Chồng Việt vợ Tây - điều khó điều hay

25/04/2022 - 05:38

PNO - Nói về những đôi vợ chồng mang văn hóa Đông - Tây kết hôn với nhau, người ta thường nghĩ ngay đến những đôi “vợ Việt - chồng Tây” và tìm hiểu, phân tích rất nhiều điều hay điều dở. Thế nhưng những đôi chồng Việt - vợ Tây cũng có lắm chuyện tréo ngoe, hay dở. Hạnh phúc ngập tràn mà xung đột cũng không ít.

 

Vợ Tây thẳng thắn và dễ hiểu hơn?

Ở Hà Lan có một đôi vợ chồng hạnh phúc trên 20 năm mà ai biết họ cũng thầm khen. Anh Huy và chị Daniel người Hà Lan gặp nhau hơn 20 năm trước trong một buổi tiệc sinh nhật của bạn bè rồi trúng ngay tiếng sét ái tình, kết hôn sau đó không lâu. Ngày cưới, nhà trai xúng xính lễ vật theo kiểu truyền thống, nhà gái vui vẻ vì mọi thứ đều lạ, đều mới. Cô dâu mặc áo dài theo kiểu truyền thống Việt, e ấp bên chú rể. Hạnh phúc ngập tràn.

Hỏi anh Huy đôi nét về bí quyết giữ gìn hạnh phúc, anh nói điều anh thích nhất ở “bà xã Tây” của mình là anh không phải đoán già đoán non những ý nghĩ của vợ. Anh thú thật, trước đây từng yêu một cô gái Việt, rất nhiều lần cô ấy giận anh mà anh không đoán nổi là giận vì điều gì, hỏi thì lại không nói.

Điều đó khiến mối quan hệ của họ dần trở nên mệt mỏi. Khi anh lấy chị Daniel, mọi thắc mắc, suy nghĩ, bất hòa hoặc thuận hòa đều được họ chia sẻ thẳng thắn, dễ hiểu. Vì thế, gia đình anh yên ấm, bình an, vợ chồng đồng thuận bên nhau mà sống.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Trở ngại về… tướng mạo

Anh Jimmy Bùi sống ở Úc, lấy vợ Úc, từng chia sẻ rằng trở ngại mà vợ chồng anh thường gặp phải là do… tướng mạo bên ngoài. Người Việt quen với hình ảnh một đôi vợ chồng trong đó người chồng cao to vạm vỡ bảo vệ người yêu bé nhỏ nép mình bên cạnh. Tuy nhiên, vợ chồng Jimmy thì ngược lại hoàn toàn. Người chồng Việt khá nhỏ con còn người vợ Úc thì cao to bệ vệ. Khi gặp nhau, anh đã choáng bởi nụ cười đẹp và hồn hậu của cô, rồi tán tỉnh, rồi yêu nhau. Song, khi đưa người yêu về quê ra mắt để chuẩn bị kết hôn, Jimmy gặp không ít lời xầm xì bởi vợ anh to con gần như… gấp đôi anh.

Mỗi khi gặp bạn bè, anh đâm ngại vì không ít người có lời đùa cợt hết sức vô ý. Điều đó khiến vợ anh dù không hiểu tiếng Việt vẫn có thể đoán ý và đôi khi đâm ra không vui. May mà vợ chồng anh sống chủ yếu ở Úc, nơi tướng mạo vợ chồng không liên quan mấy đến hạnh phúc gia đình. Nay, vợ chồng anh vẫn tay nắm tay hạnh phúc bên nhau.

Vợ Tây học cách thích ứng văn hóa Việt

Chị Daniel tâm sự rằng người ta thường nói về việc một cô dâu người Á gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi lấy chồng Tây rồi phải học hỏi rất nhiều để thích ứng cuộc sống mới. Thật ra khi lấy chồng Việt, cô dâu Tây cũng gặp những khó khăn tương tự.

Chị kể ví dụ chuyện đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ ở phương Tây rất khác ở Việt Nam. Lúc đầu, chị rất ngạc nhiên vì mỗi tháng, chồng chị lại trích một số lương gửi cho cha mẹ ở Việt Nam, điều mà ở phương Tây không hề có. Về sau, khi chồng chị giải thích rằng ở nước anh, việc con cái chăm sóc cha mẹ theo cách này là hoàn toàn bình thường, chị mới thấu hiểu và không suy nghĩ nữa. 

Ảnh mang tính minh họa - LookStudio
Ảnh mang tính minh họa - LookStudio

 

Chồng chị có nhiều anh chị em. Mỗi khi làm ăn thua lỗ hoặc nợ nần, họ thường gọi điện cho chồng chị nhờ giúp đỡ. Chồng chị thường vì cả nể và thương yêu mà gửi tiền bạc về nhà. Điều đó khiến chị thấy khá khó để thích ứng vì văn hóa phương Tây không quen với việc ai đó trong gia đình nợ nần vì công việc hoặc vì thói quen sinh hoạt, rồi hỏi xin anh chị em.

Dù vậy, chồng chị, vốn là anh cả trong gia đình, kiên quyết giữ thói quen gửi tiền về nhà như vậy khi cần. Lâu dần chị hiểu, thỏa thuận với chồng để ra một phần ngân sách trong thu nhập để dành “giải quyết việc nhà” phía gia đình chồng.

Tuy mọi việc tạm ổn thỏa nhưng trong thâm tâm, chị vẫn thường cảm thấy lấn cấn và không hoàn toàn hài lòng về điều này. Theo chị, tất cả người trưởng thành đều phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình, không thể dựa dẫm, ỷ lại vào ai. Văn hóa này ăn sâu vào tiềm thức của chị. Nhưng, chị cũng đồng ý rằng lấy chồng thì phải theo chồng, không thể mọi việc đều được như ý mình.

Cũng chua cay lúc “cơm không lành, canh không ngọt”

Anh Dũng, một Việt kiều sống ở Đức, lấy vợ người Đức và đã ly hôn, từng bùi ngùi tâm sự về nỗi buồn khác biệt văn hóa trong đời sống vợ chồng của mình, đến mức hôn nhân đổ vỡ. Chuyện cách biệt văn hóa mà anh nói, khá tế nhị, đó là chuyện “giường chiếu”. Người vợ Đức bản tính rất thoải mái, tự do trong việc bộc lộ yêu cầu bản thân ở chuyện gối chăn, lắm lúc khiến anh cảm thấy hơi… đuối. Rồi cứ thế cơm không lành, canh không ngọt, dần dần vợ chồng rạn nứt tình cảm, dẫn đến ly hôn. 

Lúc phải ra tòa, anh mới tá hỏa mình chưa đủ giỏi về ngôn ngữ, chưa hiểu biết sâu về pháp luật của Đức, không đủ tài chính để thuê luật sư. Vậy nên kết thúc cuộc hôn nhân gần mười năm, anh đã ra đi tay trắng, điều đau xót nhất là anh không còn được gặp lại con gái mình vì người vợ đã giành quyền nuôi con, đưa con gái khỏi nơi sinh sống cũ, cắt đứt mọi liên lạc với anh. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Hạnh phúc nào cũng cần được trân trọng, gìn giữ, vun đắp mới bền lâu. Dù là vợ Việt - chồng Tây hay vợ Tây - chồng Việt, vợ Việt - chồng Việt. Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Chuyện… giường chiếu quả thật là trở ngại không nhỏ đối với những cặp vợ Tây - chồng Đông. Như anh An, một người Việt sống tại Hà Lan, cũng từng yêu tha thiết một phụ nữ Hà Lan nhưng không dám cưới. Anh tâm sự, có lần đang trò chuyện vui vẻ, bất ngờ cô nói rằng sau này khi đã là vợ chồng, chẳng may có lúc cô vui vẻ cùng bạn bè, lỡ đâu… qua đêm với bạn trai nào đó ngoài đường thì mong anh hãy xem đó là việc bình thường. Bởi với cô, chuyện “qua đường” như vậy chỉ là chuyện nhỏ, hạnh phúc đến từ trong tim mỗi người. Chủ yếu là trái tim cô vẫn yêu anh, thuộc về anh, thuộc về gia đình, còn chuyện qua đêm chỉ là chuyện cho vui và chẳng có ý nghĩa gì cả.

Anh An bảo không phải là hôn thê của anh nói không có lý, nhưng điều này lại quá khó để chấp nhận đối với đàn ông Việt nên anh đành ngậm ngùi kết thúc mối tình vốn sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.

Hạnh phúc nào cũng cần được trân trọng, gìn giữ, vun đắp mới bền lâu. Dù là vợ Việt - chồng Tây hay vợ Tây - chồng Việt, vợ Việt - chồng Việt đi chăng nữa, điều này vẫn luôn đúng trong đời sống vợ chồng. Không ít đôi vợ chồng dù vô cùng khác biệt về văn hóa nhưng lại hạnh phúc bền lâu nhưng cũng không ít đôi dù xây dựng gia đình trên cùng một nền tảng văn hóa, kinh tế, “môn đăng hộ đối” cũng không chắc giữ được mái ấm vững bền. Tất cả tùy thuộc vào người trong cuộc và những nỗ lực để giữ gìn hạnh phúc của chính mình, gia đình mình. 

Huỳnh Thu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI