Nếu đối với những cuộc hôn nhân đồng chủng, cả hai vợ chồng chỉ tập trung trọn vẹn đón một cái tết của dân tộc mình, thì ngược lại với những cuộc hôn nhân dị chủng vợ Việt - chồng Tây, người trong cuộc phải quan tâm chu toàn đến cái Tết cội nguồn dân tộc mình và cả Tết của cả đối phương nữa sao cho hài hòa hợp lý.
Hầu hết các cô dâu Việt theo chồng định cư ở trời Tây đã làm rất tốt công việc của một người vợ thích nghi với văn hóa và cái Tết của người bản địa - chiều 23 tết dương lịch trang trí cây thông Noel để đón Giáng sinh, biểu tượng ý nghĩa như trang trí cành đào mà người mẹ, người chị trước đây ở Việt Nam vẫn thường làm chiều 30 tết nguyên đán. Đêm Noel, những thành viên trong gia đình phương Tây gặp gỡ tán gẫu và tổ chức tiệc tùng. Các cô dâu Việt xắn tay làm bánh ngọt, nhồi bánh mì, nho khô, táo vào bụng gà tây và nướng bỏ lò, tổ chức lễ tiệc và cùng mẹ chồng, các chị em dâu, chị em chồng uống rượu vang trong bữa tiệc linh đình vui tràn cung mây.
|
Những cô dâu Việt ở trời Tây đã cố gắng hết sức làm tốt vai trò người vợ, người mẹ để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nguồn: Internet |
Nhưng ngược lại, các ông chồng Tây đối xử với cái tết cổ truyền ở quê hương vợ ra sao? Cho dù người vợ Việt đã rời xa quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của họ đã lâu, sát cánh cùng chồng ở phương trời xa lắc, nhưng chắc hẳn tận sâu trong tiềm thức mỗi phụ nữ Việt tha hương, có nỗi thổn thức và tủi phận khi tại quê nhà Việt Nam giờ mới là cái Tết cổ truyền ấm áp?
Chị Mai Hà lấy chồng Đức đã ba năm và hiện đang định cư tại đất nước sở tại theo diện bảo lãnh của chồng. Trước khi đến với người chồng Đức, chị đã qua một lần đò và có cô con gái năm nay tròn 10 tuổi. Vì những lý do liên quan đến thủ tục pháp lý giấy tờ, cháu vẫn chưa được bố dượng đón thành công sang Đức đoàn tụ.
Ba năm trời sinh sống trên đất Đức, vào dịp Tết Tây vui nhộn cùng người bản địa, chị Hà còn cảm thấy khuây khỏa phần nào. Nhưng vào Tết cổ truyền dân tộc, chị nhớ bố mẹ, nhớ con gái còn ở quê nhà quay quắt, cứ đi lại thất thần trong nhà như người mất hồn. Chồng chị, anh Timo, đoán được ý vợ nên năm ngoái 2017, vào dịp Tết cổ truyền, anh đã quyết định mua vé máy bay cho vợ về Việt Nam. Anh phải để vợ bay một mình vì lý do bất khả kháng, bận công tác. Chị biết anh đã rất cố gắng lo cho chị rồi nên không trách cứ gì thêm. Tết cổ truyền năm ngoái rơi vào ngày làm việc bình thường ở phương Tây, nhịp sống và cỗ máy xã hội bên đó vẫn hoạt động hết sức bình thường. Anh không thể ra ngoài guồng quay đó.
Vậy mà thật bất ngờ, đêm 30 Tết, cả gia đình chị Hà đang quây quần bên mâm cơm tất niên và xem táo quân trên truyền hình thì bỗng xuất hiện một vị khách đặc biệt. Taxi đỗ xịch trước cửa nhà và người bước xuống không ai khác chính là chàng rể Tây quý hóa. Các thành viên trong gia đình chị cảm động không nói nên lời. Timo giải thích, chuyến công tác kết thúc tốt đẹp và sớm hơn dự định là anh nhẩm tính lịch và tức tốc mua vé bay thẳng về Việt Nam ngay, để cùng đón một cái Tết cổ truyền ấm áp ngay chính tại quê hương vợ. Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng đó, anh cũng hứa với chị sẽ cố gắng hết sức trong năm mới đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục giấy tờ để bảo lãnh con riêng của chị sang Đức đoàn tụ. Và năm nay, chị đón Tết cổ truyền ở xứ người ấm áp hơn bội phần bởi con gái đã được sang ở với chị.
Còn với chị Thuận Minh quê Thanh Hóa, sang Pháp kết hôn và sinh sống với người chồng nước này đã 8 năm, đêm giao thừa tết nguyên đán năm nào chị cũng làm mâm cỗ tất niên cúng gia tiên. Chị theo đạo Phật, trong khi chồng lại theo Thiên chúa giáo, thế nhưng người chồng Pháp rất tâm lý, vẫn vui vẻ để vợ lập ban thờ trong nhà. Trước đây chị chỉ thờ tượng phật Quan âm, nhưng ba năm trước bố chị mất, chị đặt thêm ảnh thờ bố trên bàn thờ. Nhìn người vợ Việt đêm giao thừa tết cổ truyền năm nào cũng làm mâm cơm, lặng đứng trước bàn thờ khấn vái, anh chồng Pháp không khỏi xúc động và cũng thành kính khấn vái theo vợ.
Năm nay chị Thuận Minh đứng ra mở một tiệm làm móng nho nhỏ, gọi là lấy công làm lãi. Công việc bận rộn đến tận chiều 30 tết chị vẫn chưa xong khách để về. Anh chồng Pháp đoán biết tình hình, liền tranh thủ lúc tan sở là lái xe lên tiệm châu Á ở thành phố lớn để mua một cặp bánh chưng và ít gạo nếp để tối vợ thổi xôi làm mâm cỗ đêm giao thừa. "Người phương Tây không ăn đồ nếp, nhưng mua cho vợ để vợ hoàn thành thủ tục cúng gia tiên, và các con của mình cũng có cơ hội hình thành thói quen ăn đồ nếp qua những dịp lễ Tết thế này", anh tâm sự.
|
Nhịp sống thường ngày bận rộn nhưng người phụ nữ Việt ở trời tây vẫn cố gắng làm mâm cỗ hướng về đêm giao thừa tết cổ truyền dân tộc. Nguồn Internet |
Không chu đáo được như chồng chị Mai Hà, chị Thuận Minh, chồng chị Khánh người Đức còn "quên" cả Tết cổ truyền quê vợ. 6 giờ tối thứ năm, thấy vợ đi đi lại lại trong phòng, tâm trạng thấp thỏm, anh mới gặng hỏi vợ. Chị vợ được chồng gãi đúng chỗ ngứa, mặt mũi sáng rực mới hỏi chồng "đố anh biết hôm nay là ngày gì?" - "thì hôm nay thứ năm, còn 1 ngày làm việc cuối cùng nữa là anh được ngủ nướng hai ngày cuối tuần đến 10 giờ sáng mà không ai làm phiền". Chị vợ òa khóc trước câu trả lời vô tư lự của chồng: "Hôm nay là 30 Tết Việt Nam đó anh biết không. Bây giờ 6 giờ tối bên mình đang là 12 giờ đêm giao thừa bên nhà bố mẹ em ở Việt Nam đó. Múi giờ lệch nhau 6 tiếng anh quên rồi sao?".
Anh chồng Đức quý hóa của chị sau phút ngẩn tò te mới tá hỏa dỗ dành. Rồi anh mới chữa thẹn với vợ: "Đến cả sinh nhật anh và sinh nhật em, anh còn không nhớ nữa là. Giờ cũng đã tối muộn rồi, chẳng mua bán được gì, nhưng có một cách là anh lái xe đưa em đi nhà hàng Việt trên phố nhé. Lên đó gặp người Việt, nói tiếng Việt và ăn đồ Việt, chắc chắn em sẽ khuây khỏa đi nhiều". Chị vợ cũng gật đầu đi thay đồ nhưng vẫn không kiềm được giọt nước mắt tủi thân trước anh chồng quá vô tâm nhưng được cái tốt nết.
"Có qua có lại mới toại lòng nhau", những cô dâu Việt ở trời Tây đã cố gắng hết mình để làm trọn vai trò làm vợ làm mẹ trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, vậy nên sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ cũng như sốc văn hóa trong những buổi đầu khó khăn. Ngày Tết cổ truyền dân tộc, chỉ một hành động quan tâm nho nhỏ của chồng Tây cũng đủ để sưởi ấm tâm hồn người phụ nữ tha hương. Đó còn là cả nghệ thuật sống chung đối với hai cá thể khi xuất phát điểm cũng như nền văn hóa, tôn giáo hoàn toàn khác biệt đang trong quá trình hòa hợp và tìm tiếng nói chung.
Minh Anh (từ Đức)