Sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến
Tham gia ngày hội Sống xanh với các sản phẩm bao bì tự hủy, cốc giấy, ống hút thân thiện với môi trường, bà Phan Thị Thúy Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu bao bì thân thiện môi trường Phương Lan - bận rộn với khách đến xem và tìm hiểu sản phẩm. Bà Thúy Phượng cho biết, đến nay, công ty đã có 12 năm sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trên hành trình đó, công ty đã gặp không ít khó khăn, khi có thời điểm bà phải cố gắng duy trì nuôi quân nhờ vào lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng từ năm 2018 trở lại đây, khi phong trào phòng chống rác thải nhựa được thành phố đặc biệt quan tâm, thì quyết tâm bền bỉ của bà đối với sản phẩm thân thiện với môi trường được đền đáp. Chỉ ra những tín hiệu tích cực từ phong trào này, bà Thúy Phượng cho biết, hiện nay, mỗi tháng công ty cho ra thị trường khoảng 300 tấn bao bì, phủ khắp các hệ thống siêu thị, các công ty, tăng gấp 3 lần so với năm 2018.
Bà Phan Thị Thúy Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu bao bì thân thiện môi trường Phương Lan - giới thiệu túi tự hủy đến khách hàng - ẢNH: THU LÊ
Để có con số ấn tượng đó, bà Thúy Phượng đã phối hợp với các cấp hội phụ nữ thâm nhập vào từng khu chợ trên địa bàn thành phố để thuyết phục, vận động tiểu thương, người dân sử dụng túi tự hủy khi mua bán. Tuy nhiên, quá trình ấy đã gặp nhiều rào cản, nhất là bởi hệ thống phân phối bao bì, túi ni lông truyền thống đã ăn sâu vào thói quen tiêu thụ của người dân. Thêm vào đó, chi phí sản xuất bao bì tự hủy luôn cao hơn so với bao bì truyền thống. Do đó, ngoài kiên nhẫn, bà Thúy Phượng còn chấp nhận giảm lợi nhuận, tận dụng những phế phẩm trong sản xuất để giảm giá thành. Hiện nay, túi thân thiện môi trường do Công ty Phương Lan cung cấp ra chợ giá đã bằng hoặc chỉ cao hơn 5% so với bao bì ni lông truyền thống. “Tôi rất mừng khi bao bì thân thiện với môi trường lan tỏa rất mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Giới trẻ ngày nay đã dần hình thành ý thức lựa chọn các sản phẩm ít gây hại cho môi trường. Trong tương lai, để chuyện phòng chống rác thải nhựa có hiệu quả tích cực hơn nữa, tôi mong Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đồng lòng. Để có được sự đồng lòng đó thì chính quyền cần mạnh mẽ và cương quyết hơn, phải vào cuộc liên tục và truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần” - bà Thúy Phượng chia sẻ.
Không khó để nhận ra người dân thành phố đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường khi 47 gian hàng của ngày hội Sống xanh luôn tấp nập. Mỗi ngày, gian hàng “Đổi rác lấy quà” của các công ty tái chế đã thu được hàng trăm ký rác thải nhựa do người dân mang đến. Cũng không ít phụ nữ xách giỏ nhựa đến mua hàng. Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè - cho biết, ở các chợ truyền thống tại xã Hiệp Phước, việc sử dụng túi tự hủy thay thế túi ni lông truyền thống đã trở nên phổ biến với khoảng 50% số sạp hàng.
Đại diện những đơn vị được đánh giá nổi bật trong phong trào phòng chống rác thải nhựa của các cấp hội, bà Nguyễn Thị Thu Phượng - Phó chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp - cho biết, Hội LHPN quận đã kiên trì với ngày hội “Đổi rác lấy quà” trong nhiều năm qua. Mô hình bắt đầu cách đây 4 năm, khi Hội LHPN quận phối hợp với Phòng GD-ĐT triển khai việc thu gom chai nước, hộp sữa đã qua sử dụng đến tất cả các trường học trên địa bàn quận. Các em học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn cách bảo quản cũng như phân loại các hộp sữa, chai nước để mỗi tháng các công ty Môi trường Á Châu và Bao bì Phương Lan đến thu mua sản phẩm 1 lần.
Không chỉ với học sinh mà hoạt động “Đổi rác lấy quà” sau đó đã được phát động rộng rãi trong hội viên, phụ nữ. Mỗi tháng, quận hội thu về trung bình khoảng 700kg rác nhựa. “Việc tuyên truyền thường xuyên, thậm chí biến thành một hình thức thi đua trong các cơ sở đã dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn trong mỗi hội viên, phụ nữ”.
Nâng cao ý thức của người dân
Tại buổi tọa đàm về giải pháp nâng chất thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TPHCM, xây dựng khu phố, ấp “xanh, sạch, an toàn” và phong trào “Chống rác thải nhựa” do Khối thi đua 18 (do Hội LHPN TPHCM làm trưởng khối) tổ chức, bà Ngô Thị Bích Liên - Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 5, phường 9, quận 5 - cho rằng, để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả như mong muốn, nhất thiết phải có sự đồng tình của người dân và cần thiết phải có biện pháp phù hợp. Và biện pháp phù hợp, theo bà Bích Liên, là đưa các nội dung, phong trào, chỉ đạo của thành phố vào mỗi cuộc họp tổ dân phố, để dân bàn, dân đóng góp ý kiến và chính họ đưa ra những biện pháp hay. Lấy ví dụ về các con hẻm xanh tại địa bàn, khi người dân đồng thuận trồng cây, đồng thuận trả lại mặt bằng từ các bãi giữ xe tự phát để có không gian chơi đùa cho trẻ, không gian đi lại tập thể dục cho người già, bà Bích Liên khẳng định, việc người dân hiểu, người dân cùng bàn sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn so với một vài tờ rơi hay các cuộc tuyên truyền mang tính 1 chiều.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - chia sẻ tại tọa đàm về giải pháp nâng chất thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TPHCM, xây dựng khu phố, ấp “xanh, sạch, an toàn” và phong trào “Chống rác thải nhựa” - ẢNH: THU LÊ
Tâm đắc với đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho rằng,
Từ 3 - 4/6, UBND TPHCM phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức ngày hội Sống xanh tại quảng trường công viên Khánh Hội (quận 4). Có 47 gian hàng của 32 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia ngày hội với các hoạt động giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; công nghệ xử lý, tái chế chất thải; giới thiệu các dự án, chương trình bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa.
lâu nay, một trong những nội dung khó nhất và chưa thực hiện hiệu quả là đưa thông điệp của thành phố đến từng người dân. Do đó, việc phải chuyển tải những thông tin người dân cần phải biết vào các cuộc họp tổ dân phố là nhiệm vụ cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Theo bà Thanh Mỹ, không chỉ truyền tải thông điệp đến từng người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường còn phối hợp với các đơn vị để công bố mức xử phạt rõ ràng đối với từng trường hợp đến cho người dân được rõ. Thế nhưng, ai sẽ là người thực thi việc xử lý, xử phạt? “Hiện nay, toàn thành phố có 45.379 camera an ninh để đảm bảo vấn đề vệ sinh, an toàn môi trường sống. Chúng tôi đang bàn bạc sẽ phối hợp với công an, sử dụng các hình ảnh trích xuất từ camera để xử phạt như thế nào. Để làm được điều này, cần sự đồng hành từ khu phố, tổ dân phố và cả công an khu vực” - bà Thanh Mỹ nói.
“Để cải thiện môi trường sống ngày càng tốt hơn, phải nâng cao vai trò tự quản của người dân bằng cách thuyết phục, vận động, đưa vào quy ước cộng đồng, làm sao để người dân ý thức được từng việc mình làm sẽ tác động, tạo nên sự thay đổi thì mới mang lại hiệu quả lâu bền” - ông Phạm Minh Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - nhấn mạnh giải pháp được cho là gốc của vấn đề. “Ngoài các khu dân cư, chợ, hay siêu thị, thì hiện nay, một số nơi như các quán cơm, các chợ đêm, phòng phát thuốc tại các bệnh viện vẫn còn sử dụng túi ni lông truyền thống với số lượng lớn. Trong thời gian tới, các hội, đoàn thể cần tập trung tuyên truyền thêm ở các khu vực để duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả cuộc vận động người dân bảo vệ môi trường cũng như từ phong trào phòng chống rác thải nhựa” - ông Phạm Minh Tuấn đề xuất.