Chồng ỷ có căn nhà, không chịu đi làm kiếm sống

20/07/2023 - 18:41

PNO - Phân chia kinh tế, chồng cô bảo “em giỏi kiếm tiền đi”, từ chỗ tìm người bao bọc Thu lại phải lo tài chính cả gia đình chồng.

 

Chồng thành phố nhưng lười khiến Thu quá mệt mỏi.
Chồng lười khiến Thu mệt mỏi

Hà Thu là cô gái miền Trung có nhan sắc. Cô vào TPHCM sau khi cầm tấm bằng đại học, mang theo rất nhiều hoài bão, trong đó có tiêu chí lấy chồng phải có sẵn nhà cửa.

Sau 2 năm, Thu gặp Minh, anh hơn cô 8 tuổi. Minh là con trai duy nhất trong nhà, 2 chị gái của Minh đều định cư ở nước ngoài. Kiếm được người đúng tiêu chí "có nhà, trai thành phố", nên dù chưa thật sự yêu, Thu hối thúc Minh làm đám cưới. Họ về sống chung chỉ sau 4 tháng tìm hiểu.

Sau đó, ba mẹ chồng cho vợ chồng Thu căn nhà khang trang tại quận 12 và nói Thu có thể đưa mẹ cô từ quê vào sống cùng. Thu vô cùng mừng rỡ nhà chồng đối xử tốt. Mẹ Thu từ miền Trung vừa ở cùng con gái, tiện giúp Thu chăm con. 3 năm, Thu sinh liền 2 bé.

Sau khi có con, những thói xấu của chồng Thu bộc lộ dần. Minh là người ít nói, hiền lành nhưng rất cục tính và không có chí tiến thủ. Trong gia đình, nếu không vừa mắt, lời qua tiếng lại một hồi, anh ta có thể mất khả năng kiềm chế cảm xúc và lao vào đánh vợ. Ví dụ, Thu nhuộm tóc, anh thấy màu sắc khó ưa nên mắng nhiếc. Thu chỉ cần "trả treo" vài câu là Minh có thể bực tức thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Nhiều lần, Thu giấu đi nước mắt để mẹ và các con không biết.

Về kinh tế, chồng cô rất ngại đi làm, anh nói không thích bị quản thúc gò bó. Có tấm bằng đại học chuyên ngành công nghiệp thực phẩm nhưng Minh chỉ thích tụ tập bạn bè nhậu, không bao giờ đưa tiền cho vợ. Thu nhắc tiền nong, anh ta liền đáp: “Em đi làm tiền đó để làm gì?”. Thu luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức. Lương của Thu không đủ trang trải cho gia đình nhỏ, mẹ Thu lại thường xuyên ốm đau, mọi chi phí chỉ mình Thu lo. Ngoài công việc ở văn phòng, Thu bán thêm đủ thứ hàng hóa để tăng thêm thu nhập. 

Ba mẹ chồng không có lương hưu. 2 năm nay các chị ở Mỹ khó khăn, không có tiền gửi về nên Thu phải “cân hết”. Mỗi tháng, Thu phải chi tiêu cho gia đình 5 người và gửi phụ thêm ba mẹ chồng 7 triệu đồng/tháng. Khi cô điên cuồng nghĩ cách kiếm tiền thì chồng chỉ thong dong nằm trên sofa chơi game. Gai mắt, Thu đành tìm cách đi ra khỏi nhà, không nhìn mặt chồng cho bớt chán. 

Từ sau dịch COVID-19, việc bán hàng làm thêm của Thu ngày càng khó khăn, trong khi chồng vẫn không chịu đi làm, chỉ nhận thêm phần việc đón con. 

Thu gặp lại bạn học cũ. Người ta cũng từ miền Trung vào thành phố lập nghiệp giống Thu. Thay vì lựa người đàn ông có nhà thành phố, cô bạn chọn chồng cùng quê. Hai vợ chồng cùng đi làm, mua nhà trả góp và đến hiện tại sau 12 năm họ có đầy đủ nhà và xe trong khi Thu vẫn còng lưng đi làm để nâng đỡ gia đình. Cô than thở “từ muốn kiếm người chồng thành phố bao bọc mẹ con mình, hiện tại tôi lại đang phải bao bọc cả gia đình của ảnh”. 

Nhiều lần Thu nghĩ tới ly hôn. Cô cho rằng nếu cứ sống như vậy, chồng cô không bao giờ lớn, bản thân cô cũng không thấy hạnh phúc. Bạn bè thường khuyên Thu “khó quá thì... bỏ đi” nhưng cô không muốn chia tay, lý do rất đơn giản vì: “Sinh nhật 6 tuổi, con gái lớn ước mơ ba mẹ mãi ở bên nhau”, hơn nữa nếu ra đi, mẹ con cô sẽ phải thuê nhà. 

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa -  nguyên giảng viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, những cô gái “vỡ mộng” như Thu không hiếm. Nền tảng hôn nhân không được xây dựng trên tiêu chí tình yêu mà đặt vấn đề nhà cửa, đất cát sẽ dễ khiến bạn thất vọng.

Trường hợp của Thu, chuyên gia Trịnh Trung Hòa đã chìa một tờ giấy ra làm đôi rồi cùng với khách hàng liệt kê lỗi của “kẻ kia” vào một cột, cột còn lại ghi một cách chân thực những ưu điểm của người ấy, rồi bình tĩnh cân nhắc xem có đáng ly hôn không?

Tuy nhiên, khi Thu đặt bút liệt kê, người chồng của Thu chỉ có ưu điểm duy nhất là chăm đưa đón con đến trường. Còn lại, anh đều không ghi điểm. 

Ngọc Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI