Chồng quyết vay tiền mua ô tô về quê ăn tết

10/02/2021 - 05:39

PNO - Năm hết tết đến, không khí chiến tranh lạnh đang bủa vây căn nhà trọ. Chồng chị Ngân nhất quyết phải có xe hơi để về quê... trốn dịch.

Tích cóp bao lâu chị Ngân mới có được 500 triệu tiền tiết kiệm. Gửi sổ chưa ấm ngân hàng thì chồng chị - anh Phong đã một hai hối vợ rút về. Lời qua tiếng lại khi chồng một mực mua cho được ô tô, còn vợ anh lại muốn có thêm chút nữa để mua miếng đất.

Giờ nghe đồng nghiệp nhắc đến tết, chị Ngân làm bộ mặt quạu để trêu chọc mọi ngươi. Nhưng kỳ thực, chị đang buồn thật.

Anh chị cưới nhau đã 12 năm, cũng bằng số năm 4 thành viên gia đình đi thuê nhà ở. Tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng 20 triệu đồng, dư giả thì chưa nhưng không đến nỗi thiếu trước hụt sau.

Con cái ngày một lớn, nhu cầu nhà ở cũng tăng cao. Chủ nhật anh Phong lại chở chị Ngân ra ngoại thành coi đất.

Vợ chồng chị Ngân từng lên kế hoạch tích cóp mua đất làm nhà (Ảnh minh họa)
Vợ chồng chị Ngân từng lên kế hoạch mua đất làm nhà (Ảnh minh họa)

Mong ước có được cái nhà của riêng mình, thuận tiện cho sinh hoạt học tập của con khiến chị Ngân làm thêm việc mà không biết mệt. Chị nhẩm tính mua đất tầm 600 triệu đồng, lấy quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng rồi vay mượn nội ngoại thêm 600 triệu nữa để làm nhà.

Đùng một cái, cả tháng nay anh Phong về nhà cầm theo tập catalogue của những hãng xe hơi. Tưởng chồng chỉ tham khảo cho vui, nào ngờ anh phán xanh rờn: “Bố quyết rồi, nhà mình sẽ mua ô tô trước khi mua đất”.

Hai cậu con hưởng ứng nhiệt liệt bằng những tràng vỗ tay không ngớt. Chúng cứ nghĩ đơn giản sẽ đi ô tô về quê thay bằng đi xe khách hay tàu như trước. Còn với chị Ngân thì không thế.

Chị khó bị thuyết phục với lý do chồng đưa ra “có xe thì có nhà, chỉ mong có sức khỏe. Đang thời điểm COVID-19 bùng phát, đi phương tiện công cộng không an toàn”.

 “Đi xe cá nhân để phòng dịch” trong thời điểm này nghe rất hợp lý. Nhưng dốc gia tài vào chiếc xe bốn bánh chỉ để chạy đường trường về quê ăn tết 5 - 6 ngày có giải quyết được vấn đề gì đâu.

Tính anh chị chẳng lạ gì, lúc nào cũng tháo vát xởi lởi nhưng cũng dễ bốc đồng, ưa hình thức. Mỗi lần đi họp lớp về, trong câu chuyện anh kể có những con siêu xe của người A., người B. nào đó.

Ngỡ chồng chỉ lên kế hoạch cho vui, ai ngờ anh đổ tâm trí nghiên cứu từng phân khúc, điện thoại hỏi bạn bè xe nào chạy lợi xăng, gầm xe hãng nào cao thấp… Chị Ngân ngán ngẩm thấy chồng cứ lẩm nhẩm tiền mặt được bao nhiêu, vay trả góp thời hạn bao nhiêu năm, lãi suất hàng tháng như thế nào…

Là dân kế toán, chị dễ dàng nhẩm tính nếu mua xe tầm trung, nhà chị sẽ vay thêm 200 triệu đồng nữa. Nếu vay qua bảng lương mỗi người mượn được tầm 100 triệu đồng, số tiền còn lại xoay xở bạn bè, người thân. Chỉ riêng tiền lãi mỗi tháng cũng ngót nghét gần 5 triệu.

Đấy là chưa kể tiền xăng, tiền bảo trì và chu kỳ kiểm định… Thu nhập gia đình không thay đổi, giờ có thêm “vợ bé” cho chồng, nhu cầu đi lại cũng không cao, mua xe là điều chị Ngân thấy không hợp lý.

Trước thái độ cứng rắn của vợ, anh Phong cũng nói cứng: “Cô không mua thì tôi mua, về quê cũng phải để cho chồng mở mày mở mặt chút với thiên hạ chứ”.

Một trong những lý do khiến chồng mình nằng nặc mua được ô tô là giải quyết khâu oai. Ở xóm nhỏ nơi anh từng sinh ra, mấy ai được học hành lên cao và ở lại phố để làm việc như chồng chị Ngân. Hội bạn bè còn biết anh mới nhận chức trưởng phòng nên càng hoan hỉ chúc mừng.

Năm hết tết đến, nhưng không khí chiến tranh lạnh đang bủa vây căn nhà trọ. Bản thân chị Ngân cũng chẳng vui vẻ gì. Thực tình không có nhu cầu mua ô tô vào thời điểm này, nhưng thấy chồng và con suốt ngày hí hửng nói về các hãng xe, chị cũng thấy mủi lòng.

Lâu nay mọi việc trong gia đình, từ con học chỗ nào, sắm cái tủ lạnh ở đâu, anh Phong đều cho chị Ngân quyết. Chồng chị ít bia rượu, chí thú làm ăn, tôn trọng vợ con, đây là lần đầu tiên trong hôn nhân chị thấy anh Phong kiên định đến vậy.

Thôi thì trời không nghe đất thì đất phải nghe trời, kế hoạch mua đất làm nhà tạm gác lại cho việc mua xe về quê ăn tết. Chị Ngân nói với chồng “mẹ chiều mấy cha con để đổi lấy niềm vui, sự đồng thuận trong gia đình”. Anh Phong gõ nhẹ vào đầu vợ “tết mà, còn người thì còn của”.

Lâm Hoàng

                                                         

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI