Chồng trước mặt tỏ ra yêu thương người vợ ung thư, nhưng sau lưng lại có con với phụ nữ khác

08/12/2022 - 19:29

PNO - Đàn ông có khả năng bỏ rơi người bạn đời đau yếu của họ cao hơn phụ nữ. Hãy chọn điều tốt nhất cho người thân bất hạnh.

Thân gửi chị Hạnh Dung,

Gia đình chúng tôi đang có một câu chuyện rất buồn. Nỗi buồn đầu tiên là khi bác sĩ thông báo chị Hai tôi bị tái phát ung thư đại tràng vào năm 2020. Nhưng an ủi là chồng của chị đã tỏ ra hết sức yêu thương, đồng hành cùng vợ.

Thời điểm ấy, trong mắt mọi người, anh rể là một tấm gương người bạn đời hoàn hảo, ai cũng ngưỡng mộ. Chúng tôi, bạn bè, người thân mừng thầm cho chị, vì dù bệnh tật, nhưng chị vẫn luôn được sống trong tình yêu thương đầy ắp của chồng.

Thế nhưng chuyện đáng xấu hổ xảy ra gần đây, cho thấy toàn bộ những gì anh ta thể hiện chỉ là sự dối trá,làm màu trên mạng xã hội. Những tấm ảnh “tạo dáng” bên giường bệnh chẳng có ý nghĩa gì, vì chúng tôi phát hiện trong lúc vợ ốm đau, anh ta đã có mối quan hệ tình cảm với một nhân viên dưới quyền trong công ty.

Thực tế càng phũ phàng hơn khi anh ấy thậm chí đã có con với người tình trẻ hơn gần cả hai chục tuổi. Hiện chị Hai tôi đang ở giai đoạn cuối và không ai dám cho chị biết sự thật.

Từ ngày phát hiện chuyện động trời, gia đình chúng tôi không dám làm gì căng thẳng với ông anh rể, vì chỉ muốn ông ta “duy trì bộ mặt giả dối” kia, hoặc nghĩ đến nghĩa vợ chồng để tiếp tục bên chị trong những ngày cuối đời.

Gia đình chúng tôi cũng rất yêu quý hai cháu con của chị mà vẫn che giấu chuyện tệ hại của cha chúng. Nhưng càng im lặng, chúng tôi lại càng thật sự căm tức đến nỗi mâu thuẫn nhau. Anh chị em chúng tôi khó xử trong hoàn cảnh hiện nay vì kẻ muốn làm ra nhẽ, người thì không.

Mong chị Hạnh Dung hãy cho chúng tôi một lời khuyên để có thể tìm được sự bình an.

Trương Thị Hồng Nhung (Đồng Nai)

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

 

Hồng Nhung thân mến,

Trước khi chia sẻ với gia đình bạn một lời khuyên, chúng ta nên nhìn thẳng vào thực tế. Theo thống kê, tỷ lệ ly hôn hoặc ly thân của những cặp vợ chồng mắc ung thư khoảng 11,6%. Con số này không khác biệt nhiều so với tỷ lệ ly hôn nói chung.

Nhưng khi một cặp vợ chồng chia tay nhau vì lý do ung thư, khả năng rơi vào trường hợp phụ nữ là người mắc bệnh sẽ cao gấp sáu lần so với nam giới. Hay nói cách khác, việc lừa dối người bạn đời mắc ung thư phổ biến ở đàn ông nhiều hơn so với những gì chúng ta muốn tin.

Khi một người đàn ông bệnh hoạn, đau yếu, người vợ lại thường bị thôi thúc phải ở bên chồng như một bản năng. Phụ nữ đảm nhận vai trò chăm sóc chồng như một phần của hẹn ước trong hôn nhân. Điều này càng rõ ràng hơn với phụ nữ Á Đông chúng ta.

Ngược lại, các ông chồng thường chỉ tỏ ra quan tâm trong thời gian đầu. Nếu bệnh tình diễn tiến kéo dài, khả năng người vợ bị chồng âm thầm bỏ rơi là rất cao. Đặc biệt, bệnh nhân nữ càng lớn tuổi, khả năng chồng bỏ đi càng cao.

Trong trường hợp của anh rể bạn, dù sao anh ta cũng đã “tỏ ra” quan tâm, chăm sóc vợ. Hạnh Dung không biết bạn căn cứ vào đâu để kết luận “những gì ông anh rể đã làm thật ra chỉ là để làm màu trên mạng xã hội. Những tấm ảnh “tạo dáng trước ống kính” bên giường bệnh chẳng có ý nghĩa gì…”, nhưng rõ là anh ta cũng đang không muốn gây ra bất cứ hậu quả tâm lý đáng tiếc nào cho vợ nữa.

Đúng là khi chuyện ngoại tình của anh ta bị phát hiện, mọi thứ ở một khía cạnh nào đó đã trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, bạn và gia đình phải thấy được “giá trị” còn lại để có thể làm tất cả những gì tốt nhất cho chị Hai mình.

Và qua tâm sự trong thư, anh chị em bạn cũng đã phần nào thấy điều đó khi đã quyết định không hoặc chưa làm gì căng thẳng với ông anh rể, chỉ vì muốn anh ta “duy trì bộ mặt giả dối” để tiếp tục bên vợ trong những ngày cuối đời.

Tất nhiên, tuy không phải ai cũng đồng thuận, nhưng rõ ràng nó mang giá trị trị liệu vào thời điểm khó khăn này của người bệnh.

Bệnh nhân ung thư vốn đã nhiều nguy cơ mắc thêm trầm cảm và các sang chấn tâm lý khác trong giai đoạn này, lại sẽ làm cho khả năng hoàn thành điều trị theo các phác đồ hay liệu pháp kém hiệu quả, có khi không đáp ứng được.

Trong nghiên cứu về các cặp vợ chồng sống chung với ung thư, người ta thấy rằng đời sống tình dục đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vợ hoặc chồng mắc bệnh sẽ giảm ham muốn tình dục đáng kể vì mệt mỏi do trị liệu, trầm cảm và cảm thấy mọi hoạt động thể chất đều phiền phức.

Chắc chắn anh rể của bạn gặp khó khăn đó trong hoàn cảnh vợ tái phát ung thư. Đối với đàn ông nói chung, sự hấp dẫn và đáp ứng tình dục chiếm phần quan trọng trong hôn nhân.

Nhưng đúng là không thể chấp nhận hành động gian díu, có con riêng với người khác ở bên ngoài của người đàn ông. Hành vi của anh rể bạn sẽ được giải quyết bằng công cụ pháp lý sau này. Bạn cần hiểu điều quan trọng nhất trong lúc này là sự thanh thản của chị Hai mình.

Trách nhiệm của gia đình bạn là hãy giúp đỡ một cặp vợ chồng “sắp chia tay” vì quy luật muôn đời. Đây là điều không hề dễ dàng. Nếu các bác sĩ không muốn nói với bệnh nhân giai đoạn cuối rằng họ không thể qua khỏi, vì hy vọng họ có thể đối diện mọi thứ một cách lạc quan nhất. Vậy thì đến lượt mình, chúng ta cũng không nên nói với gười phụ nữ thân thương sự thật rằng chồng chị sẽ hoặc đã bỏ chị.

Chúc gia đình bạn luôn giữ được hòa khí cần thiết.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(13)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI