Trong nhiều công trình trùng tu, cải tạo, người dân vẫn thường ngớ người trước diện mạo mới toanh của di sản. Nếu đội ngũ chuyên gia thực hiện không sai thì lỗi nằm ở việc ta đã không “chống sốc” cho dư luận.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng Unesco tại Việt Nam - nhận định như trên khi có nhiều công trình trùng tu đúng chuẩn lại bị đánh đồng là “phá hoại” di sản.
* Phóng viên: Sau mỗi công trình trùng tu, dư luận lại phản ứng dữ dội, gọi đó là “phá hoại” di sản. Có phải đội ngũ chuyên gia của ta năng lực quá yếu?
- Bà Phạm Thị Thanh Hường: Năng lực và kỹ thuật của Việt Nam đủ để thực hiện các công trình trùng tu. Ví như đội ngũ thực hiện công trình Chùa Cầu ở Hội An đã được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Bảo tồn di tích và Cục Di sản đánh giá về chuyên môn. Unesco cũng từng giám sát nhiều dự án do các chuyên gia Việt Nam phụ trách. Công trình trùng tu di tích Mỹ Sơn chẳng hạn, thời gian đầu, các chuyên gia từ Ý hay Pháp được Unesco mời về; nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều chuyên gia Việt Nam đã làm rất tốt.
|
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng Unesco tại Việt Nam |
* Nếu không phải vì năng lực yếu, vậy vấn đề là gì?
- Trước khi trùng tu một công trình, chúng ta phải lưu ý chống sốc cho dư luận. Đây là điều không được quan tâm đúng mực. Ví dụ Chùa Cầu - một biểu tượng du lịch, di sản của Hội An. Công trình gồm hai phần khác nhau, nhưng nếu nhìn bằng mắt thường, chúng ta sẽ không thấy những chắp vá ở phần dưới và nguy cơ mục ruỗng từ bên trong. Công trình nào cũng có tuổi thọ, nhưng người dân không nhìn thấy được điều đó và tưởng tượng xem, một ngày, Chùa Cầu đột ngột được hạ giải để trùng tu, chắc chắn người dân sẽ thấy sốc. Do đó, cần chuẩn bị tâm lý cho người dân, để họ hiểu được lý do vì sao cơ quan chức năng thực hiện.
* Nhiều công trình, sau trùng tu, có diện mạo hoàn toàn mới, thật khó thuận mắt?
- Ở góc độ chuyên môn, chúng ta không ngại. Nhưng người dân lại mặc định di sản là phải cũ, cổ nên sau trùng tu, thấy “mới” quá, họ sẽ hoài nghi. Dù Unesco từng trao bằng khen công trình bảo tồn hoàn hảo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho công trình trùng tu nhà cổ ở Hội An hoặc khen ngợi công trình chống mốc, chống rêu phong ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khen công trình trùng tu Ô Quan Chưởng (Hà Nội), không nhiều người biết điều đó.
Những trường hợp trùng tu, bảo tồn bị dư luận ý kiến đều là những công trình thiếu sự bảo trì liên tục nên khi loại bỏ hoàn toàn yếu tố ngoại lai như rêu phong thì sau khi bảo trì, sơn sửa, công trình có vẻ mới quá, nhìn bằng mắt thường khó chấp nhận được.
Điều tôi muốn nói ở đây là trách nhiệm của truyền thông và người quản lý di sản. Một trong những mục tiêu khi trùng tu di sản là không chỉ bảo tồn về mặt vật chất mà còn nâng cao nhận thức cho công chúng. Do đó, các đơn vị thực hiện phải có sự chia sẻ với dư luận trong suốt thời gian trùng tu.
* Tại Việt Nam, trùng tu và quản lý di sản đang có nhiều bất cập. Ý kiến của bà thế nào?
- Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có di sản văn hóa phong phú nhất và mức độ trân trọng di sản văn hóa của chúng ta rất cao. Nhưng nếu so sánh với Thái Lan- đối thủ luôn cạnh tranh về mức độ thu hút khách du dịch với chúng ta, việc thực thi pháp luật của họ rất nghiêm túc.
Hệ thống pháp luật của ta có nhiều nhưng lại chồng chéo. Đây cũng là điểm khuyến nghị mà Unesco đưa ra trong hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Bảy. Thứ hai, năng lực của cán bộ quản lý ở cấp địa phương còn yếu. Đôi khi, họ diễn giải sai những quy định của pháp luật.
|
Công trình trùng tu Chùa Cầu - Hội An bị dư luận phản ứng vì chưa được “chống sốc” |
* Có phải việc chồng chéo trong quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm xử lý sai phạm ở Tràng An và một số di sản khác?
- Tại kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới mới đây, Unesco đã yêu cầu Việt Nam phải mời đoàn đánh giá độc lập của Unesco đến kiểm tra tình trạng của di sản sau sự việc xây dựng công trình trái phép ở Tràng An.
Vụ Tràng An cũng cho thấy thực tế là thường sau khi được công nhận, vai trò của các ban quản lý di sản bị xem nhẹ. Họ chưa được trao quyền thực sự để có thể phản ứng nhanh, linh hoạt, đưa ra chế tài hợp lý. Ban quản lý di sản Tràng An đã nhiều lần xuống kiểm tra, nhưng họ được coi là một đơn vị sự nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước nên để xử lý, họ phải quay về làm công văn đề nghị phối hợp gửi sang các cơ quan khác.
Trong khuyến nghị trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Unesco có yêu cầu Việt Nam phải xem xét lại cơ chế quản lý các di sản thế giới để các ban quản lý có thẩm quyền tương đương với trách nhiệm.
* Xin cảm ơn bà.
Diễm Mi (thực hiện)