|
Họ "chốt" đám cưới trong tình huống rất kịch tính |
Cặp đôi Vũ Xuân Tân (1987) và Lê Duy Linh (1989) vừa kỷ niệm 5 năm ngày cưới. Họ đã trải qua thời gian để tiết chế và hòa hợp, xây dựng nền tảng và để thử thách, chứng minh bản thân.
Bất ngờ "chốt" ngày cưới
Bạn đừng nghĩ có một lời yêu nào ở đây, câu chuyện của Linh và Tân bắt đầu từ một… drama (tình huống kịch tính).
Linh mới chia tay người bạn trai đã yêu nhau 5 năm, bạn trai ấy là bạn của Tân. Theo dõi trên Facebook thấy bạn mình vật vã than thở, Tân xót ruột và nổi máu anh hùng nên inbox định “hạch tội” xem: “Em làm gì khiến thằng bạn anh khổ sở như thế?”.
|
Với Tân và Linh, bữa cơm gia đình rất quan trọng nhưng không nhất thiết ngày nào cũng phải nấu ăn |
Linh kể, bạn trai cũ “có vấn đề”, nhưng lần nào chia tay cũng than thở như thể anh ta là nạn nhân. Lúc ấy, có rất nhiều lời inbox hỏi thăm, nhưng Linh không muốn giải thích, cũng để tránh mang tiếng nói xấu người cũ. Tuy nhiên, vì phải nín nhịn và quá nhiều người hỏi han nên Linh ức chế. Ngay lúc Tân hỏi thì Linh tức nước vỡ bờ, xả hết uất ức. Từ đó, Tân hiểu Linh hơn, còn Linh được “tâm sự cùng người lạ” nên thấy được giải tỏa, hai người nói chuyện nhiều hơn mỗi ngày và dần dà thích nhau.
Thời gian đó Tân đã rời TPHCM về sống ở Hà Nội và vừa trải qua đợt mổ nối dây chằng lần hai. Anh có cảm giác dường như những thứ xung quanh mình không còn như xưa. Trước đây Tân sống vì bạn bè và những cuộc vui miên man, nhưng đến khi gặp vấn đề về sức khỏe, cần sự ấm áp bạn bè thì thiếu vắng. Tân nhận ra, chỉ cha mẹ mới luôn bên mình.
Lúc đó, Tân nhớ đến Linh và nói chuyện với Linh, hiểu rằng đây là cô gái điềm đạm, trưởng thành và luôn đặt tình thân, gia đình lên trên hết. Đó là điều Tân “tâm đắc” về cô bạn gái mới quen. Nhưng phía Linh thì nghĩ: “Người ta nói thì mình nghe thôi chứ không tin lắm, vì cảm giác trai Hà Nội khéo nói, giỏi xã giao”.
Nói chuyện trên mạng được hai tháng thì Tân vào TPHCM thăm Linh. Hai tháng sau Tân chuyển công tác từ Hà Nội vào TPHCM sống, tính chuyện mua nhà để ổn định. Sau khi mua nhà, bố của Tân vào TPHCM công tác muốn đến thăm gia đình bạn gái của con. Linh nghĩ đó chỉ là chuyến thăm nhà thôi, không ngờ hai bên định luôn ngày dạm ngõ, ngày cưới.
|
Họ có một thời gian yêu xa trước khi về gần nhau |
Bất ngờ chuyển nghề
Tân là nhân viên ngân hàng, công việc vạn người mơ. Vậy mà gần đám cưới Tân nghỉ việc. Đang rảnh rỗi, Tân muốn tự đóng đồ nội thất cho căn nhà mới của hai vợ chồng. Tự mày mò đóng giường tủ và những đồ nhỏ nhỏ trong nhà, Tân thấy thích, thế là anh quyết định tìm hiểu tự học nghề, thực hành và “lên tay” từng ngày.
Hỏi Linh nghĩ gì khi chồng rẽ ngang sang một cái nghề mà không có kinh nghiệm, không có thu nhập và cũng không biết tương lai như thế nào, Linh nói: “Anh Tân tính rất thẳng. Đi làm không như ý là anh sẽ nghỉ việc chứ không chịu đựng và thỏa hiệp. Tôi nói với anh, nếu chuyển qua ngành mộc thì anh phải gắn bó ít nhất ba năm. Em lên kế hoạch, trong ba năm đó em sẽ lo kinh tế cho gia đình và hỗ trợ anh. Sau ba năm nếu anh không tự lo cho anh được thì em sẽ dừng lại. Sau đó, hơn cả sự mong đợi của vợ, anh chứng minh được rằng anh rất đam mê nghề mộc, sáng tạo và những sản phẩm làm ra rất đẹp. Phản hồi của khách hàng rất tốt”.
Tân cho biết, vì anh chưa có kinh nghiệm với nghề mộc cũng chưa từng học nghề thợ mộc, chưa từng tiếp xúc với các bản vẽ… nên phải cố gắng rất nhiều. Tân học ở các clip đóng đồ nội thất của nước ngoài, tham gia các diễn đàn, rồi tự học cách vẽ sản phẩm 2D, 3D, tự mày mò kết cấu của sản phẩm…
Khách hàng của Tân ban đầu là người quen, bạn bè của vợ chồng, họ có sự đồng điệu với Tân, thích sự tiện ích và sáng tạo, bay bổng của mỗi sản phẩm nên họ đặt hàng và sẵn sàng đợi Tân thực hiện. Dần dần, Tân có nhiều khách hơn, chủ yếu là khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới.
Linh nhớ lại: “Hồi đó, anh Tân ao ước có cái máy cưa cắt góc, nên tôi tặng để động viên. Vợ chồng cùng đi mua, ảnh chở máy về mà vui như trẻ con, vừa chạy xe vừa hát rộn ràng”.
Sau 5 năm nhìn lại, từ xưởng mộc bé xíu, bây giờ xưởng lớn hơn gấp 5 lần và có đầy đủ máy móc hỗ trợ, có thêm thợ phụ, đồ mộc của Tân có thương hiệu đàng hoàng - Tan Heart Craft. Tân cho biết, khi hoàn thành một sản phẩm dựa trên yêu cầu của khách hàng cảm giác hân hoan như vừa giải được một bài toán khó. Công việc này nhiều thử thách nhưng cũng mang lại cho Tân niềm vui.
|
Gia đình nhỏ của Tân và Linh luôn rộn tiếng nói cười |
“Lên chức bố"
Ban đầu, Linh dự định là sau ba năm mới có con, bởi vì cô biết có thêm một thành viên là sẽ thêm áp lực kinh tế nhưng sau một năm quan sát thấy chồng rất nghiêm túc với nghề mới và có trách nhiệm với gia đình nên Linh thay đổi kế hoạch, quyết định sinh con sớm.
Linh đưa ra thử thách, đầu tiên chồng phải kiếm tiền mua bảo hiểm thai kỳ cho vợ, sau đó thì phân công: Những cái gì liên quan đến máy móc, thiết bị phục vụ cho bé thì chồng sẽ tìm hiểu và chủ chi, còn những gì thuộc về quần áo, sữa tã thì vợ phụ trách.
Mặc dù thời điểm đó Tân chưa nhiều đơn hàng nhưng vẫn cố gắng kiếm tiền và tiết kiệm để mua sắm máy móc cần thiết để phục vụ cho em bé như máy hút sữa, tủ đông trữ sữa…
Vợ đưa ra kế hoạch gì chồng sẽ từng bước thực hiện hết nên vợ cảm thấy yên tâm. Sau 5 năm khởi nghiệp, nay Tân không chỉ có xưởng, có thương hiệu mà đã có thể lo học phí cho con gái ở trường mẫu giáo quốc tế.
Bữa cơm gia đình là quan trọng nhưng không cần phải chăm chăm nấu ăn | Cô con gái nhỏ lí lắc và cá tính |
Phóng viên: Hai vợ chồng rất khác nhau, một người tùy hứng sống bên cạnh một người làm việc gì cũng có kế hoạch chắc hẳn sẽ bị áp lực? Vũ Xuân Tân: Vợ chồng tôi có cảm nhận về mọi việc giống nhau nên thường các kế hoạch vợ đưa ra cũng phù hợp ý tôi, hoặc điều chỉnh một chút là được. * Nhưng cuộc sống có phải bao giờ cũng diễn ra theo đúng kế hoạch đâu! Lê Duy Linh: Chắc chắn là vậy, nhưng tôi có kế hoạch để giảm thiểu rủi ro về mặt tâm lý càng nhiều càng tốt. Vì trước đây tôi sống cảm xúc quá nên hay rơi vào những khoảnh khắc tưởng như không chịu đựng nổi. Vũ Xuân Tân: Có kế hoạch và chuẩn bị tâm lý thì mọi việc dễ dàng hơn. Ví dụ như dạo tôi mới làm mộc, vợ không hề gây áp lực bởi đã đưa ra kế hoạch cho chồng “ba năm tung tẩy” rồi. * Những năm đầu có lúc nào anh nản lòng, muốn bỏ cuộc không? Vũ Xuân Tân: Có lúc tôi làm ra sản phẩm nhưng không đúng như mong muốn của mình, cũng không biết khách hàng có thật sự hài lòng không. Tôi hoang mang và xuống tinh thần, nhưng lỡ hứa với vợ phải theo đuổi trong ba năm nên cố gắng vượt qua. * Theo hai bạn thì gia đình mình đang xây dựng là gia đình truyền thống hay hiện đại? Lê Duy Linh: Tôi nghĩ là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Tôi thích con cái được sống gần ông bà, nhận được tình cảm và sự dạy dỗ của ông bà, thừa hưởng những giá trị truyền thống tốt đẹp. Truyền thống gắn kết tình cảm các thế hệ trong gia đình và cũng nuôi dưỡng tình cảm tốt hơn. Ngày lễ ngày tết vợ chồng tôi thích trang trí mâm cỗ, bàn thờ, trang trí nhà cửa đẹp và cầu kỳ. Vũ Xuân Tân: Tôi cũng không cứng nhắc. Tôi nghĩ, giữ cho mình có được tinh thần thoải mái, đó là hiện đại. Tôi hay đi ra ngoài nhiều để biết ngoài kia có gì hay, có gì mới, có cái nào đẹp… Bữa cơm gia đình rất quan trọng nhưng không nhất thiết ngày nào cũng phải chăm chăm nấu ăn. | Thoải mái là tiêu chí họ xem trọng hàng đầu |
|
Bài: Nguyệt Phạm
Ảnh: Nhân vật cung cấp