Thời hiện đại, nếu phụ nữ cũng góp sức vào việc xây nhà với chồng, thì đàn ông cũng phải biết cách chăm chút cái tổ của mình. Phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện cùng anh Ngô Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ năng sống an toàn và xử lý tình huống nguy hiểm, một người rất tâm huyết và cân bằng trong cả xây nhà và xây tổ.
PV: Là nhà nghiên cứu và phát triển các dự án du lịch, giáo dục, khi lập gia đình, anh đã chuẩn bị “dự án” đó như thế nào và đã ứng dụng những kỹ năng gì?
Anh Ngô Kỳ Nam: Thật ra, tôi chỉ nghiên cứu và huấn luyện kỹ năng sống an toàn và xử lý tình huống khẩn cấp đối với những người muốn biết cách thoát hiểm, muốn sống an toàn. Còn đối với những người kết hôn thì họ chủ động và chấp nhận đến với “nguy hiểm”, tự đặt mình vào tình huống khẩn cấp nên các kỹ năng mà tôi đã nghiên cứu xem ra không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, tôi có thể chia sẻ những bước chuẩn bị lập “dự án cuộc đời” để có thể “sống sót” trong hôn nhân…
Tình yêu dẫn đến hôn nhân, nhưng một cuộc sống chung hạnh phúc cần được chuẩn bị rất kỹ. Chuẩn bị cho hôn nhân không chỉ là đi chọn nhẫn cưới, đặt tiệc cưới, rồi tổ chức đám cưới… mà chúng tôi phải chuẩn bị cho cả một hành trình, có thể nói là phải chuẩn bị rất nhiều thứ đáng kể ở giai đoạn tiền hôn nhân.
|
Anh Ngô Kỳ Nam và vợ con |
Thứ nhất, phải chấp nhận thay đổi bản thân, từ bỏ những tật xấu, thay đổi nhiều thói quen… Khi đón nhận người ấy về ở chung nhà mình, tôi phải chấp nhận gửi “cái tôi” đi đến nơi xa lắm và dọn chỗ đón chào cái “chúng ta” gồm có hai người, và sẽ viết những câu chuyện mới về cuộc đời của vợ chồng ta... Thứ hai là chuẩn bị kết nối “người ấy” với gia đình của mình. Đây là việc vô cùng quan trọng, chúng ta phải có những phương pháp định hướng văn hóa gia đình, phải hình thành các nguyên tắc ứng xử mà thường thì “lòng người không dễ thuận”… Thứ ba là phải cố gắng “lắng nghe, thấu hiểu và tiên liệu những tình huống, sự cố, mâu thuẫn có thể xảy ra”… Mọi xung đột đến với cuộc hôn nhân hầu hết đều xuất phát từ cách ứng xử giữa vợ và chồng. Vì thế, chúng tôi đã cùng nhau thỏa thuận và xây dựng bộ “quy tắc ứng xử” dựa trên sự thấu hiểu nhau, cụ thể là hiểu về nghề nghiệp, về văn hóa gia đình, tính cách, sở thích của nhau. Riêng với những “góc khuất” của người ấy, nếu có tìm hiểu thì nên tìm trước hôn nhân và khi mình đã chọn xong thì thôi, không còn thắc mắc nữa.
* Nhưng ở giai đoạn tiền hôn nhân, tình cảm thường rất say đắm, liệu anh có đủ tỉnh táo để ứng dụng những gì đã nghiên cứu và chuẩn bị?
- Khi tính đến chuyện lấy nhau là tính đến một hành trình, phải nghiêm túc xem xét nhiều yếu tố; đó không phải là lúc để ngồi mơ: ôi đôi mắt, đôi môi ấy, mái tóc ấy là suối nguồn hạnh phúc, nàng sẽ là cô dâu đẹp tuyệt trần… Tôi không biết mình “tỉnh hay say” theo khái niệm của nhà báo, nhưng lúc đó tôi đã có quan điểm hôn nhân là “tôn giáo” với những “điều răn” cần thiết cho cả vợ chồng tạo nên một tổ ấm. Hai người đến từ hai nhà, sống chung với nhau, hai nửa ráp lại thành một, chắc chắn phải giải quyết hàng loạt vấn đề để tương thích. Tôi đã từng “lượng hóa” các tiêu chuẩn của “người ấy” gồm: 50% ưng ý; 15% có thể thay đổi, điều chỉnh; 15% là phải chấp nhận, miễn bàn; phần còn lại thì đang không hiểu và từ từ khám phá. Hãy tự nhủ “con người không thể nào hiểu hết về vũ trụ, mà nàng ấy thì là một vũ trụ luôn thay đổi”… Thôi thì vạn sự nó vậy.
* Anh đã bước vào cuộc hôn nhân được bảy năm, những gì anh đã chuẩn bị có tác dụng không?
- Theo tôi thì rất có tác dụng, đặc biệt là các tác dụng… phụ! Vì chuẩn bị thay đổi và chấp nhận quá tốt nên tôi đã được vợ công nhận danh hiệu “Chồng… hơi ngoan”. Chuẩn bị và kết nối nàng với gia đình mình quá tốt nên giờ thì nàng ấy rất ít kiểm soát và răn đe này kia. Thay vào đó, nàng nhờ mẹ tôi và các em gái của tôi tăng cường tối đa, ôi khổ còn hơn… Rồi thay vì dùng chiến lược hình thành tổ ấm, tôi phải chuyển qua dùng nghệ thuật duy trì tổ ấm.
Nhiều thứ lắm, nhưng tôi đề cập đến ba nghệ thuật kinh điển sau: Đầu tiên là Nghệ thuật vâng lời như kẻ bề trên: Hãy làm mọi việc mà người ấy sai khiến giống như ta là người ra quyết định làm những việc đó vậy. Lúc đó, bạn sẽ thấy mình thật oai, có khi ba mẹ còn nói mình “gia trưởng”, đó là lúc ta đã thành công với nghệ thuật vâng lời. Thứ hai là Nghệ thuật im lặng trong danh dự: Khi bạn quá bức xúc, chuẩn bị quát lại người ấy, hãy nghĩ đến những gì ta phải chịu sau đó, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng nhớ đến quyển sách Thinh lặng cũng là hùng biện hoặc châm ngôn “im lặng là vàng”… Thứ ba là Nghệ thuật định chuẩn tình huống: Nếu có bất công, nếu phải chịu đựng, nếu có oan trái... thì hãy tự nhủ “đời sống hôn nhân với đàn ông thì nó phải thế”.
* Vậy có thể nói anh là một người chồng cao cả hay… nhát?
- Xin khẳng định với nhà báo, tôi là người chồng “nhát cao cả” vì bạn bè tôi đều nói tôi là “vua nhát”. Nhưng chắc chắn là tất cả các ông chồng “nhát” đều được vợ con tôn vinh là “cao cả”!
* Hoạt động trong lĩnh vực phát triển các dự án, huấn luyện kỹ năng, anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều và chắc chắn nhiều “mới lạ” sẽ xuất hiện bên cạnh. Anh đã làm gì để chống trả với cám dỗ, và có dễ dàng vượt qua không?
- Khi nhà báo hỏi câu này, có hai khả năng xảy ra. Một là bạn sẽ tạo điều kiện để một kẻ nói dối xuất hiện. Hai là bạn sẽ tạo ra một kẻ “thật tình khờ dại”. Đàn ông chúng tôi đã đủ khổ rồi, đừng tạo thêm oan nghiệt cho chúng tôi nữa… Nhưng dù sao, tôi cũng chia sẻ chút xíu về bí quyết “triệt tiêu sa ngã”: nếu lỡ có một bóng hồng xuất hiện và lảng vảng trong tâm trí, tôi chỉ cần nói với… vợ: “Anh thấy nhỏ đó dễ thương quá”, hoặc “Có một chút rung động đâu đây”… Nàng ấy sẽ nói “thiệt hả?” và tất nhiên, mọi thứ lệch lạc, mờ ám trong tôi đều tan biến.
* Với đàn ông lập gia đình, người xưa có câu: “Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Anh có áp dụng câu này không?
- Phải chi người xưa sống tới bây giờ để biết đã đến lúc phải thay đổi những câu như thế… Nhưng dù sao thì huấn luyện kỹ năng là chuyên môn của tôi, nên ban sơ hay bây giờ tôi đều “dạy” vợ được. Đại loại: “Tất cả việc nhà để anh làm nghe chưa!”. Nàng: “Vâng, thưa anh!". “Những tật xấu của anh, anh sẽ chấm dứt kể từ đây, em đồng ý không?”. Nàng: “Vâng, thưa anh!". “Toàn bộ thu nhập của anh sẽ chuyển khoản hay nộp tiền mặt cho em?”. Nàng: “Dạ, anh quyết sao em đồng ý vậy”…
Trong thời gian chinh phục nhau thì “em là cá nhân hoàn hảo, anh là chủ thể ưu tú”, nhưng khi chung sống, cả hai sẽ nhận ra có cái gì đó sai sai. Như vợ tôi, mạnh mẽ, quyết đoán, nhanh nhạy… nhưng đôi khi có những quyết định rất ư là đụng chạm đến quyền “công dân”, nhiều lần cũng gây bức xúc lớn. Nên mới có lần, tôi mon men thăm dò: “Giả định nếu có tình huống nào đó khiến anh không kiềm chế được, tát cho em một cái thì em mần sao?”. Nàng nhẹ nhàng bảo: “Bây giờ, tớ chưa nghĩ ra, nhưng chắc điều đó sẽ khiến cho cậu phải tởn đến già”. Nhà báo thấy đấy, một câu trả lời chứa đầy giông bão và tôi tự bảo mình: “Thôi đi nhé! Có điên như thế nào thì cũng nhớ đút hai tay vào túi quần nhé!”.
* Một trong những vấn đề dễ phát sinh mâu thuẫn trong hôn nhân là việc giáo dục con cái. Anh và vợ có gặp phải vấn đề này không?
- Không có chính sách giáo dục nào mà đạt được sự đồng thuận của công chúng 100%. Do vậy trong “vương quốc” của mình mà do “người khác” cai trị, tôi thật sự đã gặp vấn đề này ở cả hai đối tượng: đối tượng được giáo dục (con) và đối tượng giám sát giáo dục (mẹ). Tôi dạy con bé những trò mạnh mẽ một chút, bé nói “mẹ bảo không được chơi những trò nguy hiểm này…”; dạy con cách tránh bị bạn đánh thì con nói “nhưng mẹ bảo chỉ cần méc cô là được…”; cho con uống nước ngọt, uống xong con phát biểu “con về méc mẹ vì ba đã cho con uống quá nhiều nước ngọt”; dạy con giết sâu để không sợ sâu nữa thì bên “giám sát giáo dục gia đình” lại kêu “con còn nhỏ, lại là con gái mà dạy mấy cái trò giết chóc”…
Còn muôn vàn chuyện khác. Do bà xã khá thân thiết với mẹ và các em gái của tôi nên lơ tơ mơ là tôi đụng chạm ngay tới “hội các bà mẹ quyền lực”. Còn cả một mớ các vấn đề về định hướng và thực hành giáo dục nữa. Dạy cho con bé những đức tính tốt, xong khi mình sơ suất phạm vào những gì đã dạy con bé thì ăn chắc là mình sẽ phải khổ sở vì những gì đã từng lên lớp người khác. Ôi! Để hướng về mục tiêu làm đàn ông chuẩn mực thì muôn bề khổ.
* Theo anh, một bà vợ tốt cần hy sinh những gì cho gia đình?
- Khi một người phụ nữ chịu lấy tôi thì đã là sự “hy sinh” quá lớn rồi. Vợ tốt không đo bằng “chuẩn hy sinh”!
Trường Sơn (thực hiện)