Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi lấy chồng cách đây 16 năm. Chồng tôi là một doanh nhân có tên tuổi. Anh có tài sản lớn từ khi còn khá trẻ, cho đến giờ anh đã sở hữu cả một gia tài đồ sộ.
Chúng tôi cách nhau 15 tuổi và quen nhau do mai mối. Khi gặp nhau, anh lập tức đồng ý và xin kết hôn với tôi ngay. Tôi thấy anh lớn tuổi, thành đạt, điềm đạm, chín chắn và có phong thái nên cũng gật đầu, vì tôi luôn thích những người như thế.
Sống với nhau một thời gian, tôi hiểu ra rằng chồng tôi ưng gia đình tôi, ưng cái cách gia đình tôi dạy dỗ nên tôi, chứ không phải là tình yêu hay cảm xúc gì với tôi cả. Là người thành đạt, nhưng anh luôn có mặc cảm về xuất thân nghèo khó và ít học của gia đình mình. Bố mẹ anh đều là nông dân ở quê, anh từng có tuổi thơ rất đói ăn, thậm chí thiếu mặc. Bố anh lại là người nát rượu, thường xuyên đánh đập vợ con.
Sau khi thành công, anh đã thay đổi đời sống vật chất của gia đình anh, nhưng không thể thay đổi được cách sống, cách cư xử, văn hóa của gia đình. Nhiều lần họ đã làm anh xấu hổ khi tìm lên Sài Gòn, nằm ăn vạ trước cổng nhà anh để vòi vĩnh tiền bạc.
Trong khi đó, ba mẹ tôi đều là giáo sư đại học. Nhà chúng tôi không có gì ngoài sách vở, tri thức. Ba mẹ chúng tôi sống rất hòa thuận, thương yêu nhau, dù nghèo, và anh chị em chúng tôi được dạy dỗ đàng hoàng, cẩn thận.
Anh rất yêu quý và kính trọng ba mẹ tôi. Từ nhiều năm nay, anh luôn là người lo lắng kinh tế cho gia đình tôi. Nhất là khi mẹ tôi phát hiện ra bệnh nặng, anh đã lo toan mọi chi phí, thậm chí đưa mẹ đi Sing chữa bệnh bằng số tiền vô cùng lớn. Anh mở công ty, hướng dẫn em trai tôi làm ăn và thành công. Anh cho các cháu, con của chị gái tôi đi du học... Cả gia đình tôi đều yêu quý và biết ơn anh.
Thế nhưng, ngược lại với sự yêu quý mà anh dành cho gia đình tôi, anh cư xử với tôi có phần lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm. Ở nhà anh, chúng tôi sống mỗi đứa một phòng từ sau khi tôi sinh con. Rất thỉnh thoảng, anh mới đến với tôi, đa phần là vào lúc anh đã say, sau một cuộc họp hành gặp gỡ đối tác.
Cho đến giờ, tôi vẫn gọi nhà mà chúng tôi đang sống là nhà anh, vì tôi không có một chút tài sản riêng nào của mình. Tất cả đều là của anh, và đều có trước khi chúng tôi lấy nhau. Tôi không biết gì về công việc của anh, thậm chí anh đi hay về lúc nào mỗi ngày, tôi cũng không biết. Anh không đòi hỏi gì ở tôi, chỉ cần tôi chăm sóc lo lắng cho con cái, nhà cửa.
Gần đây, tôi phát hiện chồng tôi có tình cảm với một người phụ nữ đã có gia đình. Hình như chồng người kia cũng là một doanh nhân thành đạt. Khi biết điều đó, tôi đã hỏi chồng rằng anh có muốn ly hôn không? Chồng tôi nhìn tôi rất thản nhiên và lạnh lùng nói rằng anh sẽ không ly hôn, vì anh yêu quý ba mẹ tôi, liệu tôi có muốn họ thất vọng, buồn khổ hay không?
Hôm sau, anh nói chuyện tiếp với tôi, rằng sẽ sang tên cho tôi một phần tài sản khá lớn, bao gồm nhà và đất. Anh yêu cầu tôi cứ sống thế này, như từ trước tới giờ, rằng anh không bao giờ ly hôn hay bỏ rơi tôi và con gái. Chỉ cần chúng tôi tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau.
Tôi đã nói chuyện với mẹ. Mẹ nói rằng mẹ đã biết về tình cảm anh dành cho tôi từ lâu, rằng anh nói với mẹ là không hiểu sao anh không thể yêu tôi được, dù rất quý trọng gia đình và ba mẹ tôi. Anh có vài mối quan hệ bên ngoài, nhưng đó chỉ là chuyện qua đường, cho vui, chứ anh không có yêu ai cả, rằng anh sợ đó là một căn bệnh tâm lý của anh. Nhưng anh hứa với mẹ tôi là sẽ cho tôi và con gái một cuộc sống bình yên, đầy đủ.
Khi mẹ tôi nói chuyện, tôi có cảm giác như mình bị mẹ phản bội. Phải chăng mẹ đã thỏa hiệp với chồng tôi để có thể nhận được những sự giúp đỡ về vật chất? Và bây giờ, khi bà ngăn cản tôi làm rõ mọi chuyện là vì chính gia đình bà, vì chị và em tôi với những mối liên hệ tài chính với chồng tôi, hay vì bà nghĩ rằng như thế này là tốt nhất cho tôi?
Tôi đau lắm chị Hạnh Dung ạ. Và quan trọng là giờ tôi không biết phải sống thế nào? Chấp nhận như thế này, tôi sợ rằng tôi sẽ không bao giờ hạnh phúc. Tôi sợ rằng tôi không giữ được sự bình tĩnh và cam chịu như từ xưa tới giờ. Sẽ có lúc tôi phá tan nát mọi thứ. Nhưng còn con gái tôi, cháu đang tuổi lớn, liệu cháu có hiểu được cho tôi, và cháu sẽ thế nào khi biết sự thật về cuộc sống chung của bố mẹ?
Nhã Thuyên
Chị Nhã Thuyên thân mến,
Con người ta sống trên đời, thường có ba đối tượng quan trọng nhất để vì họ mà sống: Vì cha mẹ, vì con và vì bản thân. Không phụ thuộc vào thời điểm, vào hoàn cảnh, vào tuổi tác, ba đối tượng này lúc nào cũng là sự quan trọng, là sự ưu tiên chiếm mọi năng lượng, tâm trí của con người ta.
Và như thế, khi nó phải tồn tại cùng một lúc, luôn luôn, thì cái sự "vì" ấy phải được hài hòa với nhau, cân bằng nhau, cái này bổ sung cho cái kia, để cuộc sống được an bình!
Trong trường hợp có những điều bối rối, phân vân, phải chọn lựa, vì bạn có cảm giác (chỉ là cảm giác thôi nhé) nếu bạn chọn điều gì đó cho mình, thì có nghĩa là bạn phản bội lợi ích của cha mẹ hay của con cái, thì bạn chỉ có một cách duy nhất đúng: chọn điều đúng đắn nhất để làm. Sự đúng đắn sẽ luôn đúng đắn trong mọi lúc, mọi trường hợp và với mọi người, khi được suy nghĩ một cách minh bạch, thẳng thắn.
Ví dụ, sự đúng đắn nhất trong trường hợp này là cuộc sống hôn nhân gia đình không thể là một cuộc thỏa hiệp của những điều có lợi và không có lợi về vật chất. Nó phải mang đến hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình đó. Ở đây là chị, chồng chị và con chị.
Rõ ràng nhất ở đây là chị và chồng chị đều không có hạnh phúc, con chị thì Hạnh Dung không thấy nhắc tới, nhưng Hạnh Dung nghĩ một đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì luôn rất nhạy cảm về các vấn đề của cha mẹ. Và nếu cháu nhận thấy những điều bất thường trong cuộc sống gia đình mình, thì chắc chắn cháu đang gặp phải những vấn đề về tâm lý mà cháu chưa thể chia sẻ được với ai.
Như vậy thì điều chị cần làm bây giờ là giải quyết các vấn đề của gia đình mình theo một hướng nào đó có thể giúp chị, chồng chị, con chị tìm ra được ý nghĩa của hai chữ hạnh phúc.
Nó có thể là sự chữa lành, hàn gắn những vết nứt, tổn thương trong tâm lý của mỗi người. Nó cũng có thể là sự tan rã những thành phần không thể gắn kết cùng nhau, để mỗi người độc lập tìm ra hạnh phúc riêng cho mình. Làm như thế nào lại là quyết định thẳng thắn và chân thực của chị với chồng.
Riêng về phần mẹ chị và gia đình, Hạnh Dung nghĩ chị có thể bỏ qua tâm trạng khó chịu của chị với mẹ, bởi vì có lẽ mẹ chị nghĩ rằng điều đó là tốt nhất cho chị, vì bà tin tưởng vào chồng chị, nên bà đã lặng im ủng hộ anh ấy. Những lợi ích của gia đình có thể sẽ sứt mẻ, nếu chị và chồng không cùng nhau nữa. Nhưng việc của chị và em chị, họ phải tự giải quyết, chứ không thể ích kỷ đòi hỏi sự hy sinh của chị.
Với phần đất đai, tài sản, chị có thể nhận được từ chồng như anh ta hứa (và điều đó cũng đúng với công sức 15 năm chị chăm lo cho gia đình, chồng con), Hạnh Dung nghĩ chị có thể lo cho cha mẹ trong một thời gian nào đó, và cùng với điều đó, chị cũng nên bắt đầu một cuộc sống tự lập, tìm việc làm, hay khởi nghiệp kinh doanh một cái gì đó của riêng mình, để không phải lệ thuộc vào ai.
Hãy mạnh mẽ, sáng suốt và dũng cảm!
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn