tại quận Bình Tân, huyện Củ Chi cùng 2 phường, xã – thị trấn thuộc hai quận huyện này.

Chu dong trong cong tac giam sat va phan bien xa hoi
Những buổi tư vấn, phổ biến pháp luật của Hội LHPN các cấp tại TP.HCM cũng là kênh giám sát của Hội trong việc thực thi luật của các cơ quan chức năng.

Trong hoạt động giám sát việc thực thi Luật, Hội LHPN TP.HCM đã có cách làm mới từ lập hồ sơ, theo dõi vụ việc, có văn bản hướng dẫn Hội LHPN quận, huyện; cử luật sư hỗ trợ pháp lý, gửi văn bản trao đổi với các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết vụ việc theo Điều 33 Bộ Luật Tố tụng hình sự,… Điển hình như vụ trẻ bị bạo hành tại trường Mầm Xanh - quận 12, nhờ sự kiên trì của Hội cùng các luật sư thiện nguyện, Tòa án nhân dân quận 12 đã đề nghị cơ quan điều tra mở rộng điều tra, khởi tố bổ sung một bị cáo và mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo bạo hành trẻ em, không để lọt tội phạm.

Trong năm 2018, Hội LHPN các cấp đã giám sát quá trình giải quyết 33 vụ việc xâm hại trẻ em của các cơ quan tiến hành tố tụng quận, huyện trên địa bàn thành phố, nổi bật như vụ việc xâm hại trẻ em ở Thủ Đức, Củ Chi,… Các đối tượng đã bị bắt để điều tra, nhiều vụ đã đưa ra xét xử và những kẻ thủ ác với trẻ đã phải đền tội bằng những hình phạt thích đáng.

Cấp quận, huyện: thực hiện giám sát 43/24 chỉ tiêu của 24 quận, huyện (đạt tỷ lệ 179,17%).  Cấp phường, xã – thị trấn: thực hiện giám sát 428/319 chỉ tiêu của 319 phường, xã – thị trấn (tỷ lệ 134,17%).

Bên cạnh đó, năm 2018, Hội LHPN TP.HCM còn vượt chỉ tiêu thực hiện đóng góp ý kiến, phản biện xã hội. Theo đó,  Hội LHPN thành phố tham gia hội thảo phản biện xã hội với các dự thảo “Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý”;  “Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố giai đoạn 2018 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” và “Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2018 – 2020”.

Chu dong trong cong tac giam sat va phan bien xa hoi
Hội LHPN TP.HCM tập huấn kỹ năng, triển khai quy trình can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo hành đến thành viên các tổ tư vấn cộng đồng.

Hội viên, phụ nữ thành phố cũng tham gia góp ý 8 dự thảo Luật, cụ thể: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi); Dự thảo Luật An ninh mạng; Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi); Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi); Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi); Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

 Đại Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI