Chồng tiêu tiền không buồn nghĩ tới vợ con

22/03/2023 - 10:48

PNO - Hình như tiền trong túi chồng Thu có chân, hễ anh có đồng nào, chúng phải tìm cách chạy đi bằng hết.

Xuất phát điểm là bạn học của nhau, đến khi cưới, về ở chung nhà, tình cảm giữa Thu và Tiến ngày càng tiến triển theo chiều hướng tích cực. Không những luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau mà sâu xa mỗi người còn thấu hiểu tận chân tơ kẽ tóc những những thói quen về cách ứng xử hàng ngày cùng những quan điểm, cách tư duy trong từng vấn đề trọng đại.

Có lần Thu bộc bạch: “So với mặt bằng chung, Tiến nhà mình khá ổn. Ảnh chăm chỉ, tốt bụng, hiểu biết rộng và rất yêu trẻ con. Bọn mình bằng tuổi nhau nên trong cuộc sống thường nhật cũng không có gì mâu thuẫn, khó chịu”. 

Nghe bạn tâm sự, tôi cũng mừng cho bạn, vậy mà trong những tháng gần đây, mỗi lần gặp, Thu lại thay đổi thái độ, thường xuyên than vãn, chê bai chồng.

Tình cảm vợ chồng bạn rạn nứt vì mâu thuẫn chuyện chi tiêu ( Ảnh minh họa)
Tình cảm vợ chồng bạn rạn nứt vì mâu thuẫn chuyện chi tiêu (Ảnh minh họa)

Để nói về nguồn cơn của những nỗi chán chường, mệt mỏi của Thu hiện tại, trước hết cần nhắc đến cách vận hành, chi xài tiền bạc khá đặc biệt ở nhà bạn.

Nếu ở gia đình khác, chồng đi làm, lương tháng bao nhiêu sẽ đem về nộp hết cho vợ, từ đó người vợ tự cân đối chi tiêu, thì ở nhà Thu lại khác. Cô không nài ép chồng phải công khai thu nhập, cũng không ôm đồm quán xuyến mọi đầu mối thu vào chi ra như nhiều người phụ nữ khác. Hai vợ chồng sau khi bàn bạc đã đi đến thống nhất: Mỗi người chia đôi 50/50 nghĩa vụ và trách nhiệm.

Cụ thể, Thu lo tiền chợ, tiền học và sinh hoạt phí của đứa con trai đang học lớp Một. Còn Tiến sẽ chi trả những hóa đơn điện, nước, phí dịch vụ trong tháng và tiền học cho cô con gái đang học mầm non.

Mọi chuyện êm xuôi, suôn sẻ trong một khoảng thời gian đầu thực hiện kế hoạch. Thế nhưng gần đây, Tiến thường xuyên mượn tiền vợ để chi xài. Tệ hơn, anh còn bảo vợ thuận tình cung cấp thông tin cá nhân để anh thực hiện một gói vay online ưu đãi.

Anh đi làm có lương, tại sao lại phải vay nợ? Anh chi xài vào những khoản gì?” - Thu chất vấn.

“Thì em cứ hỗ trợ anh lần này đi, anh nợ thì anh trả, không để phiền đến em là được chứ gì?” - Tiến trả lời.

Đến nước này, Thu nghiêm túc rà soát lại mọi việc. Chồng cô công việc ổn định, thu nhập tốt, các khoản chi ra cũng không đến nỗi quá nặng nề thế nhưng tại sao cứ đến tháng lại thiếu trước hụt sau?

Cô nhận ra, bên cạnh những ưu điểm vốn có thì tính tình Tiến khá trẻ con, quen sướng chứ không quen khổ, nhất là trong chuyện tiêu tiền.

Từ hồi sinh viên, Tiến vốn dĩ là anh chàng hào hiệp, ga lăng. Sau này, khi cả hai đi làm, công khai hẹn hò, cô luôn có cảm giác anh không biết cách quản lý đồng tiền. Mỗi khi tin nhắn báo có lương, anh luôn tìm ra lý do để tiêu. Khi thì mua áo quần, giày dép, cây cảnh, khi khác lại đặt hàng điện tử qua mạng, khi khác nữa lại xếp lịch để tụ tập, bù khú cùng bạn bè.

Có con, cách chi tiêu của Tiến cũng không hề thay đổi. Anh thường xuyên dẫn con đi nhà sách, mua đồ chơi đắt tiền cho các con. Một cái rubik bé xíu có giá vài trăm ngàn, hay bộ sưu tập khủng long tiền triệu. Nhìn cách Tiến xuống tiền, Thu nhiều lần chóng mặt, hoa mắt.

Cô đưa ra kế hoạch mỗi người ai tự tiêu tiền người ấy, tự phân công nghĩa vụ rõ ràng cũng là vì hy vọng anh sẽ trưởng thành, thay đổi. Cô nghĩ, khi đặt những trách nhiệm cụ thể lên vai thì Tiến sẽ biết cách cân nhắc, đo đếm, dè sẻn. Nào ngờ, vẫn ngựa quen đường cũ, có đồng nào Tiến xào hết đồng đấy, lại còn thiếu hụt, vay nợ.

Không biết cách tiêu tiền cũng nguy hiểm, mệt mỏi không kém gì việc không có tiền ( Ảnh minh họa)
Không biết cách tiêu tiền cũng nguy hiểm, mệt mỏi không kém gì việc không có tiền (Ảnh minh họa)

Thu hỏi tôi: “Bây giờ, mình phải làm sao, liệu quay về cách truyền thống, chồng đi làm về, cứ nộp hết lương cho vợ, rồi vợ trích ra một ít cho chồng chi xài cá nhân thì có ổn?”.

“Vẫn không ổn, vì rắc rối không nằm ở việc chồng bạn có bao nhiêu tiền, rắc rối nằm ở cách chồng bạn tiêu tiền. Nếu bạn đưa không đủ cho Tiến thì cậu ấy vẫn đi vay nợ để xài. Dù có tiền núi, nhưng nếu không biết cách tiết chế nhu cầu, học tập và rèn luyện cách chi tiêu thì tất cả sẽ bốc hơi không dấu vết. Đấy là chưa kể, cuộc sống không phải lúc nào cũng yên ổn, chỉ cần chi  xài những khoản đã lập trình. Vợ chồng cần phải có sự góp nhặt, tích lũy để tích cốc phòng cơ”. Tôi nói thêm một hơi dài với Thu.

Tuy nhiên, giả sử tôi có một người chồng lúc nào cũng tiêu tiền theo kiểu vung tay quá trán, hễ tiền về trong túi là đứng ngồi không yên, phải tìm cách tiêu bằng hết như Tiến thì tôi cũng rất chán chường, bế tắc và mệt mỏi.

Theo bạn, làm sao để dạy chồng cách tiêu tiền?

Minh Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI