Tin nhắn lừa đảo “ăn theo” dịch COVID-19
Chị Trang (Q.3, TPHCM) cho biết thường xuyên nhận được tin nhắn từ các số di động lạ 0928 644 018 và 0589 755 372 với cùng một nội dung thông báo rằng: số di động chị đang sử dụng từ nhà mạng Vinaphone sẽ bị tạm khóa và đề nghị chị bấm vào các đường link www.vnsccbbb.com, www.fasccb.com để kiểm tra.
Ngoài ra, chị cũng nhận được tin nhắn iMessage (dịch vụ của iPhone) từ địa chỉ d8925227@icloud.com với những nội dung hướng dẫn tìm việc làm thêm trong mùa dịch COVID-19, thu nhập mỗi ngày 300.000 đồng. Biết những tin nhắn này là giả mạo nên chị Trang không mắc lừa, nhưng nó cũng gây nhiều phiền toái cho chị. Vả lại, không phải khách hàng nào cũng nhận biết được đây là tin nhắn giả mạo.
|
Tin nhắn rác liên tục tấn công người dùng bằng nhiều hình thức |
Còn chị Xuân (Q.Bình Tân) sử dụng mạng di động Mobifone, cũng cho biết, gần đây chị nhận được nhiều tin nhắn giới thiệu ví điện tử Momo đang có “Gói cứu trợ COVID - chung tay vượt qua đại dịch” trị giá 1 triệu đồng. Nếu khách hàng đồng ý nhận thì nhấp vào đường link kèm theo để đăng ký.
Chị Xuân liên hệ đến ví điện tử Momo tìm hiểu thì biết tin nhắn trên là giả mạo. Nhiều số thuê bao cũng nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng lớn nhằm lừa gạt, như “tài khoản khách hàng đã bị khóa”, “đang tiêu dùng một khoản tiền tại nước ngoài”, “thanh toán hộ khoản vay”, “các bước để được hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi”... và đề nghị nhấp vào các đường link kèm theo như http://www.vn-acbbank.cc, http://www.vn-acbibank.cc, http://www.vnvietcombank.cc…
Về những tin nhắn “rác” này, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo cũng thường xuyên thay đổi nội dung tin nhắn và gắn với các sự kiện thời sự như dịch bệnh, khiến nhiều người mất cảnh giác bấm vào các đường link, thực hiện theo các yêu cầu, dẫn đến bị chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản trong tài khoản ngân hàng.
Người dân phải tự chặn tin nhắn rác
Đại diện mạng Vinaphone cho biết, thời gian qua đã áp dụng nhiều công nghệ để chặn tin nhắn và cuộc gọi “rác”. Tuy nhiên, những tin nhắn qua iMessage (là dịch vụ của iPhone) không qua mạng của Vinaphone nên không chặn được. Tương tự, mạng Mobifone cũng không thể can thiệp với những tin nhắn này.
Với dạng tin nhắn iMessage, nhà mạng cho biết, khách hàng có thể phản ánh đến nhà cung cấp dịch vụ từ thiết bị đầu cuối của mình. Ví dụ, trong cuộc hội thoại tin nhắn, khách hãy chạm vào tên hoặc số ở đầu cuộc hội thoại, sau đó chọn vào phần thông tin, rồi chọn chặn người gọi. Hoặc khách có thể vào phần cài đặt -> vào tính năng tin nhắn -> cập nhật số điện thoại vào “danh sách đen” để không nhận.
Riêng với tin nhắn “rác” từ các thuê bao 0928 644 018, 0589 755 372 mà chị Trang phản ánh ở trên, Vinaphone cho biết đã được VNPT đưa vào danh sách để chặn. Theo Vinaphone, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập đầu số 5656 để tiếp nhận phản ánh tin nhắn và cuộc gọi “rác” (nhắn tin miễn phí, theo hướng dẫn ở cuối bài) từ người dân và để các nhà mạng chia sẻ thông tin về các thuê bao phát tán tin “rác”. Khách hàng cũng có thể thông tin qua website thongbaorac.ais.gov.vn. Nếu không muốn nhận tin nhắn quảng cáo, khách hàng có thể soạn tin theo cú pháp “DK DNC gửi 5656”.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena, cho rằng tin nhắn “rác” không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện, các nhà mạng đều đã triển khai nhiều hệ thống công nghệ để ngăn chặn tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”, song kết quả chặn “rác” cũng chỉ 90-95%.
Đại diện Vinaphone hướng dẫn cách chặn tin nhắn “rác” qua đầu số 5656. Cú pháp này áp dụng được cho tất cả nhà mạng. * Cú pháp phản ánh cuộc gọi rác: [nguồn phát tán][nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656, hoặc: (nguồn phát tán)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656. Ví dụ: (0985931054)(Cuộc gọi quảng cáo giới thiệu sản phẩm dịch vụ) gửi 5656. * Cú pháp phản ánh tin nhắn rác: [nguồn phát tán][nội dung sms rác] gửi 5656, hoặc: (nguồn phát tán)(nội dung sms rác) gửi 5656. Ví dụ: (0985931054)(Quang cao vay tien tin dung) gửi 5656. |
“Những dạng tin nhắn định danh (brandname) giả mạo thương hiệu ngân hàng, viễn thông, ví điện tử… đều được phát tán qua các thiết bị phát sóng giả mạo có nguồn gốc từ nước ngoài, các đối tượng lừa đảo có thể thay đổi đầu số điện thoại, số điện thoại, tên định danh nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Khi nhận được những tin nhắn dạng này, khách phải hết sức cẩn thận, không được bấm vào các đường link gửi kèm. Trong trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu thì nên thực hiện các biện pháp khẩn cấp như khóa dịch vụ trên kênh trực tuyến, đổi mật khẩu đã cung cấp cho kẻ gian, gọi điện cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để trình báo vụ việc” - ông Võ Đỗ Thắng thông tin.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến hết tháng 6/2021, sau 11 tháng triển khai giải pháp chặn cuộc gọi “rác”, tin nhắn “rác”, các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 181.000 thuê bao phát tán cuộc gọi “rác” với 56,65 triệu cuộc gọi giả mạo. Số người phàn nàn về tin nhắn “rác” giảm gần 70%, số cuộc gọi “rác” giảm 32%. |
Thanh Hoa