Chúng tôi cưới nhau đã 5 năm. Tôi công tác cách nhà chồng gần 100km. Thuở chưa có con, chúng tôi thường xuyên sum họp. Cuối tuần này gặp ở chỗ tôi, tuần kia tôi lại tay xách nách mang về nhà chồng, trong hai ngày nghỉ. Sau này, khi bé Gạo ra đời và tách mẹ thì cuối tuần nào tôi cũng về nhà chồng để gặp con. Khi gặp vui bao nhiêu thì lúc chia xa lại càng nặng nề bấy nhiêu. Nhớ có lần hai cha con tiễn tôi ra đến sân ga rồi, nhưng vì ánh mắt thèm mẹ của con mà tôi lại hủy vé, gắng ở bên con thêm vài tiếng, hôm sau đi sớm. Những đêm mùa đông rét căm, nằm ôm con mà chẳng thể ngủ, cứ chập chờn vì chẳng mấy chốc lại phải xa. Nói dông dài thế, cốt để giải thích ít nhiều chuyện tôi bỏ việc.
|
|
Tôi bỏ việc, về nhà chồng với sự ủng hộ duy nhất của chồng. Rất nhanh sau đó, tôi tìm được việc phù hợp, thu nhập cũng ổn. Nhà chồng ở phố, nhưng vườn rộng. Để bớt nhàn, tôi bàn với mẹ dọn lại, đặt thêm chuồng gà và trồng vài luống rau. Mẹ đồng ý. Những chậu xương rồng thân vút cao nhưng còi cọc, bị tôi phá bỏ. Hai chậu hoa giấy, tôi để lại chậu đẹp, bỏ chậu còn lại. Sau gần một tuần lễ, khu vườn tạp đã được quy hoạch thành từng luống ngăn nắp. Trưa ngồi ăn cơm, tôi hí hửng bảo chồng: “Tí đi làm về, anh ghé siêu thị mua hộ em ít hạt giống nhé”. Chồng tôi chưa kịp trả lời, mẹ chồng đã nặng nhẹ: “Mấy cây xương rồng đó, người ta bảo trồng để trừ tà; còn gốc hoa giấy là bác Quang cất công chở từ dưới làng lên, dù gì cũng là kỷ niệm”. Tôi ngớ người, sao khi tôi dọn vườn, mẹ không “xi nhan” trước, giờ lại tỏ thái độ không hài lòng.
Quả thực, về kinh tế, tôi đã có ít nhiều tiết kiệm. Công việc mới cũng đang ổn. Lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Tuy nhiên, điều phức tạp ngoài dự tính của tôi là cuộc sống chung với mẹ chồng. Nhiều mâu thuẫn dần phát sinh. Những bất đồng mà trước đây, chỉ trong vài ngày nghỉ cuối tuần ít ỏi, tôi chưa kịp cảm nhận, thì nay hiện hữu rành rành. Mẹ bảo tôi nên đi kiếm việc nhà nước ấy, nếu cần thì cha mẹ hỗ trợ chi phí để “chạy”. Rồi chuyện nuôi Gạo, giáo dục Gạo thế nào, mẹ cũng can thiệp. Tôi góp ý thì mẹ lại giận. Có lần, mẹ đang đút cơm cho Gạo, tôi nhắc mẹ lần sau đừng cho cháu ăn kẹo bánh trước bữa ăn, không khoa học. Thế là mẹ bỏ luôn bát cơm, đi xuống bếp, không nói lời nào.
|
Ảnh minh họa |
Tôi ngày càng mệt mỏi và rối trí. Chồng bảo: “Hay là mình thực hiện chiến lược chồng tung, vợ hứng - em cứ nặng nhẹ với mẹ thêm lần nữa đi”. Gì chứ mâu thuẫn thì không thiếu. Trưa hôm đó, cả nhà đang chuẩn bị đi ngủ thì Gạo khóc lu loa, mặt mày tím tái. Gạo ngã. Ông bà nháo nhào chạy đến, người ôm cháu lên, người không ngừng đạp đạp vào bậc thềm - thủ phạm làm cháu ông bà bị ngã. Đợi con nín, tôi bảo với mẹ: “Trẻ nhỏ ngã thì đứng dậy. Nếu chảy máu thì mình sơ cứu, không nên đổ lỗi cho đồ vật. Sau này lớn, khi mắc sai lầm, nó lại tìm cách đổ lỗi cho người khác, không hay đâu mẹ ạ”. “Ừ, thì xót cháu. Với lại, thấy ai cũng làm thế, con nhà người ta chắc hư hỏng hết” - mẹ chồng đáp.
Năm phút sau, chồng gọi tôi lên phòng khách, mắng như xát muối: “Cô kiểu gì đấy, ăn nói với cha mẹ thế à, không chăm con được thì thôi, lại còn sách vở”. Đang bực sẵn, tôi xẵng giọng: “Sách vở gì, mỗi thế hệ tư duy mỗi kiểu, em nói thế có gì sai. Con ngã là do con không cẩn thận, chứ cái bậc thềm bấy lâu nó vẫn nằm đấy, lỗi tại nó à”. Chồng tôi quát: “Vậy cô đã nói rõ những điều đó với mẹ chưa, hay cứ tỏ vẻ hiểu biết”. Tôi run người, bật khóc nức nở. Mẹ chạy vội lên: “Thôi thôi, hai đứa đừng cãi nhau nữa, mẹ hiểu việc rồi, đi nghỉ trưa đi, để hàng xóm người ta còn ngủ”. Trưa đó, chồng ôm tôi, bảo: “Chồng tung, vợ hứng” là vậy đấy. Nhưng vợ “hứng” thật quá, khóc bù lu bù loa, sốt hết cả ruột”.
Tuyệt chiêu tung hứng của chồng, theo thời gian, đã phát huy hiệu quả. Vấn đề không mở lời được bằng cách này thì đánh tiếng bằng cách khác. Không đối thoại trực tiếp được thì ta đành đối thoại gián tiếp. Nhiều rối rắm trong nhà dần được tháo gỡ. Tôi đỡ bức bí, mẹ chồng cũng bớt nặng nề trong cách xử sự với cháu con.
Ra Giêng, chồng tôi đi suốt - phụ sếp tiếp khách, gặp gỡ đối tác… Ngày nào về cũng có mùi bia rượu, chưa kể tình trạng bỏ bữa, chờ cơm. Mẹ chồng không nói gì, nhưng đến dáng đi cũng thể hiện sự bực bội. Tối về, tôi bảo với chồng: “Anh đi đâu, làm gì thì báo rõ ràng với mẹ. Mà hạn chế lại, phải tiết kiệm chứ thu nhập nhà mình độ này cũng không được dư dả”. Chồng mặt trợn mày trạo, cố tình gào to: “Việc là việc. Đi tiếp khách cũng mệt lắm chứ cô tưởng tôi sung sướng gì. Có ngày nào tôi về mà say xỉn không? Sao trong nhà này, ai cũng lớn rồi mà cứ thích lo lắng rồi quản việc người khác thế”. Điều che giấu trong lòng, tôi đã giúp anh nói ra và đó cũng là nỗi lòng tôi mong mẹ hiểu, để mỗi ngày trôi qua đỡ ngột ngạt hơn.
Chồng tung vợ hứng, dẫu chỉ là biện pháp tạm thời, nhưng để có cuộc sống chung hòa hợp thì hiện tại, chúng tôi không còn lựa chọn nào tốt hơn.
Minh Thi