Mẹ chỉ để tài sản cho một người con
Gần hết giờ làm việc, đang định đóng cửa văn phòng, tôi thấy một người phụ nữ bước vào với nét mặt lo âu và căng thẳng.
Ổn định chỗ ngồi, uống một ly nước, vị khách nữ trình bày câu chuyện. Chị vốn là con dâu của bà X và ông Y - người đứng tên trong sổ hồng căn nhà mà luật sư đang xem. Chị về làm dâu 25 năm thì có đến 20 năm chăm sóc mẹ chồng ốm đau triền miên, trong đó có đến mười năm mẹ chồng đi lại, sinh hoạt khó khăn mà chị là người hỗ trợ chính và ba chồng của chị cũng đã mất cách đây 18 năm.
|
Chị chăm sóc mẹ chồng suốt 20 năm, nhưng công sức ấy đã bị phủi bỏ (Ảnh SHUTTERSTOCK) |
Gia đình chồng có ba người con trai, hai em chồng ra ở riêng từ lâu, chỉ vợ chồng chị ở cùng ba mẹ. Vợ chồng chị có hai con một trai, một gái. Người chồng sức khỏe không tốt, công việc, thu nhập không ổn định. Mọi việc trong nhà giao hết cho chị nên cuộc sống gia đình cũng khó khăn, lay lắt qua ngày.
Cuộc sống tạm bình yên thì năm rồi chồng chị bị tai biến, sáu tháng sau thì mất. Chị bàng hoàng khi vừa mất đi chỗ dựa tinh thần, may nhờ có hai con hiếu thảo động viên, an ủi mẹ nên nguôi ngoai phần nào. Chồng chị mất được ba tháng thì bất ngờ chú út - em chồng - quay về nhà đưa mẹ chồng chị về nhà chú cách đó không xa để chăm sóc. Chú cũng chửi bới và cấm chị đến thăm mẹ.
“Suốt cả tuần nay tôi mất ngủ bởi tuy là con dâu nhưng như con gái, tôi chăm mẹ bấy lâu nay cũng đầy trách nhiệm và tình cảm. Nay không cho tôi đến thăm mẹ thì làm sao tôi không buồn. Ngặt nỗi mẹ chồng giờ lâm vào tình trạng “lẫn cục bộ”, nhớ nhớ, quên quên bất chợt tùy thời điểm. Sáng nay, chú Ba - em chồng - đến thăm mẹ rồi ghé qua nhà tôi báo tin như sét đánh: Căn nhà của ba mẹ chồng mà tôi đang ở, chú út đã mời công chứng viên đến nhà để mẹ chồng tôi lập di chúc. Theo đó, mẹ chồng tôi di chúc cho nửa giá trị căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình cho chú út, mà không cho chú Ba và hai cháu nội là con tôi cùng chồng tôi mới mất” - chị vừa nói vừa lau nước mắt.
|
Ảnh mang tính minh họa - Stefamerpik |
Chị cảm thấy uất ức, bàng hoàng, hụt hẫng, bởi cùng là con, nhưng mẹ lại không chia đều mà lại dồn cho một người? Mẹ lập di chúc trong trạng thái tinh thần, sức khỏe không tốt thì liệu quyết định có khách quan không? Di chúc có thể bị hủy không? Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu mà không có câu trả lời nên chị đi tìm luật sư để giãi bày và nhờ tư vấn, tìm hướng giải quyết.
Nên lập di chúc khi nào?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (điều 624). Di chúc được coi là hợp pháp khi người lập minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật (điều 630).
Di chúc khi đã lập thành văn bản được công chứng, chứng thực thì người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào (điều 640). Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, là thời điểm người có tài sản chết (điều 611).
Trong trường hợp các bên tranh chấp đối với di chúc thì đương sự có thể khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ di chúc nếu cho rằng bản di chúc trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với thực tế.
Hiện nay, luật và các văn bản hướng dẫn không có quy định bắt buộc về việc khám sức khỏe tâm thần trước khi lập di chúc. Nên trong thực tế qua tiếp xúc, nếu có nghi ngờ về khả năng nhận thức của người lập di chúc thì công chứng viên của tổ chức công chứng (hoặc cán bộ tư pháp phường) sẽ đề nghị người này đi khám sức khỏe tâm thần rồi mới công chứng/chứng thực di chúc. Và đây là khoảng trống, bỏ ngỏ của pháp luật tạo điều kiện cho yếu tố tiêu cực, không khách quan có cơ hội len lỏi vào nội dung di chúc.
Trên thực tế vấn đề sức khỏe tâm thần của con người không phải lúc nào cũng dễ nhận định, giám định đúng. Đặc biệt là đối với người có tiền sử bệnh tâm thần thì việc giám định sức khỏe tâm thần cho họ nhiều khi cũng rất khó khăn cho giới chuyên môn y khoa, bác sĩ huống hồ là người ngoài chuyên môn. Bởi với những người này thì tinh thần ổn định và bất ổn tùy thời điểm do nhiều yếu tố như: điều kiện sống, môi trường tác động, quan hệ ứng xử với xung quanh…
|
Ảnh mang tính minh họa - Fwstudio |
Đối với người Việt Nam, đa số bậc làm cha mẹ đều muốn con cái hòa thuận và mong muốn phấn đấu để lại chút ít tài sản cho con. Nhưng để chia tài sản cho con khách quan, công bằng thì không phải cha mẹ nào cũng làm được.
Thực tiễn cho thấy, việc cho tài sản những đứa con thông thường phụ thuộc vào cảm tính yêu-ghét-bù đắp, ít bậc cha mẹ sử dụng lý trí để quan tâm đến khả năng quản trị, tái tạo tài sản và ý thức trách nhiệm của các con mình. Vì vậy, việc đánh giá đúng tính cách, đạo đức và năng lực các con nhằm quyết định cho tài sản khi còn sống hoặc lập di chúc thực sự là vấn đề nan giải với nhiều bậc cha mẹ.
Từ kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, tôi cho rằng để có một bản di chúc khách quan, công bằng thì các bậc làm cha mẹ không nên đợi lúc già yếu, sắp qua đời mới lập di chúc, bởi lúc đó chúng ta dễ bị rơi vào tình trạng không minh mẫn, bị phụ thuộc con cái, rất khó quyết định.
Do vậy, chúng ta cần mạnh dạn thay đổi tư duy là nên lập di chúc từ lúc mình còn trung niên đang hanh thông sự nghiệp, sức khỏe ổn định bởi cuộc sống là vô thường và khi lập di chúc rồi chúng ta vẫn có thể thay đổi, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung của nó.
Luật sư TRẦN HOÀI NHÂN
(Công ty Luật TNHH Unibros VN)