Chào chị Hạnh Dung,
Hai vợ chồng em đã kết hôn được 10 năm rồi. Chúng em có hai bé trai, một bé năm tuổi, một bé hai tuổi. Chúng em lấy nhau nhưng gia đình em không hài lòng, vì em là người có công việc ổn định, còn chồng em thì không.
Cuộc sống vợ chồng từ khi có con có nhiều xích mích, không hoà thuận, nhưng với bản tính hiền lành và chịu đựng của em thì mọi chuyện cũng qua.
Vợ chồng em đang ở với mẹ chồng, quan hệ của em với mẹ chồng cũng không được tốt. Nhà em ở cũng gần nhà bố mẹ đẻ em, nên em có bé nhỏ đang gửi mẹ đẻ giữ hộ khi em đi làm. Bà lại có tính hay càm ràm, cộng thêm chồng em thì vô tâm, và cũng lười nhắc. Anh có làm ruộng, nhưng khi rảnh thì không quan tâm con cái, chỉ quan tâm khi em nhắc nhở thường xuyên.
Giờ thì đang vào mùa xạ lúa nên bố mẹ em cũng bận, vì thế mẹ em lại càm ràm chuyện chồng em rảnh mà không giữ con, trong khi bà thì bận nhiều việc. Mà từ trước đến giờ, chẳng khi nào mẹ em gặp chồng em mà không càm ràm, chê bai chồng em. Bố em cũng về phe mẹ em.
Có điều chồng em không phải là người nhã nhặn, biết trên biết dưới, không nể nang ai, gặp chuyện gì cũng đều cho mình tài giỏi, nói thao thao bất tuyệt. Nên mối quan hệ giữa bố mẹ em và chồng em ngày càng tệ.
Em có đứa em gái cũng lấy chồng gần đấy, nên thỉnh thoảng hai gia đình tụi em cũng có tập trung ăn uống nhà bà ngoại. Bố mẹ em thì quý mến chồng em gái em hơn, và chồng em cũng biết điều đó.
Tối hôm qua khi ăn uống thì có câu chuyện qua lại, và chồng em như mọi khi lại bắt đầu tỏ ra thông thái. Bố mẹ em và chồng đứa em gái em về phe nhau, tranh luận kịch liệt. Rồi chồng em với chồng em gái em gây gổ đòi đánh nhau.
Bố em túm lấy chồng em rồi đẩy ra khỏi cổng, đuổi chồng em về. Do đó chồng em phản ứng lại, anh nói: "Người như ông tôi bóp một phát là chết, nếu ông không phải bố tôi thì tôi đập ông rồi". Bố em tức quá đấm chồng em một phát, chồng em cũng hùng hổ, nhưng có mọi người can ngăn nên chồng em bỏ về.
Em biết là chuyện xảy ra là kết quả tất yếu của nhiều vấn đề trước đó. Chồng em hay bố mẹ em cũng chẳng ưa gì nhau, phải chịu đựng nhau nhiều nên giờ bùng nổ thôi.
Em rất đau lòng chị ạ, vì chồng mình hỗn láo với bố mẹ mình. Bố em nói là chồng em từ nay đừng vác mặt sang nhà nữa, không có thằng con rể như thế.
Em cũng muốn ly hôn nhưng chồng em chắc không chịu, với lại hắn có máu điên thì phải, mỗi lần có chuyện gì là mắt hắn long lên sòng sọc ấy, nên em sợ. Chứ thực tình em cũng chẳng còn tình cảm gì với hắn.
Em có công việc ổn định nên nếu tằn tiện thì vẫn nuôi được hai con. Hiện tại thì chồng em cũng không giúp em về kinh tế vì công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh.
Em giờ phải làm thế nào ạ? Em rất mong nhận được lời khuyên sớm từ chị.
Nguyễn Thị Hoa Mai
|
Ảnh minh họa |
Em Hoa Mai thân mến,
Thật sự chẳng có ai sinh ra là hoàn toàn phù hợp với một ai cả, em ạ. Trong cuộc sống chung, người ta phải tự điều chỉnh mình và giúp nhau điều chỉnh thì mới có thể có được sự hòa hợp, tiếng nói chung và hạnh phúc chung.
Nên nếu nhìn từ góc độ này thì cái sai, cái bất hòa trong hôn nhân của em cũng có phần nào phát xuất từ tính tốt của em: hiền lành và chịu đựng.
Nghĩa là trong vòng 10 năm qua, đúng ra em phải cương quyết, khéo léo, thông minh... dẫn dắt mối quan hệ của chồng và bố mẹ mình, tìm mọi cách thay đổi chồng.
Chồng nhàn rỗi thì phải cương quyết bắt chồng trông coi con, hay tìm một cách nào đó để giải quyết chuyện của mình, chứ không phải là ấn cho bố mẹ, khiến cho ông bà càng ấn tượng xấu với chồng.
Biết được mâu thuẫn giữa bố mẹ và chồng thì phài tìm cách hóa giải chúng hay... kịp thời tách họ ra, giữ khoảng cách, bớt đi điều kiện để các xung đột bùng nổ... Sự chịu đựng của em khiến mâu thuẫn của họ càng nặng nề hơn mà thôi.
Bởi cái người được người khác nhịn và hiền lành chịu đựng đâu có bài học nào, sức ép nào để thay đổi mình. Thậm chí họ nghĩ: hễ không nói gì, không phản ứng gì, nghĩa là mọi thứ đều ổn. Và họ sẽ phát huy cái việc "ổn" đó một cách mạnh mẽ.
Xung đột giữa bố mẹ và chồng cũng không phải không có lỗi từ em và bố mẹ. Sự ghét bỏ, coi thường, "bên trọng bên khinh" so với người em rể cũng là một trong những điều khiến mọi uẩn ức của chồng em bùng nổ vào cái "ngày hôm qua", khi anh ta hỗn hào với bố em và gây gổ với em rể.
Mà không phải chỉ bố mẹ em, trong suy nghĩ của em, Hạnh Dung cũng đã thấy em hoàn toàn đứng về phía gia đình, coi chồng là "phía bên kia" rồi, thì làm sao mọi việc có thể cân bằng và tốt đẹp được?
Nhưng ngay cả khi bị "xử ép" trước mặt em rể, chồng em vẫn còn nhớ được bố vợ là bố mình, kiềm chế được để bỏ đi về thì... phải chăng anh ta chưa phải là người không thể thay đổi?
Bây giờ, tuy có vẻ đã muộn, nhưng em thử bắt đầu mọi thứ lại từ đầu, thử coi, theo như ông bà là "còn nước, còn tát". Để các con em không phải sớm chịu đựng cảnh chia lìa, tan vỡ gia đình chỉ vì sự "hiền lành và nhẫn nhịn" của mẹ mình.
Tạm thời hãy tách hẳn bố mẹ với chồng mình ra. Trò chuyện với chồng, phân tích điều hơn lẽ thiệt với chồng và động viên chồng: Hãy vì hai con mà cả hai cùng thay đổi. Hạnh Dung nhấn mạnh là "cả hai", để em đừng yêu cầu sự thay đổi chỉ từ một phía.
Chuyện gì cũng phải bắt đầu, phải cố gắng thì mới có kết quả, đừng chỉ ngồi đó mà sợ, hay suy nghĩ "chắc là". Hãy cứ ôn tồn, bình tĩnh nói chuyện, biết bắt đầu lúc nào và dừng lúc nào khi cơn điên của chồng em nổi lên.
Nếu chồng em không muốn ly hôn thì có nghĩa là anh ta còn thương em và các con. Còn thương thì còn "cửa" để thay đổi. Còn nếu anh ta không chịu ly hôn chỉ vì ích kỷ, mà em thì sợ hãi, thì hãy từ từ, một cách thăm dò và an toàn đưa ra giải pháp xa nhau, xem phản ứng của chồng thế nào để đối phó.
Cái sự "hết tình cảm" có lẽ cũng đến từ việc quá sức chịu đựng nhẫn nhịn của em. Nếu chồng em có thể hiểu ra được điều gì đó để thay đổi thì biết đâu tình cảm lại quay trở về. Còn nếu em đã thử mọi cách mà không làm cho cuộc sống tốt hơn lên thì hãy nghĩ đến giải pháp giải thoát bản thân, mà không phải ân hận điều gì.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn