Chồng tuyên bố không giao tiền cho vợ

31/10/2024 - 22:08

PNO - Anh tức giận với chị vì bị mất tiền, đó chỉ là một phần, phần lớn hơn cả là anh mất lòng tin vào chị.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và chồng chung sống đã được 16 năm. Cho tới một năm trước đây, anh vẫn giao hết tiền bạc cho tôi quản lý, từ tiền lương tới thu nhập riêng của anh. Từ tiền anh và tiền của mình, tôi đã tích lũy mua được nhà, xe, thậm chí có cả căn hộ cho thuê.

Cách đây 2 năm, tình hình kinh tế đi xuống. Tôi nghe lời người bạn rủ đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm của hai vợ chồng hơn 1 tỉ vào chuyện làm ăn với người quen của bạn. Ai dè việc đó không thành công, bạn phủi trách nhiệm, tôi mất hết.

Tôi giấu chồng chuyện này đã hơn một năm nay, với hy vọng là từ từ kiếm tiền bù lại. Thế nhưng chồng tôi đã phát hiện và rất tức giận. Bởi gần đây anh mới bị thất nghiệp, không có thu nhập, anh đang muốn tôi đưa tiền để đầu tư làm ăn.

Sau khi tìm được việc làm trở lại, anh tuyên bố từ giờ tiền ai nấy giữ, đóng góp công bằng với nhau, anh sẽ không giao tiền của anh cho tôi nữa. Tôi rất tức giận vì điều đó, bởi theo tôi, tiền trong hôn nhân là của chung.

Tiền mất đó cũng có tiền của tôi chứ đâu chỉ riêng tiền anh. Huống hồ tôi mất tiền là vì làm ăn thua lỗ chứ không phải chơi bời cờ bạc hay tiêu xài gì. Tôi nghĩ đáng ra anh phải hiểu, thông cảm và tha thứ cho tôi.

Giờ đây chúng tôi không chỉ mất tiền mà còn có nguy cơ ly hôn. Hóa ra đồng tiền có thể phá hủy mọi thứ. Tôi không ngờ chỉ vì chuyện nhỏ này mà anh có thể nặng lời và phân biệt tiền anh tiền tôi như vậy.

Giờ tôi nên làm gì? Cố gắng hòa giải và chấp nhận sống như anh muốn hay là ly hôn? Cách nào tôi cũng thấy ấm ức, tức tối. Xin chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên.

Thu Hằng

Chị Thu Hằng thân mến,

Trước tiên, Hạnh Dung phải nói thẳng, nói thật với chị điều này: Chị là người có lỗi đầu tiên trong vấn đề để xảy ra mâu thuẫn vợ chồng. Đồng tiền tiết kiệm đó là tiền chung của vợ chồng cùng nhau góp sức, dành cho những ngày khó khăn hay tuổi già. Nếu chị cho mượn hay đầu tư, nói chung là làm bất cứ việc gì với chúng, chị cần phải hỏi ý kiến của anh. Anh có quyền được biết và được đưa ra ý kiến.

Anh tức giận với chị vì bị mất tiền, đó chỉ là một phần, phần lớn hơn cả là anh mất lòng tin vào chị. Những khoản để dành của gia đình là những khoản tiền rất quan trọng, không chỉ vì ý nghĩa vật chất của nó, mà còn có ý nghĩa tinh thần.

Nó giúp gia đình bình an, tin tưởng ngay cả khi gặp sóng gió. Thế mà khi sóng gió ập đến (anh bị mất việc) anh mới biết rằng mình không có chỗ dựa tài chính nào cả. Đó quả là một sự phản bội ghê gớm của chị đối với lòng tin của anh.

Thế nhưng, chẳng những không thừa nhận sai lầm của mình, chị còn bác bỏ anh, tự ái với anh và tức giận vì anh muốn thay đổi cách quản lý tài chính của gia đình. Chị muốn anh chấp nhận sai lầm của chị vô điều kiện và tiếp tục tin vào chị, đó là điều vô cùng vô lý.

Nó thể hiện một điều rằng chị không hề cảm thấy rằng mình có lỗi, ít nhất là không phải có lỗi với chồng, mà có lỗi với mái ấm của mình. Chị đã để xảy ra tình trạng khi nó gặp khó khăn thì không còn sự bảo hiểm nào.

Chị trách móc chồng nói đến hai chữ tiền "của anh", trong khi cách xử sự của chị không chỉ xác định rằng chị nghĩ chị có quyền với tiền của chị - như anh đang xác định về tiền của anh, mà chị còn coi cả tiền anh là tiền của chị.

Dù sao thì, theo Hạnh Dung, anh chưa từng nói đến hai chữ ly hôn. Anh mới chỉ nói chuyện tách bạch thu nhập mà thôi. Có lẽ mọi sự bị đẩy đi quá xa là do những tranh cãi xảy ra sau đó, và chị không chấp nhận được việc mình mất quyền kiểm soát với thu nhập của anh.

Điều đó càng chứng tỏ rằng ý kiến anh đưa ra là đúng đắn, và nó có thể giúp gia đình tạm bình ổn lúc này, nếu chị khéo léo và nhẹ nhàng thừa nhận sai lầm của mình, đồng ý với việc anh muốn thay đổi.

Có lẽ, anh cũng vì tức giận mà nghĩ ra việc giữ tiền không đưa hết cho chị, nhưng rồi thời gian trôi qua, mọi chuyện lắng lại, hiểu rằng chị cũng đã hối hận và hiểu ra mọi việc, anh chị có thể quay lại cách quản lý tài chính cũ với những thỏa thuận rõ ràng và nghiêm ngặt hơn.

Dù sao lúc này, chị cũng là người có lỗi đầu tiên, Hạnh Dung nghĩ chị nên nhường nhịn cơn tức giận của anh, chấp nhận những điều kiện anh đưa ra. Khi chị chứng minh được cho anh rằng chị vẫn là người quản lý tài chính tốt nhất của gia đình như bao năm trước, mọi việc sẽ yên ổn trở lại.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI