Chồng thất nghiệp tuổi trung niên

01/04/2025 - 06:05

PNO - Thấy chồng nghỉ việc đã tròn 2 tháng nhưng vẫn tỉnh rụi, chưa lo lắng gì, chị Quỳnh quyết định… bàn giao vài thứ cho anh.

Bao nhiêu năm đi làm, đây là lần đầu anh Thắng thất nghiệp. Ra trường, anh là một trong những sinh viên giỏi nhất, nhanh chóng được đón chào vào làm tại một công ty lớn. Trải qua 2 lần chuyển việc, anh an ổn với mức lương tốt, một chức vụ ổn định, vợ con đuề huề.

Nhưng mọi chuyện chẳng êm đẹp mãi, anh bị giám đốc cho nghỉ, lý do là anh bị kỷ luật. Lỗi không quá lớn, nhưng anh cũng chẳng còn thiết tha gì việc bị sếp cứ khó dễ hết lần này đến lần khác. Công ty hiện tại toàn người trẻ, dễ nghe lời, những nhân sự trung niên như anh bị gắn mác “khó phối hợp”.

Khi sếp nói thẳng về chuyện "nếu không thích làm nữa thì cứ nghỉ", anh Thắng tự ái, làm đơn xin nghỉ ngay. Ban đầu anh tính xả hơi một thời gian. Chị Quỳnh - vợ anh cũng biết chồng đang chán nản nên luôn động viên.

Tuần đầu, anh Thắng về quê thăm họ hàng, mấy khi có dịp rộng rãi thời gian như thế. Sang tuần thứ hai, anh đi du lịch với đám bạn chí cốt. Bao năm nay, chuyến nào họ du hí cùng nhau, anh cũng vắng mặt, giờ thì có thể lai rai lon bia, nói chuyện thời trẻ.

Thời gian đầu nghỉ việc, anh đắm chìm trong chơi game, bạn bè (Ảnh: Pexels)

Thời gian đầu nghỉ việc, anh đắm chìm chơi game, mải mê bạn bè - Ảnh minh họa: Pexels

Tròn 2 tháng, chị Quỳnh vẫn thấy chồng chẳng có ý định chỉnh sửa hồ sơ, kiếm nơi làm việc mới. Khi ngồi ăn cơm nói chuyện thì anh gạt phắt: “Anh muốn kiếm chẳng khó gì, tầm tuổi này anh có mối quan hệ nhiều, quan trọng là tìm một chỗ gắn bó lâu dài, chứ đi làm sớm rồi lại nhảy việc thì chỉ mất thời gian. Cùng lắm thì anh... khởi nghiệp”.

Chị Quỳnh nghe cũng có lý, nên không vặn vẹo gì thêm. Nhưng rồi ngày ngày đi làm về chị vẫn thấy chồng tỉnh bơ xem phim, bóng đá hoặc đánh nốt trận game, chẳng có dấu hiệu gì là chủ động đi gặp các mối quan hệ như anh nói; càng không thấy anh nghiên cứu kinh doanh, làm ăn.

Thấy tiền tiết kiệm trong nhà cứ vơi dần, con cái thì đang tuổi ăn tuổi học, chị Quỳnh suốt ruột đề cập chuyện đi làm. Anh Thắng vẫn kiếm vài lý do khó khăn để vợ bớt hỏi.

Bực quá, chị Quỳnh quyết định giao việc cho chồng. Chị lên danh sách các việc cần làm trong ngày, từ đưa đón con, đi chợ, nấu nướng, giao hàng phụ vợ, kho hàng hóa mà chị đang bán buôn… chuyển giao hết cho anh Thắng. Trước nay một mình chị làm hết, bây giờ anh tập làm từng thứ một. Nhiều hôm anh quên cả giờ đón con, chị vừa bực vừa xót, nhưng cố bình tĩnh. Vì chỉ cần chị nhúng tay vào làm thì anh sẽ lại phó mặc sự đời như trước.

Không thể an ủi mãi, chị quyết định giao việc cho chồng (Ảnh: Pexels)

Không thể an ủi mãi, chị quyết định giao việc cho chồng - Ảnh minh họa: Pexels

Được khoảng 1 tháng, chị thấy anh bắt đầu ngán cảnh lăng xăng việc vặt. Tối tối anh vào ngồi máy tính lại, mở vài chỗ tìm thông tin, e dè hỏi chị chỗ nọ lương thấp hơn có ổn không, chỗ kia hơi xa nhà, chỗ đó cần anh làm theo dự án…

Lúc này, chị thủ thỉ tâm tình, động viên anh. Nghĩ sâu xa thì anh Thắng đi làm bao năm, kỹ năng cũng ít cập nhật, giờ tìm việc cũng không thể nào cứ đòi lương cao, công việc dễ chịu. Chị muốn anh hiểu mình cần không ngừng cố gắng đi lên, hạ bớt cái tôi của mình xuống và sẵn sàng làm lại từ đầu, không ngồi loay hoay chờ may mắn đến gõ cửa.

Rồi ngày chị nhận tin vui cũng đến, anh báo rằng từ tuần sau anh chính thức đi làm, một công việc phù hợp với chuyên môn và sẽ giúp anh phát triển nhiều mặt. Tối đó chị mua vài món ngon, rủ chồng con cùng nấu nướng. Lâu lắm rồi cả nhà mới có lại không khí thoải mái như vậy. Giữa bữa ăn, chị cười sặc sụa khi nghe anh thừa nhận: “Thôi thà anh bị sếp giao việc còn hơn bị vợ giao việc, vừa cuống vừa phải báo cáo liên tục”.

Bọn trẻ cũng cười, đồng tình với ba, thi nhau kể xấu mẹ. Có mình chị Quỳnh tủm tỉm vừa nghe vừa gật gù. Chị biết mình đã đúng khi giúp chồng thoát khỏi những ngày chán chường, mất động lực. Chẳng có công việc nào là dễ dàng, nhất là khi ta đã trung niên...

Thùy Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI