“Chú bé Thất Sơn”: Món quà tuổi thơ 30 năm gặp lại

16/07/2021 - 15:56

PNO - Cuốn sách “Chú bé Thất Sơn” được tác giả Phạm Công Luận viết năm 1991, từng đoạt giải Văn học thiếu nhi, nay trở lại với độc giả trong hình dáng mới.

Chú bé Thất Sơn được tác giả Phạm Công Luận viết năm 1991, xuất bản lần đầu năm 1993. Cuốn sách từng đạt giải C cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ nhất. Nhân dịp 30 năm ngày cuốn sách "chào đời", Phương Nam book tái bản sách với bìa mới, nhiều trang in màu, hình minh hoạ sinh động.

Cuốn sách theo chân của 2 chị em Thảo và Nam trong chuyến về thăm ngoại mùa hè. Trong chuyến về chơi hè này, hai chị em được gặp Siêng – cậu bé là “thổ địa” của vùng Thất Sơn. Theo bước chân Siêng, chị em Nam được khám phá một thế giới mới thú vị. Nơi ấy có đồng ruộng bao la, có dòng kinh Vĩnh Tế mát lành, có vị cá nướng trui thơm lừng, món khoai mì rẫy ngọt bùi... Ngoài những hình ảnh xinh đẹp của làng quê, 2 chị em còn được khám phá nhiều câu chuyện ly kỳ của vùng Bảy Núi.

Cuốn Chú bé Thất Sơn trong phiên bản mới.
Cuốn Chú bé Thất Sơn trong phiên bản mới.

Chú bé Thất Sơn không đơn thuần là cuốn sách ôn lại kỷ niệm tuổi thơ mà còn gợi mở cho bạn đọc nhí về hành trình vượt lên số phận của cậu bé Siêng. Siêng là đứa trẻ mồ côi, tối ngủ nhờ chòi vịt, ngày chăn trâu kiếm từng bữa cơm. Nhưng Siêng không bỏ học, em vẫn cố đến trường, theo đuổi lớp học bổ túc hàng đêm. Ngay cả khi số phận tiếp tục thử thách, Siêng làm mất trâu, bị đánh đập, bị chèn ép và cả bị bắt, chú bé vẫn cố gắng từng chút hướng về tương lai.

"Nó mơ trở thành một chuyên viên về nông nghiệp như chú Thành, anh Tân ở trạm thực vật huyện. Nó sẽ hướng dẫn bà con trồng loại lúa nào chống được rầy nâu, loại lúa nào trồng ngắn ngày, loại nào ngon cơm. Nó sẽ giới thiệu với mọi người về các loại máy gặt, đập, gieo hạt, tuốt lúa, đánh bóng gạo... Không còn ai phải vất vả khom lưng ngoài đồng dưới trời nắng, chân ngâm dưới sình mà sẽ ngồi trong buồng kín của chiếc xe chuyên dùng trên đồng ruộng", trích trong cuốn Chú bé Thất Sơn.

Những hình ảnh minh hoạ màu sắc, dễ thương.
Những hình ảnh minh hoạ màu sắc, dễ thương.

Chú bé Thất Sơn ghi điểm nhờ ngôn từ mộc mạc, hình ảnh dân dã, gần gũi. Những tư liệu làng quê được tác giả Phạm Công Luận sử dụng nhuần nhuyễn, chân thực. Nguồn cảm hứng được tác giả lấy từ những chất liệu thực, ông từng được nghe kể trong lần về thị xã Châu Đốc, An Giang. Những cảm xúc này có sức ám ảnh dai dẳng, thôi thúc ông viết về chúng.

Tác giả Phạm Công Luận cho biết đây là cuốn sách khá kỷ niệm với ông, ngoài giải thưởng văn học viết cho thiếu nhi, đây là cuốn sách hư cấu duy nhất mà ông viết và “chắc có những vụng về của cuốn sách đầu tay”.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI