Từng không dưới một lần, tôi chợt có cảm giác ngột ngạt khi chứng kiến một người phụ nữ nào đó bỏ công việc lui về chăm sóc gia đình và nhiều trong số họ nhận tiền sinh hoạt phí hàng ngày từ chồng - khoản tiền có cách gọi đơn giản là tiền chợ. Hàng ngày!
|
Phụ nữ cần có công việc. Ảnh minh họa |
Gạo đong, tiền phát
Anh là một doanh nhân thành đạt. Những dịp tụ tập bạn bè tại nhà, anh luôn tự hào “vợ anh là số một”. Chị cao gầy, ăn mặc đơn giản, ít nói; nụ cười có vẻ gượng gạo và u uất. Tôi thường nghĩ, nếu người đàn bà đang hạnh phúc thì “hào quang từ họ phát ra lấp lánh”; nhưng ở chị, tôi chỉ thấy như có điều gì đó vừa không thoải mái, vừa kỳ quặc.
Cảm giác của phụ nữ với phụ nữ ít khi sai. Anh càng nói nhiều về gia đình, chị càng lặng lẽ thu mình lại. Có lần, tôi ghé thăm lúc anh vắng nhà. Nhà anh chị là một biệt thự kiểu xưa, nhiều cây xanh, khoảnh sân rộng trồng đầy hoa hồng trắng. Chị tiếp tôi, e dè.
Sau vài câu chuyện loanh quanh, bỗng dưng chị buột miệng: “Chị khổ lắm, không vui sướng như mọi người nghĩ đâu”. Cứ thế, chuyện gia đình anh chị tuôn chảy như thể chị đang muốn trút bỏ những u uẩn trong lòng. Đúng là chẳng thể nhìn mặt mà bắt hình dong. Anh bảnh bao, sang trọng thế nhưng cư xử với vợ thật… quái đản.
Thời yêu nhau, anh thường bảo, cưới nhau rồi chị sẽ không phải làm gì cả. Và, đúng là như thế. Anh giỏi làm ăn nên thu nhập dư dả; chị chỉ ở nhà chăm sóc trong ngoài và… chờ anh. Nếu thế thì đã chẳng có gì đáng phải nói. Vấn đề ở đây là anh chỉ đưa tiền cho chị đi chợ… từng ngày.
Vừa đủ. Mỗi ngày chị phải ghi lại chi phí chợ búa cơm nước, anh sẽ kiểm tra trong giờ cơm tối. Chị đưa tôi xem cuốn sổ chi chít những ghi chú; chỗ này phát sinh dây cột tóc cho con, chỗ kia phát sinh lá trà cho con tắm… Có nhu cầu cá nhân, chị phải hỏi xin anh thêm tiền. Chị nói, sợ nhất là những lúc anh cầm tờ 500.000đ đưa thêm cho chị bằng ánh mắt rất hả hê. Một con, rồi hai con, chi phí vẫn vậy.
Tôi hỏi đùa: “Không có trượt giá hả chị?”. Hỏi rồi tự thấy mình quá vô duyên. Giọng chị đều đều, ánh mắt đanh lại. Chẳng đàn bà nào đủ nước mắt để khóc cho những việc này đâu. Chị từng tha thiết muốn đi làm lại: “Chị chỉ mong mình tự chủ, dù chỉ một chút thôi cũng được”.
Nhưng, anh ra điều kiện, muốn đi làm phải nộp lương cho anh, nộp tất cả, anh mới chấp nhận. Chị còn phải đảm bảo lo hết mọi việc nhà. Đồng ý thì làm cam kết. Chị đã rất muốn ký ngay cái cam kết khốn khổ đó, nhưng nghĩ kỹ lại thôi. Chị sợ mình không đủ sức khỏe ôm đồm cho trọn những trách nhiệm đó. Thôi đành…
Căn biệt thự rộng mênh mông nhưng ngóc ngách nào cũng được chị tỉ mẩn chăm sóc. Anh kỹ tính, về nhà là ngó nghiêng mọi nơi. Có chút gì không vừa ý là bạt tai chị ngay, không cần giải thích. Bạn bè ít dần vì chị ngại gặp gỡ. Trong khu nhà cao cấp này, chị cũng không dám qua lại với ai.
Thế giới quanh chị ngày càng thu nhỏ lại, quẩn quanh những lau dọn trồng tưới. Chị đành lấy đó làm vui. Xem “ghi chép chi tiêu mỗi ngày” là việc cần làm. Dù chẳng còn chút động lực sống nào. Những khi cần ra ngoài để… xây dựng hình ảnh cho anh, anh sẽ đưa chị đi mua quần áo, mỹ phẩm.
Vì thế, thật lâu và phải thật cần thiết anh mới đưa chị theo. Ra ngoài về nhà là anh kể lể ngay điệp khúc: “Em thấy mình sung sướng chưa. Ngoài kia bao người phụ nữ phải bươn chải áo cơm từng ngày, em thì được sống thong dong”. Chị nuốt hai chữ “thong dong” như nuốt nỗi nhục vào lòng…
Bài toán tiền chợ
Nói chuyện quản lý chi tiêu trong gia đình, bạn tôi, một cô giáo vừa giã từ bục giảng để ở nhà… đi chợ chia sẻ: “Nhà tôi có một chiếc hộp nhỏ, ghi rõ bên ngoài: Tiền chợ. Hàng tháng, chồng tôi tự động bỏ vào đó khoản chi phí đủ để dùng cho cả nhà. Khoản tiền đó đã được vợ chồng bàn bạc, tính toán cụ thể từ trước.
Tôi dùng nó chi tiêu cho sinh hoạt chung, ghi lại đầy đủ mỗi ngày; mục đích chính là để theo dõi nhằm hạn chế những phát sinh không cần thiết. Cho dù vợ chồng có giận nhau kéo dài, trách nhiệm của anh ấy là vẫn phải đều đặn bỏ tiền vào hộp.
Nếu tôi không có nhà, bà nội có thể lấy tiền trong đó ra đóng tiền điện nước khi cần, rồi ghi lại. Vì thế, ở nhà gần một năm rồi tôi vẫn thấy thoải mái, không có cảm giác nặng nề là mình đang ăn bám; không chịu cảnh mỗi tháng chìa tay cầm tiền chồng đưa”.
Tuy nhiên, không ít đàn ông thường tự cho là mình đã quá rộng rãi nuôi nấng vợ. Họ không hiểu, thu xếp chi tiêu gia đình là chuyện không đơn giản, mà là cả một nghệ thuật; các bà vợ phải đau đầu tính toán cân đối, tự rút kinh nghiệm từng ngày.
Tôi từng có lần kể với anh bạn doanh nhân một câu chuyện tiền bạc tương tự chuyện gia đình anh, anh phán ngay: “Mấy phụ nữ đó có phước mà không biết hưởng. Tại sao lại than van? Không cần đi làm, mỗi ngày vẫn có người đưa tiền cho xài, không sướng là gì? Phụ nữ hay đòi hỏi, lại cứ ngu ngốc yêu cầu những điều hoang đường!”.
Tôi nhớ mình đã đọc được ở đâu đó, hầu hết kiểu đàn ông như anh thường lớn lên trong một gia đình đàn ông là chủ thể. Họ tin tưởng mù quáng rằng, việc khống chế người khác bằng tiền bạc là cách đương nhiên và hữu hiệu để duy trì trật tự gia đình. Gia đình phải như vậy mới hạnh phúc. Hạnh phúc như thế có đúng là hạnh phúc? Như anh, luôn nghĩ vợ đang hạnh phúc, đang sung sướng và vẫn tin rằng… vợ anh là nhất!
TS xã hội học Phạm Thị Thúy bày tỏ quan điểm: “Nếu vợ không đi làm mà ở nhà chồng nuôi, thì tôi thấy người chồng đưa tiền cho vợ mỗi tháng là đúng nhất”. Có lẽ, không ít người cũng nghĩ như TS Thúy, nhưng chắc chắn trong đó không có những ông chồng như anh bạn doanh nhân kia.
Với những người như anh, lấy việc đong đếm tiền bạc với vợ mỗi ngày làm niềm vui, làm sự hãnh diện thì không có chỗ cho sự tôn trọng người bạn đời. Thực tế, việc tôn trọng người bạn đời tác động rất lớn đến sự bền vững của hôn nhân. Cách ứng xử với nhau, sự đồng thuận trong chi tiêu, sự quan tâm đến cảm xúc của vợ chính là một trong những cách người chồng thể hiện sự tôn trọng.
Hôn nhân không phải là giam giữ người bạn đời mòn mỏi trong bốn bức tường, càng không bao giờ là những tính toán tiền bạc chi ly như một kiểu bạo hành tinh thần. Đồng vợ đồng chồng chính là cả hai cùng tìm đáp án cho bài toán chi tiêu gia đình, để nâng bước cho nhau trong hôn nhân.
Đoàn Tâm