Chồng thích "tạt nước" vào mặt vợ

12/11/2022 - 05:09

PNO - Chị tâm sự với vài người bạn, họ kết luận đàn ông đều như thế, nếu hy vọng hay tiếc nuối ngày xưa sẽ càng thêm thất vọng.

 

Nhớ lại những ngày con còn nhỏ, chị càng hụt hẫng vì sự vô tâm của chồng. Ảnh minh họa
Nhớ lại những ngày con còn nhỏ, chị càng hụt hẫng vì sự vô tâm của chồng - Ảnh minh họa

Trời mưa tầm tã, chị vất vả lắm mới chạy xe về được đến nhà. Vào đến cổng, thấy anh đứng ở cửa, chị tưởng chồng sẽ ra phụ dắt xe và xách dùm cái cặp nặng trĩu. Nhưng không, anh đứng nhìn như thế rồi nói: “Mưa to quá, em đi đón con luôn đi” và trở lại ghế, thản nhiên ngồi xem tivi.

Lúc đó, chị thấy tim nhói lên, cảm giác tủi thân xen lẫn tức tối cuồn cuộn trong lòng.

Chị đi làm cách nhà gần 20 km, đi xe máy quãng đường đó trong cảnh mưa gió với đôi mắt cận đeo kính dày chẳng dễ dàng gì. Dù mang hai cái áo mưa, nhưng lần nào về đến nhà người chị cũng ướt sũng nước, mệt rã rời.

Nếu lúc đó anh hỏi han vợ một câu, chắc nỗi mệt nhọc của chị vơi đi rất nhiều. Nhưng lần nào cũng vậy, anh chỉ "quăng ra một cục" vô tâm. Chị cảm nhận sự vô tâm của chồng lớn dần theo năm tháng, theo những đứa con của họ.

Đối với anh, chỉ cần đưa tiền về cho vợ là đủ, còn những việc khác của gia đình thuộc về bổn phận của chị. Người ngoài luôn khen chị có số nhờ chồng, kinh tế chẳng phải lo toan, cưới về đã có sẵn nhà cửa khang trang. Nhưng mấy ai thấu hiểu, nỗi buồn chồng vô tâm làm cuộc sống của chị trở nên mòn mỏi.

Chị nhớ, khi con còn nhỏ, có những đêm con út bị bệnh, vừa sốt vừa nôn ói, một mình chị loay hoay trong khi anh ngủ ngon lành ở phòng bên cạnh. Chị gọi chồng dậy giúp thì chỉ nhận tiếng càu nhàu: “Để yên cho anh ngủ, mai còn đi làm”. Tay bế con, nước mắt chị chảy dài.

Anh chuyển việc làm nơi xa nhà khi con gái đầu vào lớp Một, con trai út mới một tuổi. Mỗi tuần đều đặn anh đi từ thứ Hai đến tối thứ Sáu mới về. Chị cứ nghĩ cả tuần xa nhà, để một mình vợ xoay xở với hai đứa con, cuối tuần anh sẽ phụ một tay. Nhưng không, buổi sáng anh la cà quán cà phê, chiều lại ra quán nhậu cùng bạn bè. Anh về nhà mà như người khách, mặc chị bộn bề việc nhà, việc ở trường rồi chăm con.

Buồn nhất là những lúc chị đau ốm hay mệt mỏi vì áp lực công việc, chẳng biết nói cùng ai nên nhắn tin than thở với chồng. Tin nhắn gửi đi mà không được hồi đáp hoặc chỉ vài chữ qua loa: "Thì đi mua thuốc uống,” “Ai mà chẳng áp lực, em cứ quan trọng hóa vấn đề”...

Dần dà, chị chẳng còn muốn nói chuyện cùng chồng nữa, vì không được an ủi còn thêm buồn bực. Chị vẫn tự chăm sóc mình lúc ốm đau, nhưng điều chị cần là một lời quan tâm từ chồng. Với người đa cảm như chị, một câu nói vỗ về đúng lúc như một liều thuốc bổ.

Chị không biết mình đòi hỏi quá nhiều hay chồng
Chị không biết mình đòi hỏi quá nhiều hay cảm xúc của chồng đã cạn khô - Ảnh minh họa

Hồi trước, chị yêu anh vì cách nói chuyện nhẹ nhàng tình cảm, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Nhưng sau, những lời quan tâm ấy thưa dần thay bằng những câu nói cộc cằn, lạnh lùng.

Chị tâm sự với vài người bạn, thì họ kết luận, đàn ông đều như thế, cứ hy vọng hay tiếc nuối ngày xưa sẽ càng thất vọng. Lời khuyên dành cho chị luôn là phải biết sống cho mình, đừng để ý tới chồng làm gì cho nhọc thân.

Chị đã từng cố gắng như thế, nhưng không được, bởi chị sống thiên về cảm xúc. Chị nghĩ, vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu, sao lại tới lúc chỉ sống cùng nhau vì ràng buộc nghĩa vụ? Tình cảm vợ chồng sẽ nhạt nhòa theo năm tháng nếu cứ mạnh ai người ấy sống.

Có lần, chị nói hết với chồng những mong muốn của mình, hy vọng anh sẽ thay đổi, sẻ chia cùng vợ. Chị đâu cần anh làm gì nhiều, chỉ muốn anh quét cái nhà, úp chén lên kệ hay rửa giùm mớ rau. Cuối tuần về, anh đón con sớm, nấu một bữa cơm cho cả nhà. Lúc mệt mỏi, đau bệnh, chị muốn được chồng hỏi han vỗ về.

Chị không cần chồng dạy dỗ lại: “Em năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Bớt mộng mơ đi được không?”. Những lời nói ấy như những cú tạt nước vào mặt, khiến chị hụt hẫng, thất vọng, những nỗi bức xúc cứ thế chất chồng...

Thúy Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI