Chủ cửa hàng hải sản tươi sống giúp nhận biết tôm bơm tạp chất

30/05/2016 - 06:03

PNO - Khi tôm có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Thời gian vừa qua, hàng loạt cơ sở kinh doanh tôm có hành vi gian lận thương mại bằng cách bơm tạp chất vào tôm nhằm tăng lợi nhuận khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang lo lắng.

Theo các phát hiện trước đó, tạp chất nhằm tăng trọng lượng chủ yếu là tinh bột như bột agra thạch rau câu, a dao, CMC (chất ổn định dùng để kiểm soát độ nhớt của thủy hải sản)… Các chất này thường được nấu chín hoặc hòa với nước thành dung dịch sền sệt. Sau đó dùng ống tiêm chích trực tiếp vào đầu, thân và đuôi tôm.

Hiện nay, các loại tôm biển được bày bán rất nhiều tại các chợ lớn nhỏ và việc có sự trà trộn của loại tôm bơm tạp chất luôn là nỗi lo của người tiêu dùng. Chính vì vậy câu hỏi làm sao để phân biệt được tôm sạch và tôm bơm tạp chất luôn là điều băn khoăn của người mua.

Chị Nguyễn Thị Trang, một cửa hàng hải sản tươi sống lâu năm tại chợ Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Theo tôi được biết thì loại tôm bị bơm tạp chất nhiều nhất là tôm sú và tôm hùm, những loại tôm có to. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bên ngoài, người mua cũng có thể dễ dàng nhận biết được loại tôm bơm tạp chất này.

Thông thường, loại tôm tươi, sạch sẽ có mình mềm, cong, mang tôm cũng mềm và phẳng. Những con tôm này sẽ rất khỏe, vẫn bật được, mắt tôm đen và sáng.

Trong khi đó, tôm bơm tạp chất trên cơ thể lại có rất nhiều dấu hiệu bất thường. Mình tôm thường cứng, thẳng đơ không thể bật, co được như tôm sạch. Hơn nữa, những con tôm bị bơm tạp chất mình sẽ căng phồng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân".

Chu cua hang hai san tuoi song giup nhan biet tom bom tap chat
Tôm bơm tạp chất thường bị phù đầu, các đốt trên thân gần như giãn ra đặc biệt là đốt nối giữa đầu và thân. Ảnh minh họa.

Cùng chia sẻ về kinh nghiệm chọn tôm sạch không bị bơm tạp chất, chị Hà Thị Oanh, một chủ cửa hàng hải sản tươi sống khác cho biết: "Việc bơm tạp chất vào tôm nay mang lại lợi nhuận rất cao cho người kinh doanh. Đây toàn là những loại tôm đắt tiền, một kg tôm thường, bơm thêm tạp chất vào cũng tăng thêm được 2-3g, lời như vậy thì ai chả hám.

Hơn thế, để những con tôm ươn trở nên bóng, căng mọng, không bị rụng đầu, việc bơm tạp chất cũng là một cách tối ưu.

Những con tôm bị bơm tạp chất, thân thường bị phù, mập, phần đuôi xòe thẳng ra (trong khi tôm thường phần đuôi cụp xuống), phần đầu cũng bị phù và gai vểnh. Khi thấy tôm có những dấu hiệu này, chị em không nên mua.

Loại tôm này khi nấu sẽ ra rất nhiều nước và bị teo lại, có khi teo lại chỉ bằng 1 nửa lượng tôm khi còn sống, vị tôm thường nhạt, ăn bị bở, không thơm. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang. Trong khi đó tôm sạch nấu không bị teo, ăn ngọt, chắc thịt và thơm".

Theo chị Oanh, thông thường, tôm bị bơm tạp chất là loại tôm đã chết, chính vì thế để đảm bảo an toàn chị em nên mua loại tôm còn tươi sống khỏe mạnh.

Ngoài ra, chị Oanh còn khuyến mại thêm cho người tiêu dùng cách chọn tôm ngon. Theo đó, các bà nội trợ nên chọn tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn, thịt trong gắn chặt vào vỏ, tôm còn nhảy tanh tách, không rớt chân càng.

Với tôm đông lạnh hoặc đã hấp, chị em thử cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít là tôm tươi, còn nếu các khớp này giãn ra là tôm đông lạnh để lâu rồi.

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng  làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

Minh Tuệ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI