Chồng yêu, con ngoan vẫn cô đơn lạc lõng trong nhà

21/12/2018 - 14:11

PNO - Bốn lần uống thuốc ngủ tự sát, không ai hiểu một người trẻ trụng, năng động như chị N.T.T.T. (28 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) lại hết lần này đến lần khác muốn từ bỏ cuộc đời.

Không biết sống để làm gì!

Chồng yêu thương, con ngoan, nhà cao cửa rộng ai nhìn vào cũng ước mơ, nhưng chị H.T.K.H. (42 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) lại thấy cô đơn, lạc lõng không biết mình sống để làm gì. Mấy tháng gần đây, chị liên tục nhức đầu, chóng mặt, ăn uống kém, các cơn đau ngực xuất hiện ngày càng nhiều. Chị H. đến Khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Thủ Đức TP.HCM để khám. Kết quả, chị không bị bệnh. Bác sĩ khuyên chị đến Khoa Tâm thể của bệnh viện để kiểm tra, vì có thể chị H. đang gặp vấn đề về tâm lý. 

Tiếp xúc với chị H., thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến - tâm lý gia Khoa Tâm thể, Bệnh viện quận Thủ Đức - nhận thấy, những cơn nhức đầu là do suy nghĩ nhiều, vì… quá rảnh rỗi. “Nghe có vẻ buồn cười nhưng sự thật là vậy. Bệnh nhân đã quá đầy đủ, thậm chí tiền bạc dư dả, chồng yêu thương, con ngoan, học giỏi. Trong khi mọi người ngưỡng mộ, ganh tỵ trước cuộc sống gia đình êm ấm, chị Hồng luôn cảm thấy mình không phải là sống, mà đang tồn tại”, chuyên gia tâm lý Hoài Yến phân tích.

Chị H. tâm sự, trước đây gia đình chị rất khó khăn, vợ bán rau củ ngoài chợ, chồng làm thợ xây. Hai người thuê căn phòng nhỏ chỉ vừa đủ chỗ ngủ. Chị phải gửi con cho mẹ ruột ở quê, hằng tháng chắt chiu tiền gửi về nuôi con. 

Buôn bán vài năm, chị H. gom góp được bốn quầy hoa quả lớn, chồng chị cũng trở thành thầu xây dựng. Vợ chồng chị xây căn nhà 5 tầng rộng thênh thang và rước hai con về ở. Khi mọi thứ đủ đầy, chồng chị H. khuyên chị đừng đi bán nữa, cứ ở nhà an nhàn tận hưởng. “Hai con học nội trú, cuối tuần mới về nhà. Về được một đêm rồi đi tiếp. Chồng tôi đi công trình liên tục. Cuộc sống của tôi là chuỗi ngày lặp đi lặp lại thức dậy, ăn uống và ngủ. Chia sẻ với chị em, họ nói tôi giả vờ than thở để khoe mẽ, riết rồi tôi không biết mình sống để làm gì, càng nghĩ tôi càng nhức đầu”, chị mệt mỏi.

Chong yeu, con ngoan van co don lac long trong nha
Cô đơn không phải là bệnh, nhưng cô đơn là yếu tố gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm nếu không được nhận biết và giải tỏa kịp thời. (Ảnh minh họa)

“Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”

Bốn lần uống thuốc ngủ tự sát, chị N.T.T.T. (28 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) đều may mắn được cứu sống. Ai cũng không hiểu vì sao một người trẻ trung, năng động, luôn vui cười như chị lại hết lần này đến lần khác muốn từ bỏ cuộc đời. Luôn thu hút người đối diện bởi vẻ xinh đẹp, trẻ trung, chị dễ khiến người khác bật cười vì các câu chuyện hóm hỉnh, cách xử lý tình huống thông minh. Chị cũng có công việc ổn định với mức lương nhiều người ngưỡng mộ.

Một ngày, chị T. cầu cứu bạn bè vì chị muốn chết. Chị chia sẻ nỗi buồn chán, mệt mỏi mà… không biết tại sao lại buồn. Tuy vậy, người thân, bạn bè nghĩ chị đùa, vì người luôn vui vẻ như chị thì không thể buồn. “Rõ ràng tôi khá vui tính, nhưng hơn hai tháng nay, cứ chiều đến là tôi thấy cô đơn, chán nản. Cười giỡn đó, xong tôi chỉ muốn một mình, không ăn, không ngủ được. Như có một người khác ở trong tôi, không làm sao có thể thoát ra tình cảnh này được”, chị T. nói.

Sau hai phiên (mỗi phiên 60 phút) tiếp xúc với chị T., chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến nhận ra chị T. bị “bệnh cô đơn” với biểu hiện stress kéo dài nhưng bản thân không hay biết vì chị thuộc nhóm người vừa hướng nội vừa hướng ngoại.

Người vừa hướng nội vừa hướng ngoại khi ra ngoài tiếp xúc với bất kỳ ai sẽ rất năng động, hòa đồng, hoạt bát… càng ở vị trí trung tâm, họ càng bộc lộ được bản thân, có khả năng xử lý công việc rất tốt. Nhưng khi trở về nhà, người này sẽ chìm đắm trong thế giới của họ. Ở đó không có công việc, không phải gồng lên để giao tiếp, họ đối mặt với con người thật sự của mình - một người cô đơn rồi rơi vào trạng thái mất cân bằng, dẫn đến lo âu, mệt mỏi, mắc các bệnh về tâm lý lúc nào không hay. Trong xã hội hiện nay, người vừa hướng nội vừa hướng ngoại ngày một gia tăng.

Thạc sĩ Hoài Yến cho biết: “Nếu là người độc thân, mặc dù vừa tham gia một buổi tiệc, vừa vui đùa với nhóm bạn, nhưng khi về nhà họ lập tức rơi vào cô độc vì chỉ có một mình. Với người có gia đình, sau một ngày bận rộn, bước vào nhà luôn trong tâm trạng trống rỗng, sau những thăm hỏi “thủ tục” như đi làm mệt không? Ăn gì chưa?… rồi việc ai người đó làm, không ai cảm thấy sự quan trọng của mình trong gia đình. Từ đó, họ tự hỏi vì sao họ đủ đầy, gia đình không mâu thuẫn nhưng bản thân luôn cảm thấy cô đơn, buồn tủi”.

Theo bác sĩ Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cô đơn không phải là bệnh, nhưng cô đơn là yếu tố gây ra nhiều hệ lụy, người cô đơn luôn hướng đến việc sống một mình, họ tự cảm thấy không có niềm vui với bất kỳ điều gì, dù cuộc sống rất đủ đầy. Tùy hoàn cảnh sống của mỗi người, cô đơn có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như stress, trầm cảm, rối loạn lo âu... khiến người ta mệt mỏi, mất ngủ, biếng ăn, ngại giao tiếp, mất tự tin, liên tiếp thất bại trong cuộc sống lẫn các mối quan hệ. 

Bác sĩ Thắng cho biết: “Đến một lúc nào đó, người này sẽ trở nên bực bội, dễ cáu gắt, hung hãn, tự làm đau mình để cảm thấy thoải mái, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ tiến triển thành bệnh. Khi mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, bệnh nhân rất tiêu cực, họ có thể tự sát hoặc làm hại người khác. 

Mọi người nên lắng nghe, chia sẻ với người thân trong gia đình, có nhiều mối quan hệ, tích cực học tập, làm việc và thư giãn hợp lý để luôn có tinh thần tốt. Trường hợp có dấu hiệu mất cân bằng, lo âu, mất ngủ… kéo dài, nên nói ra để được giúp đỡ”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI