Chiếm tỷ trọng 7/175 tiết không thể là hợp nhất
Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Diên Hiển, Chủ biên sách giáo khoa (SGK) toán lớp Hai của bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cùng năm cộng sự tác giả của bộ sách đã có văn bản gửi Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam; đồng gửi đến Phó thủ tướng Võ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia SGK toán.
Văn bản nêu rõ, thực hiện chủ trương sáp nhập của lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam, ngày 5/7/2020, hai chủ biên SGK toán của hai bộ sách đã họp bàn và thống nhất việc hợp nhất hai bộ sách. Theo đó, đóng góp của nhóm tác giả của mỗi bộ sách là 50% vào bản thảo chung.
Tuy nhiên, kết quả khi Công ty dịch vụ xuất bản Gia Định đưa bản thảo SGK toán lớp Hai cho các cơ quan chức năng thẩm định thì tập thể tác giả của bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục không hề biết bản mẫu đó như thế nào. Trong khi theo thông lệ, chủ biên phải ký xác nhận mẫu sách trước khi nộp Hội đồng thẩm định (PGS Trần Diên Hiển là đồng chủ biên).
|
Nhiều tác giả cho rằng sách của họ đã bị xóa sổ một cách thô bạo |
“Qua biên bản của Công ty phát hành Sách giáo dục, chúng tôi biết Công ty Gia Định xác định đóng góp của nhóm tác giả bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (sáu người) là bảy tiết trong tổng số 175 tiết. Công ty Gia Định không thực hiện tỷ lệ phân chia như đã bàn bạc.
Sáu tác giả, trong đó có một đồng chủ biên được phân chia viết bảy tiết trong 175 tiết là một trò hài hước. Tập thể tác giả đề nghị rút bảy tiết ra khỏi SGK toán lớp Hai; rút tên sáu tác giả ra khỏi bản mẫu SGK toán lớp Hai”, nhóm này cho hay.
Trao đổi qua điện thoại vào chiều 18/3, PGS-TS Trần Diên Hiển xác nhận đó là văn bản của nhóm tác giả SGK toán lớp Hai Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Sau đó, phía NXB mời nhóm tác giả làm việc một số buổi và đi đến kết luận. Theo PGS Hiển, dù không chấp nhận thì vẫn không thay đổi được kết quả, hai bộ SGK cũng không “sống lại”.
Giáo sư (GS) Đỗ Thanh Bình, Tổng chủ biên sách lịch sử và địa lý lớp Sáu, bộ Cùng học để phát triển năng lực, bức xúc nói: “Hoàn toàn xóa sổ chứ có hợp nhất đâu. Nhóm tác giả đã viết xong SGK lớp Hai, lớp Sáu rồi, muốn hợp nhất phải cùng nhau viết lại và như vậy phải mất thời gian hơn, có thể đến năm sau. NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã thẩm định nội bộ xong, đã thành bản thảo rồi. Xóa sổ một cách thô bạo. Chúng tôi không được biết trước.
Ngày 19/6/2020, tiến hành thẩm định nội bộ còn chưa nói gì về chuyện hợp nhất. Đến một tuần sau đó, mới nói hợp nhất. Nhưng khi bàn hợp nhất từng môn thì tất cả các chủ biên, tổng chủ biên, tác giả ý kiến là không thể hợp nhất lúc này được vì nó đã thành hình hài rồi; đề nghị đều cho xuất bản, phải chờ năm sau lớp Ba và lớp Bảy hãy hợp nhất. Cuối cùng, họ xóa sổ một cách không có cơ sở”.
Theo GS Bình, cách hợp nhất của NXB là chọn dùng ba môn phụ của bộ Cùng học để phát triển năng lực là Giáo dục thể chất lớp Sáu, Hoạt động trải nghiệm lớp Hai, một số bài trong môn âm nhạc lớp Hai để ghép vào bên kia. Các môn chính như toán, văn, lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên… đều bị loại bỏ hết và sử dụng hoàn toàn SGK của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Cách làm này là lắp ghép, không phải sự hợp nhất tinh túy của hai bộ sách một cách bài bản, khoa học và có lộ trình.
Bài toán kinh tế chi phối chuyên môn
Có thể có rất nhiều lý do để dẫn đến cuộc hợp nhất mà những người trong cuộc gọi là “cuộc xóa sổ thô bạo”, nhưng ai cũng hiểu nguyên nhân chính không nằm ngoài thị phần, lợi nhuận. Nhìn vào thị phần của hai bộ sách này ở “cuộc đua” SGK lớp Một vừa qua sẽ hiểu ngay việc không tiếp tục phát triển hai bộ sách trên chỉ là chuyện sớm muộn.
“Nguyên nhân dẫn đến cuộc xóa sổ thực sự là vì bộ sách của chúng tôi chiếm thị phần nhỏ, không cạnh tranh lại. Khi sách đột ngột bị xóa sổ, nhóm tác giả rất đau đớn vì thai nghén một năm trời mất bao công sức, chất xám”, GS Đỗ Thanh Bình chua chát thừa nhận.
|
Ảnh minh hoạ |
Nếu nói những bộ sách bị hợp nhất không đủ chất lượng cũng không đúng. Bởi cả hai bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Cùng học để phát triển năng lực đã được Hội đồng thẩm định SGK quốc gia thông qua năm 2019 để đưa vào giảng dạy.
Thêm nữa, trong vụ lùm xùm về sai sót, ngữ liệu chưa phù hợp của SGK lớp Một, hai bộ này cũng phải chỉnh sửa ít lỗi hơn. Theo đó, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa hơn 37 trang, gồm SGK Tiếng Việt 1 (tập 1 và 2) và SGK Giáo dục thể chất 1. Bộ Cùng học để phát triển năng lực phải sửa lỗi 24 trang SGK Tiếng Việt 1 (tập 1 và 2), SGK Tiếng Anh 1 và SGK Giáo dục thể chất 1. Bộ Chân trời sáng tạo phải sửa lỗi 7 trang. Còn bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục có một trang trong SGK Tiếng Việt 1 (tập 1) phải điều chỉnh nội dung văn bản do ngữ liệu không đúng thực tế.
Đối với SGK năm nay, GS Bình cho rằng nguyên nhân bị loại vì thị trường sẽ thuyết phục hơn là nói sách không đạt chất lượng.
Ông dẫn chứng: ngay trong đợt thẩm định nội bộ NXB về SGK lịch sử, địa lý lớp Sáu hồi tháng 6/2020, lúc này NXB Giáo dục Việt Nam có ba đầu sách thuộc bộ Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối trí thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Kết quả, phần lịch sử của hai bộ Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống có 100% ý kiến đánh giá đạt nhưng cần sửa chữa. Còn bộ Chân trời sáng tạo có 2/3 ý kiến cho rằng đạt nhưng cần sửa chữa, một ý kiến đánh giá không đạt.
“Thế nhưng, SGK được đánh giá kém hơn lại được giữ lại, còn SGK đạt thì bị loại bỏ. Tôi không hiểu chỉ trong mươi ngày mà họ có thể phù phép để cho kết quả ngược lại?”, GS Bình thắc mắc.
Còn nhớ, ngay khi thực hiện chủ trương xã hội hóa SGK, chuyên gia biên soạn sách từng là “cuộc chiến” giành giật giữa các NXB với đầy hứa hẹn. Thế nhưng, chỉ một năm sau, cục diện thay đổi. Họ sẵn sàng loại những quyển sách, tác giả không đủ hấp dẫn thị trường. SGK là câu chuyện chưa khi nào yên ả, các NXB làm SGK thường xuyên báo lỗ nhưng chẳng có ai chịu “nhả” thị phần này ra.
Gia Tuệ