Chồng sống trong sợ hãi?

17/06/2021 - 10:51

PNO - Người ta nói, COVID-19 là một phép thử khốc liệt về ý chí sinh tồn của con người. Phải chăng, phép thử này đang có kết quả ở gia đình em?

Chào chị Hạnh Dung,

Trên mạng xã hội lan truyền câu nói: “Mùa COVID-19, những người có tiền sẽ ở nhà hưởng thụ, gọi là sống chậm. Những người không có tiền, gọi là chết chậm”. Và vợ chồng em thuộc nhóm người “chết chậm” chị ạ.

Tháng 5/2021, khi COVID-19 quay lại, công ty tạm ngưng hoạt động, vợ chồng em thất nghiệp. Xung đột diễn ra khi em đề nghị chồng cùng kiếm tiền.

Bố mẹ chồng em có một trang trại rau sạch. Cách đây vài năm, bố đã gợi ý vợ chồng em kinh doanh mặt hàng này, nhưng anh không hào hứng. Khi ấy chúng em đều còn đi làm, nên việc đó cũng không thúc bách. Và hơn ai hết, em hiểu chồng mình đã quen làm công ăn lương, không dễ dứt ra khỏi công việc anh đang gắn bó.

Bây giờ tiền dành dụm vơi đi từng ngày. Trong khi anh lớn lên từ trang trại của bố mẹ nên rất hiểu về sản phẩm. Tụi em chỉ cần kinh doanh online, không tốn bất kỳ chi phí nào, kể cả vốn nhập hàng ban đầu. Thế nhưng anh vẫn sợ.

Phần vì căng thẳng vấn đề tài chính, phần thất vọng về chồng, em đã chiến tranh lạnh suốt hai tuần. Khi nỗ lực nói chuyện với em, chồng chỉ đưa ra lý do để không làm. Và chung quy vẫn là do anh sợ.

Người ta nói, COVID-19 là một phép thử khốc liệt về ý chí sinh tồn của con người. Phải chăng, phép thử này đang có kết quả ở gia đình em? Em đã cưới nhầm một người đàn ông không chút ý chí?

Bích Phương (Q.2, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bích Phương mến,

Dịch bệnh đang thử thách chúng ta, không chỉ về ý chí sinh tồn mà còn về khả năng gắn kết, thấu hiểu. COVID-19 đặt chúng ta vào cuộc sống chật vật hơn, nguy nan hơn, từ đó, ta dễ bị hút vào việc kỳ vọng, đòi hỏi rồi thất vọng, trách cứ người đồng hành.

Có thể em nói đúng, chồng em đang đối diện với thách thức về ý chí sinh tồn. Chồng em là người chỉ có kinh nghiệm làm công ăn lương, sau đó thôi việc để đi theo một cơ hội mới.

Nhưng, lần thay đổi này không thành do bất trắc dịch bệnh. Và rất có thể nỗi sợ trong chồng em đã nhân đôi lên sau lần thất bại. Dù “chẳng có gì để mất”, anh ấy vẫn có một nỗi lo lắng rất mơ hồ.

Vậy, thay vì tập trung phán xét sự yếu đuối của đối phương, ta hãy làm phần việc của người mạnh mẽ, sáng suốt.

Trước nhất, với chồng, em hãy xem anh ấy là một đồng đội tiềm năng, nhưng đang mắc kẹt trong sợ hãi. Với người sợ hãi, ta hãy cung cấp cho họ những thông tin cụ thể, chi tiết.

Em hãy lên một kế hoạch kinh doanh, trong đó liệt kê đầy đủ những gì cần chuẩn bị, những việc cần làm, những rủi ro, những phương án dự phòng với từng rủi ro đó, và cả những gì có thể mất nếu kinh doanh thất bại. Hãy viết nó ra để em và chồng cùng nhìn rõ.

Trong bản kế hoạch chi tiết, em nên đưa ra cả phương án rủi ro là không có chồng đồng hành. Nếu anh ấy “vẫn sợ”, em sẽ xử lý thế nào?

Em có thể vẫn làm nhưng với quy mô nhỏ hơn, tần suất rao hàng thấp hơn, số mặt hàng hạn chế hơn… Bằng cách này, em giúp chồng nhìn thấy quyết tâm của em - điều có thể truyền cảm hứng hiệu quả hơn rất nhiều so với việc thúc giục và xoáy vào nỗi sợ của anh ấy.

Trong giai đoạn đó, em nên “huy động” chồng vào những việc vốn là thế mạnh của anh ấy: chọn hàng, mô tả sản phẩm, kể những câu chuyện về sản phẩm… Nếu những tiềm năng em nhìn thấy là đúng, thì đây là một cách để dần dần giúp chồng tiếp cận với công việc mới một cách tự nhiên.

Điều quan trọng mà Hạnh Dung muốn gửi đến em là: thay vì tập trung vào nỗi sợ của chồng, em hãy tập trung vào quyết tâm của bản thân và tiềm năng của anh ấy. Một người có quyết tâm, một người có tiềm năng là cũng tạm đủ để bắt đầu. Chúc em thành công với phần việc của một “đồng đội” mạnh mẽ, quyết tâm!

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI