Chồng ức chế vì tụt hậu so với vợ

05/12/2019 - 09:11

PNO - Anh cay đắng vì tụt hậu so với vợ từ lúc nào. Sánh đôi bên chị rờ rỡ, xinh tươi, trông anh quá nhợt nhạt, thiếu sinh khí, lầm lũi như cái bóng.

Chị K., viên chức nhà nước, lấy chồng là anh L. làm thợ điện. Anh L. mở cửa hàng sửa chữa điện tại nhà. Công việc ổn định nên hầu như anh loay hoay tại chỗ suốt ngày, không đi đâu xa.

Chị K. trái lại, là nhân viên kinh doanh nên rất ít ở nhà. Hằng tuần, chỉ trừ mỗi Chủ nhật được nghỉ, sáu ngày còn lại hầu như chị đều phải đi sớm về khuya. Vậy nên, ngoài chuyện quản lý cửa hàng điện, anh L. cũng phải “ôm sô” lo tất tật mọi chuyện nhà cửa, chợ búa, cơm nước, con cái… 

Chong uc che vi tut hau so voi vo
Ảnh minh họa

Đã vậy, ngoài việc chính, hai vợ chồng còn mở thêm cái quầy tạp hóa kiếm phụ thu, khiến công việc của anh L. đã bận càng thêm bận. Ngoài những dịp lễ tết đóng cửa đưa nhau về nội ngoại, ngày thường, hầu như anh L. không bao giờ có cơ hội ngồi với bạn - dù chỉ để uống một ly cà phê. 

Việc nhiều, thêm nỗi sinh hoạt suốt tháng quanh năm chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường khiến anh L. thay đổi hẳn. Từ một chàng trai vui vẻ, hoạt bát, anh trở nên cau có, trái tính trái nết. Còn nữa, chuyện đi lại, giao tiếp giữa vợ với khách hàng, đồng nghiệp nam còn khiến anh L. sinh chứng... ghen tuông.

Mỗi bận chị K. đi công việc giờ giấc hơi bất thường, về lại bị anh căn vặn, hỏi han. Bực, phản ứng, còn bị... ăn đòn kèm những lời lẽ khó nghe. Không phải anh L. bản chất vũ phu. Nguôi giận rồi thì cũng biết hối hận, xin lỗi vợ. Nhưng hễ “đụng chuyện” anh lại cư xử hết sức nóng nảy, thiếu kiềm chế... 

Trường hợp anh V. và chị A. thì khác. Chị A. làm trợ lý giám đốc một công ty lớn, bận tối mắt nhưng thu nhập cao. Anh V. vốn gốc nhà giáo. Trước đây, hai vợ chồng suốt ngày đi làm, cơm hàng cháo chợ dài hạn phát ngán, con gửi nhà trẻ không thích ứng, ốm đau quặt quẹo liên miên. 

Chong uc che vi tut hau so voi vo
Ảnh minh họa

Chị A. động viên chồng: “Thôi anh thu xếp nghỉ việc ở nhà nội trợ, chăm con; chuyện kiếm tiền để mình em lo. Thu nhập của anh, em làm ráng thêm chút…”. Thương vợ thương con, anh V. nghe lời, làm đơn xin thôi việc. Từ ngày anh nghỉ dạy ở nhà “tề gia nội trợ”, hậu phương gia đình anh ổn hơn thật; nguồn thu nhập cũng không ảnh hưởng gì lớn, bởi vợ anh giỏi kiếm tiền. 

Có điều, cuộc sống suốt ngày quẩn quanh chợ búa, cơm nước, con cái khiến anh V. ngày càng mệt mỏi, ù lì, không còn hoạt bát năng động như thời anh còn dạy học. Anh già sọm đi, cử chỉ, nói năng chậm chạp. Chị A. trái lại, ngày càng “thăng hoa” - cả trong công việc, ngoại hình lẫn vị thế xã hội. 

Giờ thì anh chị đang phải đối mặt với nguy cơ “đũa lệch”, bởi sánh đôi bên chị rờ rỡ, xinh tươi, trông anh quá nhợt nhạt, thiếu sinh khí, lầm lũi như cái bóng. Lâu lâu gặp bạn thân, chuyện trò đụng đến “niềm riêng”, anh cay đắng thở dài: “Mình sai rồi. Đáng ra, mình không nên xin thôi việc…”.

Chuyện đàn ông thay vợ cáng đáng việc nhà trong xã hội đương đại không còn là chuyện hiếm - càng không phải chuyện xấu như quan niệm cổ hủ thời trước. Tuy nhiên, do đặc thù tâm sinh lý của nam giới - đa phần năng động, thích “hướng ngoại” nhiều hơn nữ giới - nên một môi trường làm việc quẩn quanh trong phạm vi gia đình, thiếu các mối giao tiếp xã hội kéo dài, rất dễ gây ức chế hoặc làm “thui chột” nam tính. 

Bên cạnh đó, tâm lý mặc cảm nếu có một người vợ - dưới mắt xã hội - được xem như giỏi giang, thành đạt hơn mình, càng làm cho các hiệu ứng đó trầm trọng thêm. Hiểu chuyện anh V., không ít chị có hoàn cảnh tương tự bỗng giật mình, ráng thu xếp cuộc sống, sinh hoạt cùng các mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình cho khéo léo, hợp lý hơn để tránh suy nghĩ tiêu cực nảy sinh ở chồng mình khi cũng đang phải gánh vác việc “tề gia”… 

Văn Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI