Chị Hạnh Dung thân mến,
Chồng tôi vốn chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã từng làm bốn, năm công ty, nhưng nơi nào cũng chỉ làm được ba, bốn tháng, nơi cao nhất là một năm, rồi nghỉ.
Lúc yêu nhau, chưa hiểu rõ về nhau, tôi nghe anh kể rằng vì anh có năng lực, giỏi giang nên anh thường bị ganh tỵ, bị chơi xấu, và hơn tất cả là anh không chịu được những "kẻ ngu dốt" làm sếp của anh.
Tôi rất tin và ngưỡng mộ anh. Tôi luôn nghĩ rằng mình hiểu anh và sẽ ủng hộ anh gầy dựng sự nghiệp lớn.
Về sống với nhau được sáu năm, từ từ tôi nhận ra chồng mình là một người tự cao tự đại, đánh giá bản thân vòi vọi, vô cùng sĩ diện, coi thường người khác, hay đổ lỗi... Với tính cách đó, anh không thể nào hòa nhập được với bất cứ nơi làm việc nào.
Anh luôn gây sự với mọi người, yêu cầu mọi người phải tôn trọng anh, nhưng chính mình thì không làm gì nên hồn. Làm việc với ai, anh cũng gọi họ bằng thằng hay bằng con, cho họ là ngu ngốc, không xứng đáng để anh phải nghe lệnh.
Sau ngày ba anh mất cách đây tám năm, mẹ anh bán nhà lớn, mua căn nhà nhỏ ở với người em út, anh và một người chị được chia tiền, đủ cho anh mua một căn hộ trung bình khá và còn tiền gửi ngân hàng.
Tiền lãi hàng tháng không nhiều, nhưng cũng đủ để anh tự tin đến mức hễ gây gổ đâu là đứng dậy đạp bàn đạp ghế, chỉ mặt người khác chửi rồi bỏ đi. Anh thường bảo anh không sợ, không ngán "bố con thằng nào".
Sống chung sáu năm thì anh có bốn năm thất nghiệp, mỗi tháng, anh đưa tôi năm triệu tiền sinh hoạt phí. Còn thì anh có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, tôi không biết. Tổng số lãi anh nhận hàng tháng là bao nhiêu, tôi cũng không rõ.
|
Ảnh minh họa |
Lúc đầu, cuộc sống chỉ có hai vợ chồng son, thì năm triệu anh đưa là đủ. Nhưng từ khi chúng tôi có một con, rồi hai con, thì số tiền đó không còn đủ nữa, vì lương hàng tháng của tôi cũng chỉ gần 10 triệu.
Cuộc sống dần trở nên khó khăn hơn. Tôi nói anh đưa thêm tiền, thì anh nói chỉ có bấy nhiêu từ lãi, anh đã cắt giảm mọi chi tiêu cho anh rồi, tôi phải tự thu xếp. Tôi nói anh đi làm thì anh nói anh chờ cơ hội xứng đáng với tầm của anh. Bạn bè giới thiệu việc này việc kia, việc nào anh cũng bảo thấp kém.
Tối ngày anh nằm dài xem tivi, đọc sách hướng dẫn làm giàu, uống cà phê vỉa hè với mấy ông bạn cũng... vô tích sự như anh. Điều tệ nhất là tinh thần của anh càng lúc càng khiến tôi thấy mệt mỏi.
Anh càng ngày càng bi quan, hay nói rằng mình sinh nhầm thời, rằng cuộc đời bất công với anh. Thậm chí có lúc anh còn bóng gió rằng có những người vợ rất hữu ích, có khả năng nâng đỡ tinh thần chồng. Còn tôi thì chỉ cằn nhằn, than vãn về tiền bạc, gây sức ép cho anh để anh phải làm những việc không đáng làm...
Tôi thật sự không biết phải làm thế nào để thay đổi anh, thay đổi cuộc sống gia đình. Điều khiến tôi lo lắng nhất là thái độ sống của anh sẽ ảnh hưởng đến các con.
Thanh Lan
Chị Thanh Lan thân mến,
Có lẽ chồng chị là một trong những minh chứng khá hùng hồn cho lý thuyết của nhiều người: đôi khi việc cha mẹ để lại của cải cho con cái không phài là giúp con, tạo điều kiện cho con, mà chỉ khiến con trở thành những người ỷ lại, lười biếng và ảo tưởng về bản thân. Họ mất đi động lực thật sự để phấn đấu, vượt khó và chạm được vào hạnh phúc, thành công.
Bây giờ, với số vốn đang có, tạm đủ cho cuộc sống và có chị lo lắng phần nào, anh sẽ càng ỳ ra mà thôi. Chắc chắn là chị hay người nhà phải tạo nên một cú thúc nào đó mạnh mẽ, để anh bước ra khỏi cái khung bảo vệ an toàn của mình, chấp nhận những thử thách và nhận ra giá trị của sự nỗ lực, cố gắng đạt được một điều gì đó.
Cú thúc đó có thể là những dự báo về kinh tế khó khăn, hay những cơ hội khiến anh chứng tỏ bản thân mình, thậm chí, những lo lắng, dự báo về một điều gì đó có thể khiến sự an toàn đó không còn nữa.
Từ phần mình, chị hãy gắng nhìn nhận chồng mình, theo một hướng tích cực hơn, đừng để những khó khăn, mệt mỏi hiện thời khiến chị đánh giá chồng ngày càng tệ. Và thay vì "cằn nhằn, than vãn về tiền bạc, gây sức ép cho anh" như anh nói, chị hãy tìm mọi cách để động viên, khuyến khích chồng cùng chị vạch ra một kế hoạch nào đó để thay đổi cuộc sống.
Hạnh Dung thường nghĩ không ai hoàn toàn vô tích sự trên đời, chỉ có điều người ta không tìm ra được ưu điểm của mình ở đâu, điều gì thích hợp với mình, và phát triển thế mạnh đó như thế nào. Bên cạnh đó, chồng chị cũng từng học và tốt nghiệp đại học, có bằng cấp, chứng tỏ anh không phải là người không thể học hỏi.
Việc anh bóng gió rằng chị không phải là người vợ hữu ích, biết đâu chừng cũng có điểm đúng. Vì chị mất lòng tin vào anh quá, và có thể là vô tình, chị cũng thể hiện cho anh thấy điều đó của chị, khiến anh hoang mang, chán nản và cũng thất vọng về chị.
Hãy khích lệ anh, trò chuyện nhiều hơn với anh, đừng bao giờ so sánh anh với người này người khác, và nhất là cố gắng "bơm" vào đầu anh một điều: Cơ hội nếu nó không tới một cách tự nhiên, thì hãy tự đi tìm nó chứ không thể ngồi chờ đợi mãi.
Một cách âm thầm, chị hãy tìm hiểu xem có cơ hội nào như vậy không? Có thể hợp tác với anh em, bạn bè để học hỏi và làm gì đó đúng với sở trường của anh hay không?
Thay vì sợ con sẽ giống bố, chị hãy làm cho các con thần tượng bố, tin vào bố, chờ đợi và hy vọng vào bố. Chẳng hạn như kể cho các con nghe về những thành tựu, sự giỏi giang, khéo léo nào đó mà anh từng có trước kia. Chắc chắn là phải có những điều đó, bởi nếu không làm sao chị có thể từng tin và yêu anh như vậy.
Hãy mạnh mẽ lên chị nhé, tạo nên luồng sinh khí mới cho gia đình, khiến nó thổi bùng năng lượng tích cực trong chồng, con. Hạnh Dung nghĩ, ông bà nói về những người phụ nữ "vượng phu, ích tử", chính là những người phụ nữ có khả năng làm những điều như vậy.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn