Chủ động hỗ trợ, giám sát xử lý hiệu quả các trường hợp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại

27/08/2021 - 17:39

PNO - Ngày 27/8, Hội LHPN các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình và TP.Thủ Đức đã cùng tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Buổi tọa đàm được tổ chức trực tuyến do Hội LNPN Q. Tân Bình )là cụm trưởng Cụm thi đua 1 (gồm các đơn vị trên) chủ trì với chủ đề: “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải pháp phối hợp trong công tác hỗ trợ, can thiệp các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em”.

Tham dự buổi tọa đàm có bà Đỗ Thị Chánh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Thành phố cùng lãnh đạo Hội LHPN các quận trong Cụm thi đua 1.

Buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra nghiêm túc trong suốt hơn 2 giờ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em
Buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra nghiêm túc trong suốt hơn 2 giờ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Tại buổi tọa đàm, các cán bộ Hội thuộc Cụm thi đua 1 chia sẻ về vai trò của tổ chức Hội trong việc chủ động hỗ trợ, giám sát xử lý các trường hợp bị xâm hại phụ nữ và trẻ em có hiệu quả tại địa phương. Từ những vụ việc thực tế xảy ra trên địa bàn, các chị trao đổi kinh nghiệm tiếp nhận, phối hợp xử lý các vụ việc: vừa nhanh chóng, kịp thời, vừa đảm bảo bảo mật và còn phải theo suốt quá trình của vụ việc… Kinh nghiệm của Hội, để hạn chế xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ, bên cạnh việc tuyên truyền trong gia đình, nhà trường, các cơ sở Hội đã tập trung truyền sâu rộng trong các khu nhà trọ, khu chung cư… Bởi đây là môi trường khá phức tạp, nhiều kẽ hở để tội phạm xâm hại trẻ em có thể lợi dụng, hành động.  

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết, các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là các thành viên trong gia đình, người thân quen. Bên cạnh công tác tuyên truyền, trong tố tụng, để bảo vệ trẻ, cán bộ Hội các cấp cần giám sát việc cơ quan điều tra có tuân thủ áp dụng mô hình “điều tra thân thiện” (điều tra viên, viện kiểm sát là nữ mặc thường phục) hay không. Bởi chỉ có “điều tra thân thiện” mới có thể dễ dàng tiếp cận thông tin từ trẻ. Điều đó giúp trẻ em (trẻ em nữ) tránh bị lo sợ, sang chấn tâm lý và cảm nhận được sự chăm sóc, yêu thương từ người lớn.

Đúc kết tọa đàm, bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Gia đình-Xã hội Hội LHPN Thành phố đề nghị các cán bộ Hội cơ sở cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp lý liên quan đến công tác hỗ trợ, can thiệp các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Trong đó, các cấp Hội cần tuyên truyền các kiến thức pháp luật liên quan trẻ em; lên án, tố giác tội phạm xâm hại trẻ cũng như nhanh chóng nắm bắt thông tin vụ việc, kết nối tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe kịp thời đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục. Tất cả hành động với mục tiêu không để các vụ việc xâm hại nghiêm trọng xảy ra mà không có sự can thiệp kịp thời của tổ chức Hội.

Phan Tuyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI