Chồng vô duyên "khó đỡ" chốn đông người

19/12/2024 - 17:04

PNO - Lỡ lời sẽ thành vô duyên, vô cảm, gây tổn thương người khác. Lời nói đôi khi khiến người ta đau rát hơn ngàn lần vết xước trên thịt da.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chồng chị hớn hở đi tiệc thôi nôi cháu nội của người bạn. Người bạn gái này thân thiết và học chung với anh từ tiểu học.

Tầm 5 năm trở lại đây, từ dạo qua tuổi 50, anh hay tụ tập uống cà phê, chuyện vãn, thi thoảng uống vài ba ly bia với nhóm bạn ấu thơ. Những người bạn anh chị cũng biết, nên mỗi lần đi gặp bạn về, anh kể vợ nghe bao nhiêu chuyện.

Hôm nay cũng thế, trong lúc chị đang đứng rửa chén, anh cao hứng vì vừa rời buổi tiệc nên kể: “Bọn anh hỏi bạn ấy rằng, bà giữ cháu nội thì đám con chúng có đưa tiền không?”.

Chị nhìn sững vào chồng khi nghe anh nói. Lời ăn tiếng nói hằng ngày của chúng ta, tránh làm sao khỏi những lúc hớ hênh, nhưng chị tự nhiên buồn rười rượi nhớ lại những tình huống “khó đỡ” tương tự của chồng. Không biết anh bắt đầu có vấn đề khi bước qua tuổi trung niên hay chị trở nên khó tính?

Chuyện nhà người ta nhờ bà trông coi cháu nội cho con đi làm, các anh đâu có thể nào hỏi rằng con có đưa tiền không? Người bạn ấy sẽ biết trả lời thế nào? Trả lời có hay không đều bất tiện!

Rồi lỡ con trai con dâu ở bữa tiệc đó nghe được, các con sẽ nghĩ gì? Chị tự nhiên nghĩ đến những dịp gặp mặt họ hàng ngày giỗ tết, chính chị từng cảm thấy khó xử ra sao, khi một vài người bà con hỏi về thu nhập, về lương thưởng về những khoản nuôi con hay biếu cha mẹ. Chuyện tiền nong cá nhân, thiết nghĩ hết sức riêng tư, mà đã là chuyện riêng tư trừ phi người ta kể, mình hỏi làm gì!

Chị giận chồng. Đâu có thể nào tự nghĩ là chỗ thân tình rồi cho mình cái quyền vượt qua giới hạn giao tiếp như vậy.

Chị chợt nhớ, có lần, về quê dự đám cưới cô cháu họ. Cháu là con của người anh út, trước cháu còn nhiều chị anh con của các bác các cô lớn tuổi hơn cháu nhưng chưa lập gia đình. Chồng chị oang oang nói đi nói lại với các anh chị có con gái lớn: "Khi nào thì đến lượt các anh các chị ngồi sui?".

Chị thấy mặt nhiều người biến sắc, nhưng rất nhanh, họ chữa cháy bằng những câu đùa để cứu vãn tình thế. Vậy mà, chồng chị những không dừng, còn tiếp tục "triển khai" sâu hơn.

Chị chia sẻ cảm giác, suy nghĩ với anh khi trở về nhà. Rằng đáng lẽ anh phải biết, đa số những người làm cha làm mẹ xứ mình, nhất là khi có con gái lớn, ai cũng mong các con có gia đình hạnh phúc để an tâm, bản thân anh cũng vậy mà! Nhưng chuyện đó là chuyện hết sức riêng tư tế nhị. Nó là chuyện của các cháu, người lớn không phải muốn là được. Không nên bàn sâu, sẽ tạo áp lực cho các con. Lớt phớt nói qua loa trong lúc chuyện vãn với một hai người còn được, đằng này oang oang chỗ đám cưới nhà người ta...

Không ít những người chị quen, chủ yếu là các em còn trẻ, chia sẻ nỗi sợ hãi những cuộc gặp gỡ đông người, nhất là họ hàng trong các dịp tiệc tùng giỗ tết. Những câu hỏi “Làm lương nhiêu?” “Mua nhà chưa?” “Có người yêu chưa?” “Bao giờ cưới” khiến thấy áp lực, ngại ngùng, thậm chí sống trong nhiều ngày tiêu cực sau đó.

Chị hít thở thật sâu. Chị sẽ ngồi xuống cùng chồng thêm lần nữa. Sẽ nói với anh về những giới hạn giao tiếp, sự riêng tư, sự tế nhị. Lỡ lời sẽ thành vô duyên, vô cảm, gây tổn thương người khác. Lời nói, đôi khi còn khiến người ta đau rát hơn ngàn lần vết xước trên thịt da.

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI