Chủ động muộn màng

26/06/2016 - 07:11

PNO - Hôn nhân không chỉ là một quyết định cá nhân. Lập gia đình “muộn” hay “sớm”, xét cho cùng, cũng là những đánh giá từ bên ngoài, chỉ có người trong cuộc mới biết thời điểm nào thực sự phù hợp với mình.

Mặc dù độ tuổi biết đến và có trải nghiệm tình dục đang ngày một trẻ, nhưng độ tuổi kết hôn của phụ nữ châu Á nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng lại đang tăng, nhất là phụ nữ ở các đô thị lớn. Việc lấy chồng khi không còn trẻ đang phổ biến. Trong quyết định lập gia đình, người phụ nữ đã có nhiều lý do để cân nhắc hơn là chuyện chỉ cần một bờ vai làm chỗ dựa trong đời, chọn một người để cùng xây một tổ ấm.

Không phải tất cả các cô gái muộn chồng đều trong thế bị động, đều là “gái ế”. Nhiều chị em đã quyết định “chậm lại” một cách chủ động. Áp lực lớn nhất mà họ phải đương đầu không phải là chuyện cô đơn, chuyện quá lứa lỡ thì, mà là việc dư luận mặc nhiên coi họ như “hàng tồn kho”, “gái ế” do lỗi của họ. Ngay cả chị em trong nhà cũng không tránh được cách nghĩ đã thành lối mòn này.

Có chị đã viết thư hỏi Hạnh Dung cách nào để cô em chồng của mình sớm xuất giá. Cô em ấy “đã được vợ chồng tôi lo liệu cho một nghề nghiệp ổn định, nhan sắc cũng không đến nỗi, chỉ mỗi cái tính tình không được một điểm nào, không biết nấu ăn, không biết lau chùi dọn dẹp nhà cửa, không biết giúp đỡ người khác, không biết san sẻ gánh nặng kinh tế với gia đình... Công việc, chỗ làm thì người thân có thể lo liệu, thậm chí có thể dùng tiền mà mua cho, nhưng nhân duyên thì đành chịu. Có ai chịu rước bà cô ấy đi cho, tôi mang ơn vô kể. Nhưng mãi mà không ai chịu rước...”.

Chẳng biết người chị chồng này có nghĩ đến việc, chính những mâu thuẫn trong đời sống của anh chị đã khiến cô em gái không vội lập gia đình. Gia đình liệu có mang thêm được gì cho cô, khi công việc nghề nghiệp của cô hoàn toàn có thể tự lập? Việc quyết định lờ đi những thúc ép của bà chị chồng càng làm cho bà chị liệt kê thêm nhiều thứ vào cái danh mục những tính cách không thể chấp nhận được, khiến cô “ế”. Thậm chí, cái ngày cô thông báo chuyện lấy chồng của mình, chú rể là một đồng nghiệp chững chạc, đủ tầm che chở cho cô, bà chị còn ngoảy đầu “ờ, thì chẳng qua đã một đời vợ, nên nó mới chịu lấy... gái già!”.

Chu dong muon mang
Ảnh mang tính minh họa

Phần lớn các cô nàng muộn màng đều là các nàng có học hành, công việc. Thu nhập ổn định là một yếu tố quan trọng khi chị em quyết định chưa vội chia sẻ đời sống độc lập của mình. Mặt khác, theo truyền thống Đông phương, người phụ nữ có xu hướng chọn người đàn ông cao hơn mình về mặt học thức, hiểu biết, kinh nghiệm sống, thu nhập... Những gia đình được lập ra trên sự hài hòa có phần phụ thuộc này cho người đàn bà cảm giác được nương tựa, người đàn ông cảm giác che chở, bảo bọc, lo lắng cho người khác.

Đối với những cô gái nông thôn, được thụ hưởng một nền giáo dục chưa hoàn chỉnh, phận sự lấy chồng đẻ con được đặt lên hàng đầu. Phận sự này không đè nặng lên lớp phụ nữ được học hành, được tự mình kiếm tiền bằng năng lực, bằng công việc của mình, được có thể tự mình chăm sóc, thỏa mãn những nhu cầu cá nhân mà không phải xin phép ai. Thực tế là nhiều công việc do phụ nữ đảm nhiệm phù hợp với xu thế hiện đại hơn, mang lại thu nhập cao hơn nam giới. Quyết định lập gia đình muộn xuất phát từ những yếu tố cá nhân và xã hội như vậy, chứ cũng không hoàn toàn chỉ là chuyện duyên số, chuyện hình thức, chuyện tính tình...

Lập gia đình muộn hơn, tất sẽ sinh con muộn hơn, và ít hơn. Đây cũng là một xu hướng đáng kể của các gia đình hiện đại. Độ tuổi sinh nở của phụ nữ, ngược với xu hướng muộn màng này, lại đang có hướng trẻ hóa. Các bé gái dậy thì sớm hơn, và lớp phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh lo lắng dùng nhiều loại thuốc nội tiết tố để kéo dài tuổi xuân, chống lại quá trình lão hóa.

Có lẽ, phải nhìn đến tận những năm tháng này, để quyết định “lập chiến lược” cuộc đời mình, muộn đến lúc nào là không quá muộn, để không trở thành một người thất bại trong đời sống riêng của mình, bởi khác với nam giới, phụ nữ có thiên chức làm mẹ, và người đàn bà sẽ phát triển trọn vẹn hơn khi thiên chức ấy được thực hiện trong một gia đình.

Hôn nhân không chỉ là một quyết định cá nhân. Lập gia đình “muộn” hay “sớm”, xét cho cùng, cũng là những đánh giá từ bên ngoài, chỉ có người trong cuộc mới biết thời điểm nào thực sự phù hợp với mình. Người ta cũng có thể kể ra những tác động tích cực của việc kết hôn muộn: bạn sẽ trưởng thành hơn, bạn sẽ trải nghiệm cả thất bại lẫn thành công để biết chấp nhận người khác, bạn sẽ bình tĩnh hơn trước những cú sốc tan vỡ của chiếc bong bóng màu hồng sau khi đám cưới kết thúc, bạn sẽ biết chăm sóc bản thân và gia đình, bạn sẽ chuẩn bị đủ điều kiện kinh tế để xây dựng một tổ ấm nhỏ chuẩn bị cho những đứa trẻ ra đời...

Tất cả đều có lý, nhưng chỉ có lý khi cuối chặng đường muộn ấy là một kết cục, chứ không phải là một sự muộn màng khác nối tiếp sự muộn màng...

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI