Chủ đầu tư dự án chung cư đua nhau 'nổ'

16/11/2018 - 10:08

PNO - Lợi dụng kẽ hở pháp luật, nhiều dự án bất động sản tự phong các danh hiệu: căn hộ cao cấp, căn hộ hạng sang, siêu sang... để câu khách; đến khi nhận nhà, nhiều khách hàng mới té ngửa: chủ đầu tư chỉ “nổ” là chính.

Dự án nào cũng cao cấp, siêu sang 

"Căn hộ hiện đại nhất Đông Nam Á" là dòng chữ trên băng-rôn luôn được chủ đầu tư treo trước dự án The Park Residence (H.Nhà Bè, TP.HCM). Theo các cư dân, cũng vì những thông tin "chém gió" ấy mà trước đây họ đã đóng tiền mua căn hộ để rồi chuốc lấy không biết bao khổ sở. 

Ban đầu, dự án do Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư, khởi công khoảng quý II/2010. Tuy nhiên, khách hàng đóng tiền chưa được bao lâu thì chủ đầu tư thông báo gặp khó khăn tài chính nên chuyển giao lại cho Tập đoàn MIK Corporation phát triển. Theo hợp đồng mua bán với khách hàng, dự kiến khoảng tháng 6/2016, tập đoàn sẽ bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng sau đó dự án liên tục trễ hẹn, kéo dài đến hơn một năm rưỡi sau.

Chu dau tu du an chung cu dua nhau 'no'
Chủ đầu tư dự án The Park Residence cho rằng đây là căn hộ hiện đại nhất Đông Nam Á

Khách hàng còn cảm thấy thất vọng khi phát hiện dự án được quảng cáo "cao cấp" ngày nào có dấu hiệu sử dụng vật liệu xây dựng kém chất lượng, không như hợp đồng ký kết. Theo hợp đồng, cửa ban-công, cửa sổ là nhôm kính nhưng thực tế là cửa nhựa; thiết bị vệ sinh, hệ thống vòi nóng lạnh trong hợp đồng ghi nhãn hiệu Nhật Bản nhưng thực chất không phải; thang máy được cam kết dùng nhãn hiệu Mitsubishi nhưng thực tế là Kone...

"Chúng tôi phản ánh thì họ nói các vật liệu này cũng cao cấp, có giá ngang với vật liệu ghi trong hợp đồng nên không chịu thay thế" - một cư dân ở đây nói. 

Dự án chung cư Quốc Cường Gia Lai (Q.7, TP.HCM) với mác "cao cấp" đã thu hút đông đảo khách hàng tìm đến mua, nhưng khi nhận nhà, nhiều khách hàng không khỏi bức xúc vì căn hộ liên tục xuống cấp. Thậm chí, khoảng cuối năm 2017, mảng trần thạch cao trong một căn hộ của dự án bất ngờ đổ sập, may là không xảy ra thương vong. 

Chu dau tu du an chung cu dua nhau 'no'
 
Chu dau tu du an chung cu dua nhau 'no'
Một căn hộ dự án Opal Riverside bị bể đường ống nước khiến toàn bộ nội thất của người dân hư hỏng hoàn toàn

Cách đây khoảng 3 năm, dự án chung cư Opal Riverside (Q.Thủ Đức, TP.HCM) khi mở bán cũng được giới thiệu rầm rộ là "cao cấp, sang trọng", nhưng khi đưa vào sử dụng, nhiều khách hàng không khỏi thất vọng về chất lượng công trình: ống nước rò rỉ, gạch bị vỡ... Giữa năm 2018, căn hộ của anh N. vừa đầu tư khoảng 200 triệu đồng tiền nội thất đã te tua do ống nước bị vỡ, ngập gần toàn bộ căn nhà.

Tại TP.Hà Nội, dự án D’Capitale Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy) từ quảng cáo đến thực tế khác quá xa khiến khách hàng không muốn nhận nhà. Theo khách hàng, lúc mở bán, nhà mẫu dự án được chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đầu tư hoành tráng với hành lang rộng gần 2,5m, nhà vệ sinh thoáng mát, cầu thang thoát hiểm rộng rãi...

Chu dau tu du an chung cu dua nhau 'no'
Khách hàng mua căn hộ dự án D’Capitale Trần Duy Hưng bức xúc khi hành lang chung cư rộng chưa đến 1,5m

Trên internet, dự án được quảng cáo "cao cấp, siêu sang, căn hộ 5 sao", nhưng khi nhận nhà, khách hàng không thể tin vào mắt mình với hành lang rộng chưa đến 1,5m và không có máy điều hòa nhiệt độ, cầu thang thoát hiểm quá hẹp, đường ống nước lộ thiên, trần nhà quá thấp. 

Quản lý chuyện đã rồi 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM

Bộ Xây dựng cần nhanh chóng sửa đổi các thông tư trên theo hướng quy định rõ tiêu chí chung cư cao cấp. Chủ đầu tư chỉ được quảng cáo, tiếp thị để huy động vốn khách hàng với các danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, siêu sang... sau khi đã được cơ quan chức năng có văn bản công nhận đạt các tiêu chí theo quy định. 

Trong 10 năm qua, Bộ Xây dựng đã ban hành 2 thông tư về phân hạng nhà chung cư gồm: Thông tư 14/2008/TT-BXD ngày 2/6/2008 và Thông tư 31/2016/TT-BXD ngày 30/12/2016. Các thông tư này chia nhà chung cư thành nhiều hạng với các tiêu chí khác nhau nhằm xác định giá trị của từng dự án chung cư để quản lý và giao dịch trên thị trường. Nhưng việc phân hạng này những năm qua đã không mang lại hiệu quả vì không phù hợp thực tế.

Cụ thể, các thông tư chỉ phân hạng chung cư sau khi đã xây dựng xong hoặc đã bán căn hộ cho khách hàng, trong khi thông tin mà người mua nhà cần được biết là hạng chung cư hình thành trong tương lai, bởi đây là giai đoạn họ dễ bị lừa nhất.

Bên cạnh đó, các thông tư còn thiếu tính nhất quán trong cách phân loại nhà chung cư. Chẳng hạn, Thông tư 14/2008 quy định 4 hạng chung cư gồm: hạng 1 (cao cấp), còn lại là hạng 2, hạng 3, hạng 4, trong khi Thông tư 31/2016 lại quy định 3 hạng chung cư gồm A, B, C. 

Chưa hết, bộ tiêu chí đánh giá chung cư hạng A của Thông tư 31/2016 lại chưa quy định rõ ràng, chưa có quy định công năng của không gian và trang thiết bị, vật tư bên trong căn hộ.

Ngoài ra, theo quy định, sau khi dự án xây xong và nghiệm thu, đưa vào sử dụng, ban quản trị chung cư hoặc chủ đầu tư dự án lập hồ sơ đề nghị công nhận hạng nhà chung cư, nhưng theo một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay, chưa có chủ đầu tư hoặc ban quản trị nhà chung cư nào lập hồ sơ đề xuất phân hạng nhà chung cư. Điều này cho thấy, các quy phạm pháp luật trên không thiết thực, chưa đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của thị trường và người mua nhà. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - nhận định: "Trong nhiều năm qua, xuất hiện tình trạng loạn danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang... Nhiều dự án còn sử dụng tràn lan các cụm từ nước ngoài gắn với tên dự án như Luxury, Hi-end, Premier, Royal... Họ coi đây là một thủ thuật câu khách, quảng bá sản phẩm”.

Theo ông Châu, thực tế, chỉ có một số dự án bất động sản đạt chuẩn cao cấp hoặc đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu, đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch dự án, thiết kế căn hộ, tiện ích và dịch vụ. Nhiều dự án bất động sản được chủ đầu tư tự phong "cao cấp, căn hộ hạng sang, siêu sang" nhưng chưa được Sở Xây dựng TP.HCM hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận. 

Có dấu hiệu gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản

Việc các chủ đầu tư tự phong danh hiệu "cao cấp" cho mình là vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 13, điều 6 Luật Nhà ở năm 2014: "Cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" và vi phạm khoản 3, 4, điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về việc "không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản"; có dấu hiệu gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà. 

Luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI