Chủ động kiểm tra, giám sát việc thu, chi

27/09/2023 - 06:25

PNO - Cần tăng cường thanh, kiểm tra để hoạt động thu, chi tài chính ở cơ sở giáo dục diễn ra lành mạnh. Việc thanh, kiểm tra cần chủ động, không nên đợi dư luận lên tiếng mới vào cuộc.

Ngay đầu năm học, Trường THPT Thanh Miện III (tỉnh Hải Dương) đưa ra bảng kê gồm 21 khoản thu với tổng tiền 8,7 triệu đồng. Dư luận đã “dậy sóng” bởi có nhiều khoản vô lý và quá cao, như tiền học thêm hè 920.000 đồng, tiền học thêm 2.176.000 đồng, tiền khảo sát 180.000 đồng, tiền kiểm tra chung 200.000 đồng, tiền vở 225.000 đồng… Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương đã kiểm tra, yêu cầu nhà trường dừng thu.

Cần tăng cường thanh, kiểm tra để hoạt động thu, chi tài chính ở cơ sở giáo dục diễn ra lành mạnh (Ảnh minh họa)
Cần tăng cường thanh, kiểm tra để hoạt động thu, chi tài chính ở cơ sở giáo dục diễn ra lành mạnh (Ảnh minh họa)

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Tám do Văn phòng Chính phủ tổ chức đầu tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã nêu một số biện pháp chống lạm thu đầu năm học. Theo ông, bộ đã ban hành đầy đủ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học, như điều lệ ban đại diện phụ huynh học sinh, các hoạt động tài trợ cho GD-ĐT. Ông đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức. Sau này, cần có văn bản quy định mọi khoản thu đều không dùng tiền mặt.

Tiến sĩ Phạm Tất Dong - Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực - cho rằng, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng, nhân văn nhằm huy động sức dân cùng chăm lo cho giáo dục với mục đích hỗ trợ các hoạt động giáo dục của trường được tốt hơn và học sinh phải là đối tượng chính được thụ hưởng. Nhưng qua dư luận, báo chí phản ánh, điểm chung của các khoản bị “tố” lạm thu, lạm chi là đều không phục vụ cho chất lượng giáo dục và học sinh. Một số trường còn lợi dụng chủ trương này để lạm thu và không ít trường đã phải công khai xin lỗi, trả lại toàn bộ số tiền đã lạm thu. Ông cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần chủ động hơn trong việc kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện những dấu hiệu sai phạm.

Tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý giáo dục) cũng cho rằng, cần tăng cường thanh, kiểm tra để hoạt động thu, chi tài chính ở cơ sở giáo dục diễn ra lành mạnh. Việc thanh, kiểm tra cần chủ động, không nên đợi dư luận lên tiếng mới vào cuộc. Phải có chế tài mạnh để đủ sức ngăn ngừa tình trạng lạm thu, lạm chi. Chẳng hạn, cách chức, thuyên chuyển công tác hoặc xử lý hình sự hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu. 

Bà Minh Hằng cũng cho rằng, ban đại diện phụ huynh học sinh có phần trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng lạm thu. Do đó, nhà trường cần có quy định rõ ràng mức chi, khoản được chi theo từng trường hợp cụ thể; ban đại diện phụ huynh học sinh cũng cần có quy chế phát ngôn, tránh tình trạng mượn vai để làm việc sai mục đích, cần có năng lực tuyên truyền để giúp phụ huynh hiểu và thực hiện những chủ trương đúng, dám lên tiếng phản đối cái sai.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI