Chốt

19/09/2014 - 19:47

PNO - PN - Trong những cuộc tranh luận giữa hai vợ chồng, một số người tự cho mình quyền chốt lại nội dung. Sự áp đặt gây ra ức chế, khiến người bị chốt nản, không muốn trao đổi nữa. Dưới đây là cuộc đối thoại đã “phá...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nói luôn cho gọn (!)

Vợ: Em đi làm đây, anh đưa con qua nội chơi nha, nhớ chở theo xe đẩy.

Chồng: Thôi thôi, chở con rồi chở thêm chiếc xe đẩy nữa, vướng víu lắm.

Vợ: Nhưng qua nội, không có xe đẩy, con nằm vạ vật trên giường, trên võng, té thì sao. Anh không rành việc chăm con, em nói còn cãi. Anh thì lo chơi, bà thì tay yếu làm sao mà bế cháu để đút cơm được. Cứ đưa xe đẩy qua.

Chồng: Anh có phải trẻ con đâu mà em coi thường anh! Bà nội nuôi tám đứa con chứ không phải một đứa như em đâu. Không lẽ bà không biết cách chăm cháu?

Vợ: Ngày xưa bà chăm kiểu khác, giờ em chăm kiểu khác. Hồi đó làm gì có xe đẩy, nếu có thì bà cũng dùng để chăm anh rồi. Anh nhớ chở xe đẩy theo, rồi tã, sữa, quần áo, em dặn, anh rõ chưa? Có cần nhắc lại không?

Chồng: Rồi rồi, em cứ đi làm đi, anh tự lo được.

Vợ: Anh cứ nói rồi rồi xong lại quên như mấy lần trước. Nhắc lại em nghe coi, mang theo những gì? Rồi cái xe đẩy…

Chồng (cắt lời): Thôi, không lằng nhằng nữa, nói luôn cho nó gọn, anh không mang xe đẩy đi đâu.

Vợ: Ơ, anh lấy quyền gì mà đòi “nói luôn cho nó gọn”? Anh trả lời thử, nếu qua nhà nội mà không có xe đẩy thì làm sao? Con ngồi ở đâu để chơi? Hay lại để con té lên té xuống, bầm hết cả người?

Chồng: Em mà còn nhì nhằng cái vụ xe đẩy nữa là anh đập bẹp cái xe luôn. Người ta đã không muốn nói nữa mà cứ càm ràm là sao?

Chot

Chốt ngay từ đầu

Vợ: Rồi tối nay thì sao? Em ghé đón hay anh tự đưa con về?

Chồng: Tối nay anh ra ngoài có việc, em đi làm về, ghé đón con luôn. Vậy nha.

Vợ: “Vậy nha” nghĩa là sao? Tuần này anh đi nhậu nhiều rồi, tối Chủ nhật cũng không ở nhà với vợ con được à?

Chồng: Anh đã nói rõ rồi. Em lo đi làm đi, chiều về ghé đón con.

Vợ: Em không đi làm nữa. Anh ngồi xuống đây nói chuyện cho ra lẽ. Anh nói đi, có ông chồng nào như anh không? Ngày nào cũng nhậu, đến ngày cuối tuần cũng không tha. Từ bao giờ anh có quyền nói “vậy nha” là em không được nói gì nữa? Em như con sen trong nhà, muốn nói chồng cũng không cho nói (bắt đầu khóc).

Chồng: Thôi thôi, mệt quá. Em muốn nói gì thì cứ nói. Đừng có một chút là khóc lóc.

Vợ (càng khóc to): Sao số tôi khổ vầy hả trời, lấy phải ông chồng gia trưởng, chẳng giúp được vợ con cái gì mà còn suốt ngày nạt nộ, chẳng biết cách chăm con mà cứ khăng khăng theo ý mình. Tôi không đi làm nữa, cho cơ quan đuổi việc cũng được, tôi ở nhà với con, anh đi đâu thì đi từ bây giờ cho rảnh nợ luôn, mẹ con tôi không cần anh nữa.

Chồng (vò đầu bứt tóc): Thật khổ, anh có làm gì đâu mà em nổi điên lên vậy?

Vợ: Thôi, tôi không muốn nói chuyện với anh nữa. Ngay từ đầu anh đã không muốn nói chuyện với tôi mà. Anh... biến đi!

Chỉ chốt khi đã thống nhất

Trong một cuộc tranh luận, thường thì người chồng và người vợ có tâm lý, mong muốn khá đối lập nhau. Người chồng không quan tâm lắm đến nội dung đang tranh luận, có xu hướng muốn mọi thứ theo ý mình và đặc biệt là muốn kết thúc cuộc tranh luận thật nhanh với những mệnh đề kiểu “nói luôn cho gọn”. Trong khi đó, người vợ lại muốn "nói cho ra lẽ".

Khi tranh cãi, người chồng thường nghĩ mình am hiểu sâu rộng, lý thuyết của vợ chỉ “quanh quẩn xó bếp”. Vì đàn ông có xu hướng muốn kết thúc câu chuyện sớm, nên thường chủ động chốt lại vấn đề. Qua từng diễn biến cuộc tranh cãi, người vợ dần cảm nhận “đối phương” coi thường mình, từ đó cảm thấy bị tổn thương, tự ái bèn nổi lên.

Trong những cuộc tranh luận, vấn đề chỉ được hai bên thống nhất trên nguyên tắc tôn trọng và cân bằng lợi ích cho cả hai phía. Với một đôi vợ chồng, dù người chồng “cao hơn vợ mấy cái đầu”, nhưng khi vào cuộc tranh luận, vẫn phải bình đẳng như nhau. Mới nói với nhau vài câu mà chồng đã chốt trước sẽ khiến vợ bị tổn thương, phản ứng dữ dội, gây nên hậu quả không đáng có. Câu chuyện đang dang dở, chồng muốn kết thúc bằng cách chốt lại, cũng khiến vợ ấm ức, rồi “chuyện nọ xọ chuyện kia”, kể lể thêm những nỗi thất vọng, những tật xấu khác của chồng, khiến tình hình càng thêm tệ.

“Kịch bản” của một cuộc tranh luận hợp lý sẽ là, hai nhân vật chính lắng nghe ý kiến của nhau. Sau đó, cả hai cùng phân tích, thậm chí có thể tranh luận để cùng thấy quan điểm nào đúng hơn. Cuối cuộc đối thoại, thường thì khó mà cả hai cùng hoàn toàn đồng ý với một giải pháp nào đó. Vậy làm sao để chốt lại vấn đề? Một trong hai người có thể đề xuất nội dung chốt, nếu không phù hợp, tiếp tục đề xuất nội dung khác. Sẽ có một quan điểm khả dĩ nhất để cả hai tương đối hài lòng.

 Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI