Chồng tỏ ra khó chịu khi được tôi chăm sóc từng chút một

15/06/2023 - 12:50

PNO - Có những ông chồng không chịu được việc bị chăm sóc như trẻ con. Họ cảm thấy ngột ngạt, gò bó, khó chịu.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và chồng mới cưới được 6 tháng. Cả hai tụi em đều đã trải qua đổ vỡ nên đều rất trân trọng tình cảm dành cho nhau. Em biết anh từng rất bất hạnh trong cuộc hôn nhân cũ và các mối quan hệ sau đó, nên luôn muốn bù đắp cho anh.

Vợ cũ anh là người phụ nữ ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, chồng ăn mặc thế nào, có nhu cầu gì, ăn uống ra sao cô ấy chẳng bao giờ nghĩ đến. Em muốn làm những điều ngược lại, mang đến cho anh cảm giác được quan tâm, chăm sóc, yêu thương. Mà bản tính em cũng là thích chăm sóc chiều chuộng người mình yêu thương.

Thế mà, không hiểu sao anh lại tỏ vẻ khó chịu vì điều đó. Đi ăn với bạn bè, em gắp cho anh, anh cũng gạt ngang. Ở nhà, nhiều khi anh cứ lủi lủi vào một góc riêng đọc báo trên điện thoại hay nghe nhạc.

Ngày hôm qua, khi hai vợ chồng đang uống cà phê, em nhớ ra nên vội đi lấy đôi vớ cho anh để anh chuẩn bị đi làm. Em hỏi anh là anh có thấy vui vì chẳng có người vợ nào có thể chu đáo tỉ mỉ như em hay không, thì anh đột nhiên im lặng, rồi trả lời: "Em có thể bớt chi tiết đi được không? Có những việc anh tự làm được mà".

Khi anh nói, em vẫn cười, nhưng thật sự em bị sốc chị à. Vậy là anh không thích được chăm sóc như vậy? Vì sao? Có phải là người ta bị đối xử tệ quen rồi, giờ có cái gì tốt hơn lại không quen không? Hay là anh thật sự không yêu em nên mới khó chịu như vậy? Em hoang mang quá chị à...

Lan Hương

Em Lan Hương thân mến,

Thật ra, đề tài này quá quen thuộc bao nhiêu năm nay trên trang hôn nhân gia đình của báo Phụ nữ đó em: Đừng chăm sóc chồng như... con. Chắc chỉ cần đọc tựa đề như thế là em hiểu rồi, phải không?

Có thể, có nhiều ông chồng thích được chăm sóc, chiều chuộng như một đứa trẻ, cơm bưng tận miệng, nước rót tận môi và vớ... mang tận chân. Thế nhưng không hiếm ông chồng khi bị vợ chăm sóc quá kỹ thì sẽ thấy ngộp thở. 

Tất nhiên, ai mà không thích được chăm sóc chứ, phải không em? Vấn đề là mức độ chăm sóc như thế nào, với cả hai ông chồng nói trên, người vợ đều phải cần kiểm soát... chính mình.

Với những ông chồng thích được chăm sóc, nếu vợ chiều chuộng quá, dần dần anh ấy sẽ trở thành đứa trẻ thật sự, chẳng bao giờ muốn tự làm cái gì dù là cho chính bản thân mình. Hạnh Dung đã từng chứng kiến những người chồng khi đi chơi cùng nhóm gia đình, họ không biết tự lấy đồ để thay, không biết lấy kem đánh răng. Đến chừng lớn tuổi chút, vợ bệnh, họ không biết làm gì, đến cả pha ly nước cam cũng lóng ngóng. Các bà vợ lúc đó chỉ còn biết la trời.

Nhưng cũng có những ông chồng không chịu được việc bị chăm sóc như trẻ con. Họ cảm thấy ngột ngạt, gò bó, khó chịu. Họ ghét cảm giác bị coi như là một đứa trẻ. Và việc người phụ nữ quá chăm sóc, quá chi tiết khiến họ thấy mất tự do, bức bối.

Sự khó chịu đó hoàn toàn không có nghĩa là họ không yêu vợ và không muốn được vợ chăm sóc đâu. Đó chỉ là cá tính của những người trưởng thành, tự lập và quen được độc lập, quen rằng mình hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân mình, thậm chí quen là chỗ dựa, bờ vai của người khác, chứ không muốn làm phiền người khác từ những điều nhỏ nhặt của đời sống. 

Riêng em, chị cũng hiểu được điều em muốn làm cho chồng. Có những người giống em trên đời này. Hạnh phúc của họ là được chăm sóc người họ yêu thương, họ lấy việc vất vả ngược xuôi vì chồng con ra làm niềm vui. Họ luôn muốn hình ảnh người vợ của mình phải hoàn hảo.

Nhưng những điều họ muốn và làm đó đôi khi thành áp lực mệt mỏi cho chính họ. Nhất là khi việc đó tạo thành thói quen dựa dẫm ỷ lại cho người xung quanh. 

Vậy thì phải làm sao để làm đúng, không vượt quá mức, để việc tốt, ý tốt biến thành việc xấu? Thứ nhất, có lẽ là phải tinh ý, nhận biết được mình nên làm gì và không nên làm gì. Thứ hai, em cũng có thể hỏi thẳng chồng mình: Anh có thích, có cần em làm việc đó cho anh không?

Đừng mất công đoán định người ta muốn gì. Đừng tự hành hạ mình với mặc cảm có lỗi khi mình chưa làm được kịp việc này việc kia cho người thân nếu những việc đó họ hoàn toàn tự làm được.

Người ta khuyên nhiều người phải sống và nghĩ cho người khác, thì với những người như em, phải khuyên rằng hãy sống cho mình một chút. Để thong thả, để nhàn hạ, để không phải lúc nào cũng tất bật lo cho người khác mà bỏ bê chính mình.

Mong rằng em sẽ có thể xác định được ranh giới của sự quan tâm chăm sóc và chiều chuộng quá đáng, đến mức thành... vướng đối với một người đàn ông trưởng thành.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI