Chồng sống hai mặt

27/02/2018 - 17:00

PNO - Tôi năm nay vừa 40 tuổi, lấy chồng đã 16 năm. Chừng ấy thời gian chung sống, tôi ngày càng thấy ghê sợ chồng mình.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi năm nay vừa 40 tuổi, lấy chồng đã 16 năm. Chừng ấy thời gian chung sống, tôi ngày càng thấy ghê sợ chồng mình. Anh đối đãi với người ngoài rất nhẹ nhàng, tình cảm, nhưng cư xử với vợ con thô lỗ đến khó tin.

Chong song hai mat
Ảnh minh họa

Tuy không đánh vợ con, không cờ bạc hay trai gái, rượu chè, nhưng chuyện gì anh cũng vung nắm đấm lên đe dọa, sẵn sàng mày tao tục tĩu, mang cả cha mẹ ra để “cào nát mặt”. Ai đó đưa lại lợi lộc cho anh, dù nhỏ, là anh ngọt nhạt, lễ độ hết sức; nhưng chỉ cần hết giá trị lợi dụng, là anh trở mặt ngay - bạc bẽo kinh khủng. Đang mắng chửi vợ con như tát nước, mà có ai khác xuất hiện là chồng tôi lập tức “chuyển tông” ngay, như một diễn viên đại tài. Ban đầu tôi còn bất ngờ và thất vọng, sau chỉ thấy chai lỳ cảm xúc với người đàn ông tôi gọi là chồng.

Thiên hạ không biết thường khen mẹ con tôi tốt số. Anh còn rất chăm việc từ thiện để “làm đẹp” cho vị trí xã hội của mình, dẫu lúc đó gia đình thiếu đủ hay bận rộn thế nào cũng mặc. Tôi sống sao với một người như thế đây?

Võ Thị Ngọc (Đồng Nai)

Mến gửi chị Ngọc,

Hạnh Dung xin được chia sẻ nỗi niềm của chị, khi phải trải đời bên cạnh người chồng có khả năng “diễn sâu” đến vậy. Không ấm ức sao được khi bao nhiêu lịch sự, ân cần anh mang ra đường xài hết, còn “dùi đục chấm mắm cáy” thì “phang” vào vợ con. Nhưng đọc thư chị, Hạnh Dung vẫn có chút ngờ ngợ là, biết đâu anh không tới mức “hai mặt” như chị kết luận, mà có khi chỉ là thói quen xuề xòa của đàn ông với gia đình.

Chong song hai mat
Ảnh minh họa

Nhiều người ra ngoài hết sức nhũn nhặn, khiêm tốn, bởi quan niệm “đấy là người dưng”. Còn cha mẹ, vợ con nào phải ai xa lạ mà khách sáo, ta cứ hồn nhiên sống với bản chất thật của mình, nên tùy tiện, thiếu kiềm chế thành quen tính. Có lẽ ngay từ đầu chị đã không dám hoặc chẳng muốn bày tỏ nỗi ưu tư, nên anh cứ theo đà mà tiến tới, rồi chẳng có điểm dừng.

Đừng vội nâng quan điểm, cho rằng chồng sống hai mặt. Hơn ai hết, chị hiểu rõ chồng, rằng bản chất anh không nhiều thói tật. Hãy thủ thỉ vào những lúc anh vui, rằng chị đã tổn thương như thế nào, gia đình đã khổ sở ra sao mỗi khi anh không vừa lòng, bực tức. Hãy khéo léo sử dụng con vào công cuộc khuyên bố. Đừng chỉ trích, chớ khinh khi, mà chịu khó mật ngọt cùng chồng. Biết đâu, chồng chị sẽ giật mình mà nhận ra, bấy lâu chỉ là anh vô ý. Rồi sửa đổi dần.

Chị có lần nào ngọt nhạt với chồng, rằng gia đình mới là chỗ dựa, là bến bờ cuối cùng của mỗi người; để anh hiểu, những mối quan hệ xã giao ngoài kia làm sao so sánh được. Nếu chị chưa từng thử “cải tạo”, sao đã vội bỏ cuộc?

Chồng muốn giữ vỏ bọc xã hội cho bản thân và gia đình cũng là điều tốt. Cần thay đổi cái nhìn của mình dành cho chồng và đừng vội bỏ cuộc khi bản thân chưa cố gắng. Chớ châm dầu khi anh nóng giận. Hạnh Dung tin là mọi thứ đều có thể cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.

Hạnh Dung

Thư gởi Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI