Chồng tôi là người hai mặt

25/04/2025 - 08:00

PNO - Hãy nói rõ rằng cách cư xử của chồng khiến em đau lòng thế nào, và em mong anh ấy đối xử với em ở nhà như cách anh ấy thường thể hiện trước mọi người.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Chồng em là người giỏi giang, giao tiếp tốt, có vị trí cao trong công ty, ra ngoài được khen là mẫu đàn ông lý tưởng: lịch sự, quan tâm vợ con, cư xử tử tế.

Mỗi lần đi tiệc, gặp bạn bè hay gia đình 2 bên, anh ấy luôn nắm tay em, kéo ghế cho em ngồi, gắp thức ăn cho em, nói những lời rất dịu dàng khiến ai cũng ngưỡng mộ em có người chồng tâm lý.

Nhưng khi về nhà, con người đó như biến mất. Chỉ cần em làm sai một chút là anh quát tháo: “Em làm gì cũng hậu đậu”. Có lần, em để quên 1 món đồ ở siêu thị, anh đập tay xuống bàn và mắng em ngay trước mặt con.

Em nói lại thì anh gằn giọng: “Tôi là chồng cô, không phải đầy tớ để nghe cô cãi”. Có hôm, em nói chưa hết câu thì anh đã lớn tiếng: “Im đi” trong khi trước mặt bạn bè, anh vẫn khoác vai em cười đùa như thể gia đình hạnh phúc lắm.

Em cảm thấy tủi thân và dần sợ cả việc chồng về nhà, cứ nghe tiếng xe của anh ấy là em thấy hồi hộp. Khó khăn hơn nữa là hiện tại em chưa có công việc ổn định. Trước đây, vì lo cho con nhỏ, em tạm nghỉ làm, nay phụ thuộc hoàn toàn vào anh về kinh tế.

Em không có khoản tích lũy nào cho riêng mình nên cảm giác bị mắc kẹt, không biết làm sao để thoát khỏi nỗi tổn thương mỗi ngày.

Em không biết có phải mình quá nhạy cảm hay mình đang sống với một con người hai mặt. Em nên làm gì để thoát khỏi cảm giác mệt mỏi và bất lực này? Em muốn được tôn trọng nhưng liệu có thể đòi hỏi điều đó khi em không có quyền gì trong tay?

Minh Uyên

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Minh Uyên thân mến,

Từ tất cả những gì em kể, Hạnh Dung có thể khẳng định rằng tình trạng tinh thần sợ hãi, tủi thân, tổn thương và cảm thấy bị mắc kẹt của em là có lý do thật sự chứ không phải do em nhạy cảm.

Câu chuyện về 2 cách đối xử của chồng em khiến Hạnh Dung hết sức đồng cảm và xót xa. Cách cư xử quát tháo, mắng nhiếc là một hình thức bạo hành tinh thần rất đáng sợ. Điều đau buồn nhất là từ đó, em nhận ra chồng mình có đến 2 bộ mặt. Từ đó, sự ga lăng, ngọt ngào của anh ta chắc chắn sẽ gây cho em cảm giác sợ hãi chứ không hề hạnh phúc, bởi em hiểu chồng mình chỉ đang trình diễn cho mọi người thấy "bộ mặt đẹp" và che giấu "bộ mặt xấu xí". Đáng tiếc, em lại là người duy nhất phải đối mặt và chịu đựng phần xấu xí đó mỗi ngày.

Em đang sống trong tình trạng phụ thuộc kinh tế, điều đó khiến việc em muốn thoát khỏi sự thao túng tâm lý của chồng càng thêm khó. Thế nhưng, không vì thế mà em mất đi quyền được tôn trọng, quyền được sống trong một mối quan hệ lành mạnh. Khi biết đó là một trong những mấu chốt để giải quyết vấn đề, em càng phải mạnh mẽ và dũng cảm hơn.

Điều đầu tiên em cần làm là xác định lại vị trí của mình trong gia đình. Hãy tự hỏi: “Nếu không có ràng buộc kinh tế, em có còn chấp nhận kiểu đối xử ấy không?”. Câu trả lời sẽ cho em biết điều gì là thật sự cần thiết với em.

Sự cần thiết đó chính là việc em nên tìm cách lấy lại sự độc lập. Đi làm lại, học thêm kỹ năng hay tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè... sẽ giúp em tự chủ hơn về tài chính và cảm xúc. Đây là bước quan trọng để thay đổi tình thế.

Với chồng, em cần trò chuyện thẳng thắn khi cả hai đang bình tĩnh. Hãy nói rõ rằng cách cư xử của chồng khiến em đau lòng thế nào và em mong anh ấy đối xử với em ở nhà như cách anh ấy thường thể hiện trước mọi người.

Nếu dù đã rất cố gắng nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn, em không cần cam chịu nữa. Gia đình không thể là nơi khiến ta trở thành vô cảm với chính ta. Nếu em luôn phải sống trong nỗi sợ hãi, tổn thương và lặng im, đó không còn là hôn nhân mà là một nhà tù cảm xúc.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI