Chủ động thích ứng thuận thiên

06/03/2023 - 06:39

PNO - Mùa khô năm nay, trên cả nước, nắng nóng nhiều hơn, gay gắt và thất thường hơn. Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tuy không gay gắt như các năm 2016 và 2020 nhưng cũng đang diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, cũng đã có các trận động đất và dư chấn ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc với cường độ nhỏ nhưng rất đáng quan ngại. Theo dự báo của ngành khí tượng, năm 2023, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền.

Các chu kỳ thời tiết, bão, lũ, xâm nhập mặn theo mùa gần như bị phá vỡ. Mưa trái mùa, sạt lở bờ sông, bờ biển, triều cường, đường phố ngập đã xảy ra ngay trong mùa khô. Thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan không chỉ diễn ra ở những vùng dễ bị tổn thương như miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long mà đang diễn ra ở khắp các vùng miền của cả nước.

Theo dự báo của ngành khí tượng, năm 2023, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới
Theo dự báo của ngành khí tượng, năm 2023, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (Ảnh minh họa)

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tình trạng thiên tai, hạn, mặn ngày càng trầm trọng hơn. Nhưng chính con người đang góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu. Trong các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài, con người cần chuyển biến từ tư duy chống chọi sang chủ động thích ứng, phòng tránh hiệu quả.

Cần nhận thức rằng, hạn, mặn khốc liệt, sạt lở nghiêm trọng, bão lũ là những tình huống thiên tai, nên không thể chờ đợi để hành động. Nhưng, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn, lợ. 

Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó cần được hiện thực hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

Lâu nay, ta chỉ lo dùng nước ngọt để trồng lúa, hoa màu, lập vườn trồng cây, đào ao nuôi cá trong nội địa mà ít nhìn ra biển, hoặc nghĩ rằng hệ sinh thái nước mặn và nước ngọt luôn đối chọi nhau, nên chỉ biết làm đê ngăn mặn, giữ ngọt. Hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long trước đây chủ yếu là để thoát lũ. Ta nên chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm, biến nước mặn thành tài nguyên và lợi thế của các vùng nuôi thủy sản. 

Từ xưa, cùng với mùa nước nổi, thiên nhiên đã hình thành các “túi nước tự nhiên” khổng lồ ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên để trữ nước.

Tri thức bản địa, kinh nghiệm truyền thống về thích ứng thuận thiên của ông cha cần được kế thừa và phát huy bằng khoa học, công nghệ và trình độ dự báo thiên tai, thời tiết. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn, mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động đổi lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại.

Tư duy chủ động thích ứng thuận thiên cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, tiểu vùng, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”, gồm dịch chuyển lịch thời vụ để né hạn, mặn; sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa. Kèm theo đó là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công.

Cần tránh chống chọi thiên tai bằng cách can thiệp thô bạo, tạo ra hệ lụy mới. Cần chú trọng bảo vệ tài nguyên rừng, biển, hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của các vùng, miền. Phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa kinh tế, chính trị của đồng bằng. 

Thích nghi với hạn, mặn, phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển xanh phù hợp chính là bước chuyển dịch căn bản để vượt khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống ngàn đời, hướng đến mục tiêu an toàn, thịnh vượng trong tương lai. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI