Chồng quyết bỏ mẹ con tôi, đi lao động xuất khẩu

27/10/2019 - 14:30

PNO - "Ai mà nghĩ làm thuê xứ người cũng rủi ro. Thêm con vợ ở nhà không biết thu vén nên giờ nợ bạc tỉ". Nghe chồng cũ than, tôi nhẹ nhàng buông máy. Sao tận bây giờ anh mới biết không có thiên đường dọn sẵn?

Trời sinh tôi có nhan sắc “dưới trung bình” nên mãi năm 27 tuổi mới có người mai mối. Ở nông thôn, lứa tuổi đó mới lập gia đình đã xem như “ế nhệ”. Tôi được làm mai với người hơn 2 tuổi, làm nghề sửa xe honda. Anh cũng chẳng đẹp trai, được cái tướng tá mập mạp khỏe mạnh, nhưng cách nói năng của anh rất cộc cằn, khó chịu. Tôi thì nghĩ, mình có quyền gì mà kén chọn, cứ chiều nhau là sống được thôi mà.

Sau cưới, cha mẹ chồng đề nghị tôi nghỉ việc mua bán quần áo ở chợ, về nhà phụ chồng trông coi vật liệu xây dựng của ông chú. Chồng tôi bốc vác, tôi làm sổ sách kiêm tạp vụ. Cực nhọc nặng nề lắm, nhưng tôi quan niệm “chồng đâu vợ đó” là an vui.

Chong quyet bo me con toi, di lao dong xuat khau
Nhan sắc dưới trung bình nên tôi phải nhờ mai mối mới có chồng. Ảnh minh hoạ

Khi con đầu lòng của tôi được 15 tháng thì chồng kiên quyết: "Phải đi lao động nước ngoài chứ ở nhà làm thuê cho chú mãi cũng không khá được". Tôi khóc hết nước mắt, vì nghĩ tới cảnh con còn quá nhỏ đã phải vợ chồng đôi ngả.

Vào những năm đó, phong trào nhà nhà lo cho con đi lao động nước ngoài đang mạnh mẽ. Nhà nào cũng khoe số tiền con gửi về hàng tháng khiến cha mẹ chồng tôi sốt ruột. Cuối cùng, ông bà đã chạy vạy được 200 triệu đồng, tìm đường dây để cho chồng tôi đi làm tại Nhật. Họ an ủi tôi rằng, hãy ở nhà chờ chồng, cứ làm việc cho vật liệu xây dựng của ông chú chồng, nhà cha mẹ chồng thì ở không mất tiền thuê. Mẹ con tôi sướng như tiên rồi còn gì?

Tôi thưa, nếu ba mẹ có thể lo 200 triệu đồng cho chồng con đi nước ngoài, thì hãy cho tụi con mượn số tiền đó ở lại quê nhà làm ăn, ví như thuê mặt bằng mở một tiệm đồ gồm mùng mền, chăn ra, gối nệm… bán sỉ và lẻ. Với thâm niên buôn bán của con, với sự siêng năng của chồng con, chắc chắn tụi con sẽ làm được, sẽ trả vốn cho ông bà từ từ, mà vợ chồng con cái không phải xa cách.

Cha mẹ chồng không đồng ý. Ông bà cho rằng “Ở xứ này làm ăn biết chừng nào mới giàu”. Người trong dòng họ ai cũng phản đối, cho rằng chỉ có con đường lao động nước ngoài mới khấm khá, bởi xứ ấy thu nhập người ta cao, cuộc sống là thiên đường, biết đâu còn cơ hội trốn để ở lại. Mấy người đã đi đó, làm thuê mà lương năm bảy chục triệu đồng một tháng, hơn chán vạn làm chủ mà lê la góc chợ. 

Chồng tôi hăm hở với kế hoạch làm giàu ở vùng đất mới, bỏ qua mọi lo lắng của tôi.

Anh đi một tháng sau thì tôi phát hiện mình dính bầu đứa thứ hai được 2 tháng. Công việc ở cửa hàng vật liệu không thay đổi, tôi vẫn làm sổ sách hàng nhập hàng xuất; hết việc sổ sách thì xuống kho quét dọn sắp về những gạch men, xi măng, sắt, ống nước… theo thứ tự gọn gàng. Tuy có cậu bé 17 tuổi phụ việc, nhưng lắm khi bà bầu là tôi vẫn phải khuân vác cho kịp.

Bầu 5 tháng, tôi không làm nổi nên xin nghỉ. Cha mẹ chồng nói: “Nghỉ để nằm ra ăn bám à? Nói cho cô biết, thằng chồng đi làm mà gửi tiền về thì cũng là của cha mẹ nó chứ cô đừng mong cầm đồng nào”.

Thế là tôi dắt con về nhà cha mẹ ruột, cùng cái bụng bầu ra chợ bán găng tay, khẩu trang, quần áo trẻ em… như thời chưa lấy chồng. Trong thời gian đó, chồng tôi không hề gọi về cho vợ. Tôi muốn gọi đi cũng không cách nào liên lạc được. Tới ngày tôi sinh, vẫn chỉ có nhà ngoại bên cạnh. Chồng tôi vẫn chưa một lần gọi về để biết tin của vợ con.

Tôi một mình nuôi con hơn 2 năm, một thời gian nghĩ lại thấy cũng không dài không ngắn. Mọi liên lạc với chồng vẫn mất tăm. Hỏi thăm chồng thì bên nhà anh, ai cũng bảo “không biết”.

Rồi anh cũng về. Anh tìm đến nhà cha mẹ tôi, không phải để mừng gia đình đoàn tụ mà để chìa vào mặt tôi một tờ đơn ly hôn với lý do “không hợp nhau”.

Năm 2010 tôi chính thức ly hôn. Tòa quyết định anh phải cấp dưỡng cho 2 đứa con  đến khi nó tròn 18 tuổi với số tiền 500 ngàn đồng/tháng. Nhưng không bao giờ tôi biết đồng tiền đó tròn hay méo, vì anh có đưa bao giờ!

Nghe đâu sau đó anh lại đi lao động xuất khẩu ở một nước châu Âu và cũng đã có cô vợ cùng quê. Cô này anh gặp và dan díu từ lúc đi Nhật. Nghe đâu cha mẹ anh còn mua cả xe du lịch cho thuê, bảo rằng đó là tiền anh gửi về. “Tại con vợ thằng đó ngu nên mới không được hưởng”, ông bà nói qua nói lại với rất nhiều để câu ấy tới tai tôi.

Nghe đâu nhà anh còn mua lại cửa hàng vật liệu xây dựng của ông chú cho vợ mới của anh làm chủ.

Chong quyet bo me con toi, di lao dong xuat khau
Chồng tôi và nhà chồng đều nghĩ, tiền lương lao động xuất khẩu sẽ giúp đổi đời. Ảnh minh hoạ

Vậy mà cách đây hơn tháng, chồng cũ tìm đâu ra số điện thoại tôi và thường xuyên gọi… hỏi thăm con. Ban đầu là vài câu vụn vặt em khỏe không, con học giỏi không, mẹ con làm ăn thế nào? Tôi ơ hờ ừ hử, tự hỏi không rõ anh muốn gì. Rồi cuối cùng anh cũng “lật bài”:

- Anh thật ngu dại mới bỏ đi. Giờ biết em làm ăn khấm khá anh rất mừng, mà ba mẹ con phải đưa đón nhau học hành, liệu có làm chủ được cái cơ sở may đó không? Coi chừng người ta ăn hiếp em ạ!

Tôi cười cười qua sóng âm thanh, bảo rằng tôi làm bảy năm nay, tôi không ăn hiếp ai là tốt lắm rồi. Tiếng anh vẫn thoảng như tiếng ai đó lạ lắm phía bên kia:

- Anh thất bại rồi. Ai mà nghĩ làm thuê ở xứ người cũng đầy rủi ro. Thuyền to thì sóng lớn, thêm con vợ ở nhà không biết thu vén nên giờ nợ nần bạc tỉ.  Anh và “nó” không đăng ký kết hôn, chẳng con chung… Nên bây giờ anh chỉ còn mẹ con em thôi!

Tôi nhẹ nhàng buông máy. Sao lại là "mẹ con em"? Ở đâu ra cụm chữ nhẹ bẫng như vậy, sau bao năm tôi vừa cô độc, nhọc nhằn vừa nhục nhã? Mất tất cả rồi, anh mới biết không có thiên đường dọn sẵn?

Trang Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI