Hiện tượng “sốc học đường” ở trẻ lớp Một
Từ ngày mai (21/8), các trường tiểu học tại TPHCM bắt đầu đón học sinh lớp Một đến trường, khởi động các hoạt động giáo dục cho năm học mới. Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - cảnh báo hiện tượng “sốc học đường” ở trẻ lớp Một.
“Nhiều trẻ ở mầm non nhanh nhẹn nhưng bước vào lớp Một lại trở nên nhút nhát. Nhiều trẻ ngày đầu đi học thì rất hăm hở nhưng hôm sau lại khóc nức nở không chịu đi học. Đây là dấu hiệu của việc trẻ bị căng thẳng do áp lực phải thay đổi môi trường từ mầm non sang tiểu học” - thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh nói.
|
Chuyên gia cảnh báo hiện tượng "sốc học đường" ở trẻ lớp Một trong giai đoạn đầu |
Chuyên gia này phân tích: hoạt động chủ đạo ở mầm non là vui chơi còn ở tiểu học là học tập, với những nội quy trường lớp... nhằm hình thành cho trẻ năng lực, phẩm chất, nền nếp. Cạnh đó, tính chất mối quan hệ giữa cô và trẻ ở tiểu học cũng thay đổi. Khi thói quen giao tiếp với các cô bị thay đổi, nhu cầu tình cảm bị giảm bớt trẻ sẽ nảy sinh sự thất vọng. Quan hệ bạn bè tiểu học cũng đa dạng, phức tạp hơn. Cùng với đó, rất nhiều quy định đặt ra như ngồi ngay ngắn, xếp hàng, giơ tay phát biểu, ra khỏi lớp xin phép... đều là mới mẻ và bỡ ngỡ với trẻ.
Để giúp trẻ thích nghi với những thay đổi này, chuyên gia gợi ý, phụ huynh phải chuẩn bị cho trẻ hiểu biết ban đầu về trường, lớp tiểu học và kỹ năng cơ bản để trẻ có thể học tập. Không nên so sánh trẻ với bạn bè mà cần phải hiểu tâm lý trẻ, cung cấp cho con hiểu biết về trường, lớp, qua những câu chuyện hàng ngày giúp khơi lên trong con niềm ham thích đến trường.
“Đồng hành cùng con vào lớp Một không phải là sự quan tâm lo lắng thái quá mà phụ huynh cần phải hiểu và nắm bắt triết lý giáo dục của nhà trường, không mang tâm lý trăm sự nhờ cô mà cần đặt mình vào vị trí của giáo viên để chia sẻ, hợp tác…”, bà Mai Mỹ Hạnh nhắn gửi.
Chỉ "dỗ" trẻ trong 2 tuần đầu
Tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1), để giúp trẻ lớp Một dễ dàng thích nghi với môi trường mới, ngày tựu trường trẻ được tặng những cây tò he dễ thương, giáo viên chủ nhiệm cũng chuẩn bị những món quà tặng trẻ làm quen.
Cô Bùi Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tổ chức họp cha mẹ học sinh khối Một ngay ngày đầu trẻ tựu trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, trao đổi để thống nhất công tác phối hợp trong việc dạy và chăm sóc trẻ, hỗ trợ trẻ học ở nhà; phổ biến nội quy nhà trường, tạo nền nếp, thói quen của trẻ ở lớp.
Hiệu trường này đánh giá, đối với trẻ mới vào lớp 1, hai tuần đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng để trẻ hòa nhập, thích nghi, háo hức với môi trường học tập mới. Trong thời gian này, nhà trường sẽ chỉ tổ chức các trò chơi, hoạt náo để giúp trẻ làm quen với trường, lớp, kết nối với bạn bè, thầy cô, giúp trẻ xóa tan cảm giác xa lạ ở môi trường mới.
“Những tuần đầu tiên cũng là những tuần mà giáo viên rất vất vả, thầy cô phải rất kỹ nắm bắt tâm lý, tính cách từng trẻ, năng lực, hoàn cảnh gia đình từng trẻ để có những cách thức tiếp cận khác nhau. Vì thế, giai đoạn đầu năm học trẻ cần nhất sự hỗ trợ, theo sát của phụ huynh, làm sao tạo niềm ham thích cho trẻ khi đến trường. Công tác trao đổi, liên lạc giữa phụ huynh với giáo viên trong giai đoạn này cũng có vai trò quan trọng giúp trẻ thích nghi, làm quen với môi trường mới” - cô Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.
|
2 tuần đầu trước khai giảng, trẻ lớp Một sẽ được vui chơi, hoạt động tại trường |
Tiến sĩ Dương Trần Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) - nhìn nhận, những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ trẻ chuyển giao tâm lý giữa 2 môi trường mầm non và tiểu học đã được chú trọng. Ngay từ mầm non, trẻ đã được tham gia vào các buổi làm quen ngôi trường tiểu học của em. Trường tiểu học cũng tổ chức ngày hội giới thiệu trường tiểu học đến phụ huynh học sinh trong quá trình tuyển sinh.
Dù vậy, theo ông, trong giai đoạn đầu chuyển giao giữa 2 môi trường sẽ vẫn mang đến những hẫng hụt nhất định với phụ huynh và trẻ. Những ngày đầu trẻ đến trường, tâm lý chung của phụ huynh là thường sợ con không quen, "ôm" con trong vòng tay quá kỹ. Nhiều phụ huynh đưa con đến trường và đứng ngoài cửa lớp, ngoài cổng trường dõi theo con suốt cả buổi. Chính tâm lý này sẽ ảnh hưởng đến việc hòa nhập của con ở môi trường mới, dẫn đến tâm lý trẻ luôn ngóng trông ba mẹ mà hạn chế tiếp cận môi trường và hòa nhập cùng bạn bè, thầy cô.
"Tâm lý chung của phụ huynh lớp Một là luôn lo lắng con chuyển từ giai đoạn vui chơi sang giai đoạn học tập thì con không theo kịp chương trình; lo lắng con không theo kịp bạn bè; sợ con chưa biết chữ trong khi bạn bè đã biết... Tuy nhiên, phụ huynh an tâm rằng trên nền tảng những gì trẻ đã có ở bậc mầm non, khi bước vào lớp Một sẽ được giáo viên tiếp tục phát triển trên năng lực của mỗi trẻ, từ đó đồng hành, tin tưởng nhà trường”- thầy Dương Trần Bình khuyên.
Hiệu trưởng này cho biết thêm, ngày đón trẻ lớp Một đến trường tới đây, trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhẹ nhàng, vui chơi để giúp trẻ không bỡ ngỡ ở môi trường mới. Thầy cô sẽ hóa trang thành những nhân vật hoạt hình để đón, tặng quà cho trẻ. Đặc biệt, trong suốt 2 tuần đầu trước khai giảng, trẻ sẽ chỉ tham gia vào các trò chơi, hoạt động để làm quen về ngôi trường mới, làm quen những người bạn mới, thầy cô mới. Giáo viên chủ nhiệm sẽ giới thiệu cho trẻ các vị trí, phòng, nơi mà trẻ sẽ tham gia học tập, sinh hoạt, tìm hiểu về hoạt động ở trường tiểu học thông qua một số trò chơi nhỏ... tạo tâm lý hứng khởi, thích thú cho trẻ khi đến trường.
Ông cũng khuyên phụ huynh trong 2 tuần đầu trước khai giảng nên cho trẻ cùng tham gia vào các hoạt động chuẩn bị cho năm học mới như cùng con chuẩn bị dụng cụ học tập, làm sao tạo tâm lý thoải mái, thích thú nhất cho con bước vào giai đoạn học chính thức với tâm lý sẵn sàng nhất.
Quốc Trung