Chống 'trộm trên không'

23/04/2015 - 07:21

PNO - PN - Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) vừa công bố thống kê cho thấy, từ năm 2010-2014, có đến 30.621 vụ thông báo mất tài sản của hành khách tại các sân bay với tổng giá trị lên đến 2,5 triệu USD. Đa số các vật bị đánh cắp là thiết...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ năm 2012 đến nay, TSA đã sa thải 513 nhân viên làm việc tại các sân bay vì trộm cắp hành lý của khách. Nhân viên có thể tiếp cận và dễ dàng “móc đồ” hành khách nhất là những người làm ở bộ phận soi hành lý. Năm 2011, hai nhân viên tại sân bay John F. Kennedy (ở New York) bị bắt quả tang lấy 40.000 USD tiền mặt trong vali của khách sau khi cả hai kiểm tra và biết được có đến 170.000 USD trong chiếc vali giá trị này.

Pythias Brown, cựu nhân viên của TSA từng bị tù ba năm vì tội lấy trộm đồ của hành khách với tổng giá trị 800.000 USD trong suốt bốn năm tiết lộ: “Rất dễ để lấy một món đồ nào đó từ vali hành khách. Đó là cám dỗ rất lớn mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để vượt qua”. Mọi thứ chỉ vỡ lở khi Pythias Brown quá chủ quan, một lần đem bán máy ảnh mình ăn cắp được mà quên “thủ tiêu” những thông tin về mã sản phẩm đã được trang bán hàng trực tuyến E-bay dán trên thân máy. Nếu không sơ ý, có lẽ chẳng bao giờ những “phi vụ” của Pythias Brown bị phanh phui.

Sân bay Miami và Orlando đến nay là hai sân bay lớn duy nhất ở Mỹ áp dụng hình thức soi từng nhân viên trước khi rời khỏi chỗ làm để đảm bảo không lọt lưới bất cứ vụ đánh cắp nào. Gắt gao đến như vậy nhưng vẫn có những trường hợp báo mất trộm tài sản trong các vali của hành khách.

Ngoài khâu soi hành lý thì khâu kiểm soát hành lý trên băng chuyền cũng là trạm trung gian xảy ra nhiều rủi ro. Tháng Ba vừa qua, sáu nhân viên làm việc tại khu vực chất hành lý sân bay quốc tế Ninoy Aquino của Philippines đã bị cảnh sát tóm gọn khi phối hợp cùng nhau lấy các vali đang trong quá trình được đưa lên băng chuyền, tải lên máy bay.

Đoạn clip mà CNN công bố gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua cũng đã kịp ghi lại hình ảnh những nhân viên tại sân bay quốc tế Denver cuỗm hành lý của khách thản nhiên đến mức nào, hoặc nhân viên ở sân bay Miami tự ý lục lọi hành lý và lấy đi vài món đồ. Ngoài nhân viên sân bay, đoạn clip cũng cho thấy, có nhiều kẻ trộm đóng vai hành khách dễ dàng trà trộn vào khu vực băng chuyền hoặc ngang nhiên kéo vali của người khác.

Chong 'trom tren khong'

Nhanh chóng đến băng chuyền để nhận hành lý - ẢNH: NBC NEWS

Singapore lâu nay vốn nổi tiếng bởi uy tín của các dịch vụ tại sân bay cũng phải đau đầu vì vấn nạn ăn cắp vặt dễ lây lan này. Singapore quy định rất nghiêm trong xử phạt hành vi trộm cắp tại sân bay - từ sáu tháng đến ba năm tù kèm theo mức phạt tiền tương ứng. Không chỉ công dân Singapore mà cả công dân nước khác nếu vi phạm cũng bị xử lý với mức tương đương.

Năm 2013, tám hành khách Trung Quốc bị phát hiện trộm tài sản trên các chuyến bay của hai hãng hàng không Silk Air và Tiger Air của Singapore cũng bị phạt tù. Chính quyền Singapore khẳng định, hành vi phạm tội này rất dễ xảy ra, nhưng khó phát hiện, vì thế hình phạt phải nặng để tăng tính răn đe.

“Trộm trên không” là khái niệm được dùng để ví những hành vi trộm cắp tài sản của hành khách ở sân bay hoặc trên máy bay. Những tên trộm tinh vi này có thể tồn tại ở bất cứ đâu. Những trường hợp mất cắp liên tục được phản ánh từ Mỹ, Ireland, Australia đến Singapore, Philippines, Thái Lan… Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) từng thống kê có tới 42 triệu hành lý thất lạc mỗi tháng, gây ra thiệt hại 3,8 tỷ USD hàng năm trên toàn thế giới.

Hành khách vẫn là người thiệt thòi nhất, vì nếu không may bị thất lạc hành lý, họ buộc phải chấp nhận mức bồi thường “cào bằng” 20 USD cho mỗi ký hành lý ký gửi theo quy định chung đối với các chuyến bay quốc tế (bao gồm chặng nội địa trong cả hành trình bay). Nếu thất lạc hành lý, hành khách cần thông báo ngay đến nhân viên tại quầy Lost & Found tại sân bay. Sau ba tuần vẫn không tìm được thì coi như mất hành lý.

ANH THÔNG
(Theo WSJ, CNN, ABC, RT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI