Chủ đầu tư cầm cố dự án, người mua nhà có bị xiết nợ?

30/05/2016 - 05:57

PNO - Nhiều người mua nhà đang rất hoang mang về vấn đề này sau sự việc BIDV phát công văn “xiết nợ” đối với dự án The Harmona (Q.Tân Bình, TP. HCM).

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, NH không thể đuổi cư dân ra khỏi nhà của họ.

Sự hoang mang của người mua nhà sau vụ việc The Harmona là có cơ sở, bởi hầu hết dự án bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đều đang vay vốn NH. Nếu thực sự NH được phép “xiết” nhà của dân để thu hồi nợ thì phần lớn cư dân sẽ… ra đường.

Chủ đầu tư "bắt tay" ngân hàng?

Mấy ngày qua, sau khi chung cư The Harmona nhận thông báo thu hồi tài sản đảm bảo từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Sài Gòn trước ngày 9/6/2016, gần 600 hộ dân tại đây đứng ngồi không yên vì lo bị NH “xiết” nhà. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, sau khi làm việc với BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn, đã khẳng định cư dân không có lỗi trong vụ việc này và không thể “xiết” nhà của họ. Ông Minh cho biết thêm, lỗi là ở cả NH và doanh nghiệp. Về phía BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn, trong quá trình cho vay, đơn vị này đã không kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của dự án The Harmona, tức là chưa làm tốt vấn đề thu hồi nợ theo quy chế tín dụng của NH.

Thực chất, đây là sự “bắt tay” giữa NH và chủ đầu tư - Công ty vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim), nếu không, 600 căn hộ The Harmona có “tài thánh” cũng không thể bán được. Theo quy định, khi Tamexim muốn bán số căn hộ này, họ buộc phải giải chấp với BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn.

Chu dau tu cam co du an, nguoi mua nha co bi xiet no?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, NH không thể đuổi cư dân ra khỏi nhà của họ

Ngoài ra, theo quy chế tín dụng, dự án được thế chấp tại BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn, nên khách hàng mua nhà chỉ được vay tiền của NH này. Ngay cả khi khách hàng mua nhà bằng tiền tự có thì NH cũng có thể quản lý dòng tiền bằng một tài khoản của chủ đầu tư mở tại BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn. Như vậy, nếu thực hiện đúng quy trình, khoản nợ khoảng 244 tỷ đồng của Tamexim không thể kéo đến bây giờ.

Vấn đề “bắt tay” giữa chủ đầu tư với NH không phải chuyện mới. Trước đây, Công ty địa ốc Hoàng Quân cũng từng bị phanh phui sự việc tương tự tại dự án HQC Plaza (H.Bình Chánh, TP.HCM). Vụ việc này chưa đến nỗi tệ hại như The Harmona, nhưng “chiêu thức” cũng tương tự. Ở thời điểm đó, Hoàng Quân thế chấp toàn bộ dự án HQC Plaza (đất và tài sản gắn liền trên đất) để vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng của BIDV, nhưng sau đó doanh nghiệp này bán căn hộ cho người dân mà không giải chấp.

Với cách thức này, Hoàng Quân vẫn duy trì được khoản vay tại BIDV với lãi suất thấp, đồng thời vẫn thu được một khoản tiền từ việc bán căn hộ. Giải thích cho việc bán căn hộ chưa giải chấp, lãnh đạo của Hoàng Quân cho rằng họ được sự cho phép của BIDV. Tuy nhiên, Hoàng Quân không cung cấp được văn bản của BIDV về việc "cho phép" này.

Chu dau tu cam co du an, nguoi mua nha co bi xiet no?
Thông báo của Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn

Như vậy, có thể thấy chủ đầu tư không thể bán cho người dân khi căn hộ được thế chấp trong NH, nếu NH không “ngó lơ”. Đây thực chất là sự thỏa thuận ngầm giữa NH và chủ đầu tư nhằm giúp chủ đầu tư quay vòng vốn. Đồng thời, NH cũng có lợi với khoản lãi suất không nhỏ. Chuyện sẽ không ầm ĩ nếu chủ đầu tư trả nợ đúng hạn, nhưng trong trường hợp chủ đầu tư không thể trả nợ, người mua nhà cũng vô can, bởi lỗi hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư và NH.

Tránh rủi ro bằng cách nào?

Theo TS Lê Bá Chí Nhân (chuyên viên kinh tế bất động sản), vấn đề dự án đã thế chấp NH vẫn bán cho người dân không phải xảy ra lần đầu. Trước đây, từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Đáng lẽ trước mỗi vụ việc, các cơ quan chức năng như Thanh tra NH, Sở Xây dựng, công an… phải điều tra làm rõ lỗi của chủ đầu tư ở đâu, lỗi của NH ở đâu để xử lý triệt để. NH cũng phải làm rõ vấn đề kiểm tra, khảo sát thực tế tài sản thế chấp trước khi cầm cố, các thủ tục cầm cố có đúng quy định pháp luật không.

Đối với chủ đầu tư, phải làm rõ việc bán tài sản đã thế chấp có hợp pháp không. Trường hợp NH ủy quyền cho phép bán thì được xem là hợp pháp. Khi đó, NH phải chịu trách nhiệm. Nếu chủ đầu tư tự ý bán thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí, không loại trừ NH và chủ đầu tư “bắt tay” với nhau. “Cần phải làm rõ những vấn đề này và xử lý nghiêm từng đơn vị vi phạm. Nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố. Thế nhưng, hầu hết các vụ việc không được làm đến nơi đến chốn nên tình trạng vi phạm tại các dự án vẫn tái diễn”, ông Nhân nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI