Chống thất thoát, lãng phí với trụ sở công dôi dư

24/04/2025 - 12:34

PNO - Đây là lưu ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp bộ máy để chống tiêu cực, lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý sử dụng hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí với tài sản công dôi dư sau sáp nhập - ảnh: Media Quốc hội
Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý sử dụng hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí với tài sản công dôi dư sau sáp nhập - ảnh: Media Quốc hội

Sáng 24/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tính đến ngày 26/12/2024, số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước là 205.862 cơ sở; số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định là 62.739 cơ sở.

Ông nhận định, quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dẫn đến tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài thời gian. Số lượng các cơ sở nhà, đất của một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn.

Về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy (tính đến ngày 30/10/2024), số liệu chỉ ra, tại 63 tỉnh, thành phố tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện. Lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.

Năm 2025, để thực hành tiết kiệm, Chính phủ nhấn mạnh quản lý chặt chẽ việc huy động và sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước, vay để trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Chính phủ tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.

Chính phủ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá còn tình trạng lãng phí vi phạm tài nguyên đất. Việc xử lý cơ sở nhà đất, cơ sở dữ liệu về đất đai còn chậm, chưa đạt tiến độ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhắc lại 2 dự án chậm tiến độ là Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 (ở Hà Nam), điển hình cho sự lãng phí. Mới đây, Tổng bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ đạo thanh tra.

Ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần cụ thể hóa các giải pháp, trên cơ sở đó, rà soát lại các dự án chậm triển khai, vừa thực hành tiết kiệm, vừa chống lãng phí. Đồng thời, tháo gỡ cơ chế chính sách để dự án đi vào thực tiễn, khơi thông nguồn lực. Kinh nghiệm được ông nêu ra là cần thống kê lại các dự án bỏ không, yêu cầu thu hồi nếu không triển khai được ngay.

Một vấn đề khác được Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định lưu ý, là khi sắp xếp bộ máy, phải chống thất thoát trong lúc sáp nhập, chuyển đổi. “Nhất là trụ sở tài sản công dôi dư phải chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đưa vào sử dụng cho hiệu quả. Việc này cần phải tập trung trong thời gian tới” - ông Nguyễn Khắc Định nói.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI