Chồng tôi kiên quyết bảo từ nay không bao giờ gọi mẹ vợ nữa

12/04/2022 - 10:59

PNO - Hãy coi gia đình mình là một thế giới riêng, tách khỏi ảnh hưởng của cha mẹ hai bên, cùng nhau trưởng thành trong vai trò vợ chồng.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Chúng em quen nhau khi đi du học nước ngoài. Vì lý do anh về nước mà chúng em phải yêu xa một thời gian. Tình cảm lớn dần. Em thấy ở Việt Nam kiếm tiền quá vất vả, đặc biệt anh vẫn chưa có bằng cấp gì.

Chỉ vì yêu anh và suy nghĩ cho tương lai sau này, em thuyết phục bố mẹ trong một thời gian dài, và bố mẹ cho bọn em đăng ký kết hôn, em bảo lãnh anh qua lại nước ngoài. Bố mẹ em cũng sẵn lòng giúp đỡ.

Nhà em, bố em làm viên chức, mẹ làm nội trợ. Còn nhà anh bố mẹ làm nông. Ban đầu anh khá tự ti và mặc cảm vì trình độ học thức của em và anh. Không những thế, nhà em cũng khá giả hơn. Rồi một ngày bọn em đoàn tụ.

Anh suốt ngày chơi game, và chê những công việc ở xa với lý do say tàu. Em lỡ miệng nói  rằng anh nên chuyển qua visa chơi game, thì anh nghĩ em không tôn trọng anh, muốn đuổi anh về nước.

Qua nhiều lần cãi nhau, em nhiều khi bực tức nên có nói chọc đối phương. Nhưng anh lại để tâm câu nói đó và nghĩ xấu cho em. Em biết mình trẻ con, ăn nói còn chưa đúng, nên cũng xin lỗi anh.

Một lần bọn em cãi to. Em quyết định ly dị. Lúc yêu nhau, bọn em có bàn với nhau nên ở đâu. Vì thế bố mẹ em xây nhà thành phố cho gần con cái. Nhưng không biết vì sao anh lại sợ ở gần bố mẹ em, và lấy lý do ở thành phố chỗ em, anh không làm ăn được. Về gần nhà anh  mới làm ăn được. Anh đổi ý không giữ lời hứa.

Em kể với mẹ. Mẹ gọi anh mắng một trận. Ở đâu phát triển thì sống. Rồi mẹ em cũng bảo chỉ vì câu nói sau về chỗ em ở nên bố mẹ mới đồng ý cho bọn em kết hôn. Bố mẹ em từ ban đầu cấm em yêu xa, chỉ vì anh đồng ý nên bố mẹ theo. Anh đồng ý với mẹ em về ở.

Vài tuần sau anh bảo em nói chuyện. Mẹ em có bảo rằng sống với nhau cả đời nên quyết định vấn đề đó sớm. Bọn em chỉ đăng ký kết hôn, chưa tổ chức hôn lễ, bố mẹ không đặt nặng chuyện bắt anh phải chịu trách nhiệm.

Nhưng rồi anh nghĩ bố mẹ em khinh thường anh theo kiểu không nuôi được vợ thì bố mẹ nuôi. Trong khi từ ban đầu thống nhất nhưng anh không tuân thủ. Anh luôn tự ti sợ nhà em coi thường.

Đến ngày 8/3 em gọi chúc mừng mẹ anh, nhưng khi bảo anh gọi mẹ em chúc mừng thì anh nói không có thời gian, em kêu anh nhắn tin thì anh bảo không cần thiết. Và rồi anh nói từ bây giờ anh không gọi mẹ em nữa. Khi nào cảm thấy được tôn trọng anh sẽ gọi.

Trần Thị Ngọc

Chào em gái Trần Thị Ngọc,

Thư em viết bỏ dở nửa chừng, nên Hạnh Dung không hình dung được hết câu chuyện, điều em muốn chia sẻ và cần lời khuyên gì để có thể góp ý cho em đầy đủ. 

Vì những lý do đó, Hạnh Dung chỉ có thể góp ý cho em trên vài điều em tâm sự.

Thứ nhất, Hạnh Dung có cảm giác em và chồng đều còn quá trẻ, chưa có được những hiểu biết, ý thức và kinh nghiệm cần thiết cho một cuộc sống chung cân bằng giữa mọi yếu tố của một gia đình.

Đầu tiên hết là những bàn bạc, thảo luận của các em về nơi ăn chốn ở, nơi làm việc... đều là những việc phải được thống nhất ngay khi có thể và tốt hơn hết là trước hôn nhân. 

Khi đã được bàn bạc thì trong hoàn cảnh mới, cần thay đổi, các em cũng phải có những lý do hợp lý và cách thuyết phục nhau hợp lý. Có sự thông cảm và chia sẻ với nhau để có thể có những thay đổi mà cả hai bên đều thấy cần thiết, chứ không thể là chuyện cãi vã, kết tội, đổ lỗi cho nhau rồi nhờ cha mẹ phân xử.

Riêng về ngôn ngữ giao tiếp vợ chồng của các em, Hạnh Dung cũng thấy có vấn đề. Vì sao em lại cho rằng cái chuyện "nhiều khi tức nói chọc đối phương" của em là bình thường và cho rằng chuyện chồng em "để tâm câu nói đó và nghĩ xấu cho em" là sai? Cách nói chuyện đó giữa hai vợ chồng chắc chắn không phải là đối thoại giúp gắn kết và chia sẻ. 

Chuyện chồng em không thích ở với bố mẹ vợ là một điều theo Hạnh Dung dễ hiểu nhất trên đời. Đại đa số các chàng rể không thích sống cảnh "chó chui gầm chạn", nhất là những người chưa có gì để lo cho vợ và nhà vợ, người thất thế hơn, người kém tự tin.

Thay vì động viên chồng, thậm chí "bảo vệ" chồng trước những đánh giá của gia đình mình thì em lại mách với mẹ, để mẹ em mắng chồng em một trận, mà em không thấy xót chồng, lại chỉ đắc chí khi được bênh, và được nghe người lớn thể hiện sự coi thường chồng mình.

Theo Hạnh Dung, đó chính là một sai lầm lớn của em: em đã khoét sâu mối mâu thuẫn giữa chồng em và gia đình em, khiến chồng em bị "mất mặt", không được tôn trọng và không muốn giao tiếp với mẹ vợ nữa.

Mang đầy mặc cảm về sự ở nhờ, không nuôi được vợ, ăn bám gia đình vợ, liệu chồng em có thể an tâm sống, nhất là nếu tuổi chồng em còn trẻ, bởi theo Hạnh Dung cảm nhận từ những cư xử của các em, cả hai vợ chồng em đều "ăn chưa no, lo chưa tới".

Theo Hạnh Dung, nếu còn yêu quý chồng và muốn giữ gia đình mình, em và chồng cần mau chóng học hỏi cách làm vợ, làm chồng thật sự, coi gia đình mình là một thế giới riêng, tách khỏi quyết định, ảnh hưởng, quyền can thiệp của cha mẹ hai bên, cùng nhau tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành trong vai trò vợ chồng của nhau. 

Tất nhiên, để trưởng thành, cần thời gian. Trên con đường đi đến điều đó, hãy hết sức yêu thương, thông cảm, chia sẻ với nhau.

Đặc biệt là em, người có vẻ như đang "trên cơ" chồng về mọi mặt, hãy tế nhị, cố hết sức tạo cho chồng sự tự tin để phấn đấu trở thành người chủ gia đình thật sự (chứ đừng chỉ chọc khi đang tức).

Vài dòng dựa trên những gì em viết. Nếu chưa đầy đủ, em có thể tiếp tục gửi email cho Hạnh Dung.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Minh Tâm 14-04-2022 10:32:47

    Đúng là vợ chồng trẻ con, làm gì cũng theo quyết định của cha mẹ vợ. Đàn ông chẳng ai thích điều đó

  • Kim 12-04-2022 12:09:46

    Bạn trai này không good rồi. Ở Việt Nam còn không được huống chi ở nước ngoài mà chỉ chơi game. Bao nhiêu chi phí cho 2 người mỗi ngày ở nước ngoài bạn trai không tính. Lại đi tính chuyện mặc cảm tự ti. Nếu mặc cảm thì bạn phải cố gắng làm việc và vươn lên. Ở nước ngoài tuy làm việc vất vả hơn Việt Nam rất nhiều nhưng điều kiện để học thêm vô cùng thuận lợi. Trong khi bạn đã có bạn gái đỡ đần. Theo tôi bạn gái này nên xem lại việc tương lai, không nên để bản thân mình và nhất là cha mẹ phải khổ khi gặp phải chàng rể lười biếng và không có chí cầu tiến.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI