Chồng tôi tâm sự với phụ nữ khác: "Có vợ hiền chán muốn chết"

06/10/2022 - 15:31

PNO - Nhường hay nhịn là lấy cái tình để đối xử với nhau, trong mọi trường hợp, nhất là giữa những người thân trong nhà.

Chị Hạnh Dung ơi,

Lúc tôi đi lấy chồng, mẹ dặn: Một câu nhịn là chín câu lành, rằng nhịn chồng, nhịn cha mẹ chồng, nhịn anh chị em chồng... chứ nhịn ai mà thiệt. Mình hiền lành, cư xử có trước có sau, thế nào rồi cũng được yêu thương....

Tôi cứ sách đó mà theo, chuyện gì cũng nhịn với người thân, nhưng càng lúc hình như không phải là càng được yêu thương, mà càng bị leo lên đầu lên cổ.

Chồng tôi ngày càng coi thường tôi, cho rằng tôi hèn không bao giờ dám phản kháng. Hôm kia, tôi đọc được một đoạn chat anh ấy nói chuyện với một phụ nữ: "Ai bảo lấy được vợ hiền thì sướng, chứ nhiều lúc anh chán muốn chết em ạ. Đến mức anh chửi cả bố nó, nó cũng không dám cãi, thì em bảo có gì là hay cái chuyện hiền".

Còn mẹ chồng và các em chồng thì bảo chồng tôi: "Thôi, có gì anh cứ tự quyết đi, vợ anh khù khờ như thế biết gì mà tham gia".

Có phải tôi hiền đến mức ngu hay khù khờ đâu. Chẳng qua là tôi nhịn. Tôi nghĩ quan trọng là nhà cửa êm ấm, chứ chuyện ai thắng ai hay ai hơn ai thì có gì quan trọng? Nhưng bây giờ tôi đang thấy mình sai.

Làm sao để sửa sai đây chị, vì tôi không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào là vừa. Vậy là ông bà dạy sai hả chị?

Lê Nhi

Chị Lê Nhi thân mến,

Ông bà dạy con cháu điều gì, xưa nay chẳng có bao giờ sai đâu chị. Có chăng là chúng ta hiểu không hết ý ông bà, hay vận dụng điều ông bà dạy không đúng cách, đúng hoàn cảnh, không kiểm soát được mức độ mà thôi. 

Thí dụ như với chồng chị, nhịn gì thì nhịn, không thể nhịn chuyện "chửi cả bố nó, nó cũng không dám cãi".  Không thể nhịn được trước cái sai, cái áp bức, đè nén, coi thường mình, chị ạ. Nhịn không có nghĩa là chấp nhận để người ta muốn đối xử với mình ra sao thì đối xử, muốn rẻ rúng mình thế nào cũng được. 

Thí dụ như với gia đình chồng, nhịn là khi có những vấn đề gì thì cùng nhau ngồi lại bàn bạc, giải quyết. Biết lắng nghe suy xét điều người khác nói đúng sai chỗ nào. Biết nhìn ngó xem cái gì tốt cho người, cái gì tốt cho mình để cân bằng mọi điều.

Nếu ta đúng, cũng không nhất quyết đòi ngay phần được, mà bình tĩnh, ôn hòa thuyết phục mọi người lắng nghe và chấp nhận mình vì lý lẽ, hiểu biết của mình. 

Nhịn, không phảđể ai muốn làm gì thì làm, mà là nhịn theo cách không cãi cọ, bùng nổ bất cứ lúc nào theo cảm xúc. Là biết cách phản kháng lại một cách bình tĩnh, ôn tồn, có tình có lý, có thời điểm. Nhịn còn là biết tha thứ, bao dung trong nhiều trường hợp, khi ta hiểu người vì sao mà lầm lỗi với ta, khi ta thấy người ân hận vì lầm lỗi...

Nhường hay nhịn, là lấy cái tình để đối xử với nhau, trong mọi trường hợp, nhất là giữa người thân và người thân trong nhà. Nhường nhịn là sống với nhau có trước có sau, để được nhẹ nhàng, thanh thản, bình an, chứ không phải để chất chứa những điều ấm ức, khổ sở, bất mãn, cho đến khi mọi chuyện bùng phát, tệ hại hơn...

Bàn về chữ nhịn, chắc là dài lắm và phải tùy nhiều trường hợp, nhiều khung cảnh, nhiều mối quan hệ. Đôi khi nhịn mang đến chín điều lành, đôi khi, nếu quá nhiều, lại thành ra đánh mất bản thân, cũng là điều rất không tốt.

Mong chị hiểu được những điều ông bà dạy, mẹ khuyên một cách đúng đắn, để áp dụng một cách chính xác. Có nên tiếp tục nhịn hay không? Nên chứ chị, nhưng nhịn sao cho cuộc sống gia đình được êm đẹp, thuận hòa, chia sẻ, được hiểu, tôn trọng và thương yêu thì hãy nhịn, chị nhé.

Còn nếu mọi người không hiểu, đánh giá thấp, coi thường chị, thì chị hãy xem lại cách nhịn nhường của mình, thay đổi cách nhịn, để mọi người phải nhìn nhận cách đối xử tốt đẹp của chị.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI