Chồng nhạy với tiền, dè bỉu vợ rảnh quá nên... ngồi thiền

05/09/2019 - 10:46

PNO - Chồng và gia đình anh ấy hễ gặp nhau là chỉ bàn chuyện kiếm tiền, đầu tư mua đất ở đâu.Việc thiền của em bị coi như việc của người nhàn rỗi… sinh nông nổi.

Thưa chị Hạnh Dung,

Em không phải người theo đạo Phật, nhưng hay nghe pháp thoại của các thầy giảng cho các khóa tu tập ngắn ngày ở chùa, để hiểu thêm về văn hóa, cách ứng xử, và nhất là tự tu tập để giữ thân tâm khỏe mạnh. Em biết ích lợi của thiền, theo dõi hơi thở - cũng là khoa học giữ cho đầu óc mình đừng bấn loạn, biết cách sống ít can thiệp không cần thiết vào các tình huống xảy ra trong cuộc sống của mình.

Vậy nhưng trong gia đình, em “thiền không nổi” vì hai vợ chồng và cả cha mẹ chồng đều có cách sống khác nhau. Chồng và gia đình anh ấy hễ gặp nhau là chỉ bàn chuyện kiếm tiền, đầu tư mua đất ở đâu, giá nhà cửa thị trường có gì mới? Có khi còn nhìn việc thiền của em như việc của người nhàn rỗi… sinh nông nổi.

Có lúc em nản quá, muốn bỏ việc giữ thói sinh hoạt riêng.

Mà thế này thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của em. Theo chị, em có nên tiếp tục sống theo cách của mình thôi, và không nên thuyết phục anh ấy? Bởi trước đây em cứ nuôi mộng sẽ có thể lôi kéo anh ấy sống buông bỏ để vợ chồng gần gũi nhau về mặt tâm tính. Em nên làm gì?

Khánh Vân (TP.HCM)

Chong nhay voi tien, de biu vo ranh qua nen... ngoi thien
Ảnh minh hoạ

Em Khánh Vân thân mến,

Chắc không phải nói nhiều nữa nhỉ? Việc thiền bây giờ là một khoa học, không chỉ ở nước ta mà ngay cả nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng. Bởi nó thường là một phép tu luyện trong chùa nên nhiều người hiểu sai. Phải nói rộng ra trên thế giới ngày nay, khi con người sống thường xuyên với stress, thì thiền là một trong những giải pháp tự cứu. Giới doanh nhân đi tập các khóa thiền rất đông. Và người ta nói - đại ý: một trong những điều hay nhất của thế kỷ XX, là Phật giáo lan đến phương Tây.

Đại khái vậy - sách báo nói nhiều lắm, mà sao gia đình chồng em còn có những suy nghĩ… lạ lẫm, cũng hơi… khó hiểu nhỉ, bởi theo thư em kể, thì chồng và gia đình anh ấy đâu phải những… tay mơ. Họ còn sắc sảo tính toán vật lộn kiếm tiền - mà theo nhiều người thì ngày nay việc kiếm tiền mới là khó và quan trọng nhất. Muốn kiếm được nhiều tiền thì lại càng phải thông minh, sáng suốt, hiểu biết xã hội và tâm lý, chứ u mê thì chỉ có thể là… cò con mà thôi.

Em có thể làm gì? Lao vào “cải tạo” những người đầu óc sắc sảo nhạy bén với tiền bạc thì chỉ thất bại thôi. Nhất là khi họ chưa hiểu tác dụng của thiền, dưỡng tâm, vừa giúp thân khỏe mà tâm cũng sáng. Càng muốn thành công, giỏi giang (dù cũng là để kiếm tiền đi chăng nữa), cũng phải có tâm đức và một cái đầu minh mẫn. Thiền góp phần làm nên điều đó. Chứ không phải “rảnh rỗi sinh nông nổi”.

Một khi họ biết các tỷ phú thế giới sống, làm việc thành công, có số tiền khổng lồ, rồi đem tài sản… cho lại xã hội như thế nào - và đó cũng là một trong những quan niệm sống thiền - thì họ sẽ tự thay đổi chứ không phải do em… cãi lý với họ. Vì thế em đừng cãi lý.

Em có thể kể chuyện, tâm tình, ứng xử bình tĩnh, không “chấp” - đó cũng là phẩm chất của người thực hành thiền. Cứ sống khoan hòa, tập tành, lo toan cho gia đình, con cái. Khi việc em sống theo cách của mình đem lại ích lợi và bình yên cho gia đình, thì gia đình sẽ dần hiểu thêm. Họ sẽ nhìn ra không phải ai cũng mê và có khả năng lao ra xã hội kiếm tiền, mà còn nhiều khía cạnh khác phải chu toàn trong cuộc sống gia đình. Em hãy thu phục bằng lối sống lành mạnh của mình, đóng góp cho gia đình theo khả năng riêng mà những người “mê tiền” không có được.

Chúc em vui, mạnh, hạnh phúc.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ nữ: Từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, tới thứ Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI