Christopher Nolan - “quái kiệt” của Hollywood

15/03/2024 - 07:05

PNO - Không chỉ có Oppenheimer - tác phẩm vừa được trao giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar 2024 - Christopher Nolan nổi tiếng với hàng loạt bộ phim bom tấn luôn khiến người xem “xoắn não”. Phim của ông có ảnh hưởng lớn đến các nhà làm phim khác cũng như toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.

Không cần hiểu, chỉ cần cảm nhận

Một trong những điều tạo nên sự khác biệt ở phim của đạo diễn Christopher Nolan là câu chuyện phức tạp, lối kể phi tuyến tính và những ý tưởng hấp dẫn. Đây cũng là yếu tố khiến ông nổi tiếng và được xem là một trong những đạo diễn thiên tài của Hollywood. Ngoại trừ 3 phim trong loạt The Dark Knight (tựa Việt: Kỵ sĩ bóng đêm), hầu hết những bộ phim nổi tiếng của Nolan đều cực kỳ “hack não”.

Đạo diễn Christopher Nolan
Đạo diễn Christopher Nolan

Nolan thường sử dụng cách kể chuyện trộn giữa quá khứ, hiện tại hoặc nhiều cốt truyện để tạo ra trải nghiệm mới và kích thích trí tưởng tượng của người xem. Phim của ông đòi hỏi sự chú ý hoàn toàn của khán giả và mang lại những trải nghiệm, cảm xúc đa tầng.

Ra mắt năm 2000, Memento (tựa Việt: Kẻ mất trí nhớ) đã giới thiệu một tài năng mới, đồng thời phá vỡ các quy tắc điện ảnh bằng lối kể chuyện không giống ai. Phim đã ghi tên nhà biên kịch kiêm đạo diễn Christopher Nolan vào danh sách những tên tuổi đầy tiềm năng của Hollywood. Memento xoay quanh một người đàn ông mắc chứng mất trí nhớ, cố gắng khám phá bí ẩn đằng sau cái chết của vợ mình. Điều đặc biệt của bộ phim là cách kể câu chuyện ngược thời gian, buộc người xem phải hết sức chú ý khi xem để có thể kết nối các sự kiện, thời gian.

Sau Memento, Interstellar (tựa Việt: Hố đen tử thần) hay Tenet đều là những tác phẩm “nhức đầu” của Nolan. Trong đó, phần kết đầy mơ hồ của Inception (tựa Việt: Kẻ trộm giấc mơ) gây tranh cãi nhiều nhất. Cobb (Leonardo DiCaprio) đã trở về với gia đình, nhưng khó khẳng định điều này xảy ra trong giấc mơ hay ngoài đời thật, vì con quay vẫn tiếp tục quay.

Tenet - một trong những bộ phim “hack não” của Nolan
Tenet - một trong những bộ phim “hack não” của Nolan

Dunkirk Oppenheimer là những ví dụ thú vị khác, khi Nolan chọn kể câu chuyện về sự kiện có thật thông qua các dòng thời gian chồng chéo và đan xen. Lối dẫn dắt của Nolan làm cho mạch phim gay cấn liên tục. Người xem không thể rời mắt khỏi màn ảnh và luôn trong trạng thái phải dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Một đặc trưng khác ở phim của Nolan là vai trò then chốt của yếu tố thời gian xuyên suốt bộ phim. Thời gian ở phim của ông không theo trật tự, buộc khán giả phải tự nối các sự kiện, nhân vật. Chưa kể, chúng không chỉ có những khoảng thời gian khác nhau mà còn kết nối với các địa điểm và sự kiện khác nhau. Chẳng hạn Dunkirk (năm 2017) có đến 3 cốt truyện khác nhau. Chiến tranh là thứ kết nối những sự việc khác nhau diễn ra ở những nơi khác nhau nhưng ở cùng một thời điểm.

Memento, Nolan sử dụng 2 dòng thời gian song song và chúng gặp nhau ở điểm cuối. Tenet kể về sự đảo ngược thời gian và xung đột đạo đức giữa quá khứ và hiện tại. Ở đây, yếu tố thời gian trở thành “nhân vật” chính, quan trọng không kém yếu tố con người.

Cách xây dựng câu chuyện khác thường của Christopher Nolan khiến nhiều người cho rằng phim của ông rất khó hiểu. Nhưng Nolan quan niệm: “Đừng cố gắng hiểu, chỉ cần cảm nhận”.

Phong cách khác biệt

Khi làm việc với các diễn viên, Nolan thường để họ tự do thực hiện số lượng cảnh quay theo mong muốn trong từng phân đoạn. Ông không gò bó diễn viên hay lệ thuộc vào những yếu tố kỹ thuật. Theo ông, diễn xuất và cảm xúc của diễn viên mới là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Oppenheimer - tác phẩm vừa được trao giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar 2024
Oppenheimer - tác phẩm vừa được trao giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar 2024

Diễn viên Cillian Murphy - người có mặt ở khá nhiều phim của Nolan - chia sẻ: “Nolan luôn kết nối và tương tác chặt chẽ với các diễn viên trên trường quay. Với anh ấy, kỹ năng biểu diễn của diễn viên là quan trọng nhất. Anh không áp đặt chỉ đạo của mình mà luôn để diễn viên tự do sáng tạo”.

Dù đa số phim của Christopher Nolan thuộc thể loại khoa học viễn tưởng và có nhiều pha hành động hoành tráng nhưng ông vẫn mong muốn tạo ra hiệu ứng thực tế bất cứ khi nào có thể. Khi các bộ phim bom tấn đang ngày càng áp dụng nhiều công nghệ, kỹ xảo để tạo hiệu ứng đặc biệt thì Nolan lại chọn hạn chế tối đa lượng hình ảnh do máy tính tạo ra. Ông chỉ sử dụng CGI (công nghệ mô phỏng ảnh bằng máy tính) để nâng cao các yếu tố đã ghi hình thực tế.

Trailer phim Oppenheimer:

 

Với quan điểm này, Nolan đã khiến nhiều người ngạc nhiên đến sửng sốt khi từng mua hẳn 1 chiếc máy bay Boeing 747 làm đạo cụ rồi cho nổ tung trong Tenet, phim Dunkirk thì dùng những con tàu và máy bay thật… Nhưng cho đến nay, táo bạo nhất có lẽ là việc ông đã tái hiện vụ nổ thử nghiệm bom nguyên tử Trinity không cần đến CGI trong Oppenheimer với mong muốn lột tả được sự kinh hoàng và đáng sợ. 

Trước khi chiến thắng ở Oscar, Christopher Nolan đã được giới chuyên môn đánh giá là đạo diễn có ảnh hưởng nhất ở Hollywood. Ông đã khẳng định mình là một tài năng độc nhất vô nhị bằng chính các tác phẩm của mình. 

Anh Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI