Chồng như người lạ trong nhà

28/12/2023 - 19:22

PNO - Chị hãy thử cân nhắc thêm một lần nữa: vì điều gì mà chị đã chấp nhận sống với anh ấy 30 năm?

Chị Hạnh Dung thân mến!

Tôi năm nay ngoài 60 tuổi, hiện đang sống cùng người chồng thứ hai hơn tôi chục tuổi. Chúng tôi đều trải qua một cuộc hôn nhân dang dở.

Anh có 2 đứa con, vợ anh ốm đau hơn chục năm rồi mất. Tôi có 1 đứa con, ly hôn khi con tôi mới được gần một tuổi. Hơn 10 năm sau ly hôn, tôi gặp chồng tôi bây giờ. Do đều đã có con, nên chúng tôi thống nhất không sinh thêm con để nuôi dạy 3 đứa cho tốt. Hơn nữa, khi ấy kinh tế của chồng tôi vô cùng khó khăn, nếu sinh thêm con thì lại càng khổ.

Gần 30 năm qua, những khó khăn cũng dần được khắc phục. Các con chúng tôi khôn lớn, có công ăn việc làm và xây dựng gia đình. Hiện tại chỉ còn 2 vợ chồng già sống cùng nhau. Cứ tưởng mọi việc sẽ tốt đẹp khi gánh nặng cơm áo không còn, nhưng sức chịu đựng của con người có hạn.

Tôi đã cùng chồng lo toan hết mọi việc nhà chồng: từ việc nuôi bố mẹ chồng già không có lương hưu, cũng không có một đồng tiết kiệm; đến mọi việc đối nội đối ngoại khác không một lời than thở. Đến nay ông bà đã mất, mồ mả xây cất đẹp đẽ, trang nghiêm.

Tôi muốn chồng tôi chi tiêu tiết kiệm để có tiền lo lúc ốm đau. Nhưng chồng tôi không đồng ý (lương hưu của chồng tôi hơn 10 triệu) và nói: “Quan điểm về đồng tiền của tôi và bà không giống nhau, tôi chỉ góp cho bà tiền ăn là được rồi, tôi ốm đã có thằng M. lo”.

Từ ngày tôi về hưu, mỗi tháng chồng tôi góp cho tôi 1 triệu tiền ăn. Còn trước đó góp vài trăm, tôi tự ái không nhận. Mọi đồ dùng trong nhà tôi tự sắm, chồng tôi không cần biết tiền đâu để sắm. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với chồng về chuyện tiền nong, nhưng chưa bao giờ chồng tôi thấy mình sai. Các em chồng cũng góp ý, nhưng từ trước tới giờ, cái gì chồng tôi cũng cho là mình đúng.

Tôi và chồng không có cái gì chung cả, trừ mảnh giấy đăng ký kết hôn. Tôi chán nản lắm rồi, chỉ muốn giải thoát cái kiếp con ở không công.

Bất Hạnh

Chị Bất Hạnh thân mến,

Hạnh Dung hy vọng cái tên Bất Hạnh mà chị ghi cuối thư chỉ là một cái nick chị đặt thay vì viết tên thật của mình. Bởi, nếu ai có cái tên như vậy thì... buồn quá. Nó thể hiện điều chị nghĩ về cuộc đời, số phận của mình. Còn gì buồn hơn khi một người phụ nữ tự đặt tên cho cuộc đời mình là Bất Hạnh?

Hạnh Dung từng đọc một câu chuyện nhỏ, nói về sự buông bỏ bắt buộc mà con người ta cuối cùng cũng làm, khi đã hết sức chịu đựng: Nếu tay bạn cầm một ly nước nóng, bạn không muốn/ không dám buông, vì nhiều lẽ. Nhưng tới khi ly nước quá nóng, làm bạn bị bỏng, thì bàn tay bạn cũng sẽ phải tự buông cái ly mà thôi.

Khi đọc những gì chị kể, Hạnh Dung đã thầm nghĩ: bàn tay chị chịu bỏng giỏi thật. Tận 30 năm. Bởi theo chị kể, 30 năm qua người chồng đó không hề đóng góp với chị bất cứ khoản tiền nào, mua sắm và chi tiêu chị tự lo.

Cho đến bây giờ, ở vào giai đoạn cần chuẩn bị cho tuổi già, thì người chồng đó cũng tách bạch đến lạnh lùng: "Tôi ốm có thằng M. lo". Và cái còn lại giữa hai người sau 30 năm chung sống, chỉ có tờ giấy hôn thú là chung.

Tuy nhiên, thư chị có vài điểm không rõ ràng, nên Hạnh Dung không thể trả lời một cách cụ thể được. Ví dụ, việc chị phải lo cho bố mẹ chồng, tới khi mồ yên mả đẹp, là ngay cả trong những việc này, chồng chị cũng không hề đóng góp?

Rồi việc nuôi con, giúp chúng xây dựng gia đình... chồng chị cũng không hề đóng góp hay sao? Và theo lời chị kể, thì đến cả tiền ăn, vì tự ái chị cũng không cần, nghĩa là không những lo cho gia đình anh, mà đến việc ăn uống của anh, cũng là do chị lo? Bởi nếu như thế, thì việc chị chịu đựng và làm cho gia đình, quả là không gì có thể so sánh được. 

Và vì chưa hiểu rõ nội tình, Hạnh Dung chỉ có thể nói với chị: Chị hãy thử cân nhắc thêm một lần nữa: vì điều gì mà chị đã chấp nhận sống với anh ấy suốt 30 năm? Liệu có những gì tốt đẹp khiến chị có thể chịu đựng ly nước nóng suốt chừng ấy thời gian?

Một trong những mấu chốt mà chồng chị lấy ra làm cớ cho việc đóng góp ít ỏi, là "quan điểm về đồng tiền khác nhau", tức là khác như thế nào? Anh chị có thể điều chỉnh được, để có những thống nhất, thỏa thuận chung, tuổi già nương tựa vào nhau một cách bình an hay không?

Bàn tay chị đã bị bỏng đến giới hạn không thể chịu đựng hay chưa? Có cách nào khác để mình không bị bỏng, ngoài việc buông tay hay không... Tất cả chỉ có chị mới trả lời được.

Mong chị hãy sáng suốt, tỉnh táo và cân bằng mọi việc giữa cái tình (30 năm) và sự chọn lựa đúng đắn, bình tĩnh.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI