Chồng nghiện “chứng”

30/12/2023 - 19:09

PNO - Chứng khoán có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với những người mong dùng nó, điều khiển được nó để đổi đời. Cơn mê chứng khoán thực chất là cơn mê tiền.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Trước đây, chồng em làm việc tại một công ty bất động sản. Từ ngày công ty đóng cửa, anh tìm hiểu về chứng khoán rồi say mê chơi chứng khoán từ lúc nào không biết.

Hiện anh không muốn đi xin việc. Anh nói đã làm thuê thì dù công ty lớn hay nhỏ cũng rất gò bó, lương bổng chẳng bao nhiêu trong khi hiện tại, anh vẫn đang làm việc, đang kiếm tiền tốt.

Thực tế, hiện tại chồng em dành toàn bộ thời gian cho chứng khoán. Anh ngồi nhà ôm chặt máy tính từ sáng đến chiều; em nhờ đưa đón con, anh cũng nói đang bận làm việc. Nếu em nói vô ra vài câu thì anh ôm máy đi luôn, chiều tối mới về. Chủ nhật, thứ Bảy, anh cũng tham gia lớp này, hội nọ, gặp gỡ toàn dân “đánh chứng”.

Đáng nói là ban đầu tham gia, anh có 1, 2 lần thắng nhưng từ đó tới giờ đã gần 2 năm, em không thấy anh đưa tiền, chưa kể mấy lần anh lấy tiền nhà đều là một đi không trở lại.

Em hỏi tiền đâu, đưa tiền cho em để lo cho mẹ bệnh, cho con đi học thì anh cáu, nạt nộ, cho rằng em dốt, không hiểu biết gì thì đừng mở miệng; rằng bao nhiêu người lấy chồng nghiện rượu, nghiện game phá tan nát nhà cửa, anh ấy chỉ nghiện làm việc, nghiện kiếm tiền, không về khuya, không nhậu nhẹt trai gái, em còn muốn gì nữa.

Hiện cũng chưa xảy ra việc gì quá tệ nhưng thực sự thì em đang sống trong cảm giác mệt mỏi, chán nản ghê gớm. Hầu như chỉ có một mình em lo kinh tế gia đình, lo việc nhà, đưa đón con đi học. Vợ chồng em cũng không còn gần gũi, mỗi người đi ngủ một giờ.

Em đã thử nói chuyện, khuyên nhủ, thậm chí ngăn cản, có lần còn dọa ly hôn nhưng không thay đổi được gì. Bạn em khuyên nên ly thân để chồng em sợ nhưng giờ mẹ con em về nhà ngoại, để anh ấy ở nhà một mình, biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Nhiều lúc nghe chồng điện thoại với bạn, em chỉ sợ anh chơi chứng khoán rồi thua lỗ vay mượn nhiều, đến lúc nào đó sẽ làm liều. Em nên làm gì để chữa trị cơn nghiện này của chồng?

Kim Giang (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Kim Giang thân mến, 

Chứng khoán có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với những người mong dùng nó, điều khiển được nó để đổi đời. Cơn mê chứng khoán thực chất là cơn mê tiền. Trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khoảng mờ, những câu chuyện đồn đoán về việc ai đó trúng bạc tỉ, ai đó nắm được bí quyết, am hiểu thị trường rồi thành công ngoạn mục… trở thành những hấp lực gây nghiện.

Một khi con nghiện đã trải qua chuyện được thua trên sàn chứng khoán, hấp lực càng được nhân lên, kéo dài. Đã có bao gia đình lục đục, chia tay vì những con sóng trên thị trường chứng khoán. Em lo lắng là hoàn toàn đúng. Có thể coi triệu chứng nghiện của chồng em như một căn bệnh đang nặng dần, cần chữa trị dứt khoát ngay lập tức. 

Em là người giữ vai trò chính trong quá trình chữa trị, hãy hết sức kiên nhẫn và cố gắng hết mình. Việc trước tiên là giữ vững nền tảng kinh tế của gia đình. Em cần xem xét lại giấy tờ nhà, tiền tiết kiệm… Em phải giữ cẩn thận tất cả. Trong chi tiêu hằng ngày, em cố gắng dành ra một khoản tiền để dự phòng rủi ro bất trắc.

Tiếp đến, hãy sắp xếp những cuộc hẹn nói chuyện với chồng. Em không thể một mình lo hết cho gia đình. Cần đặt ra những giới hạn về thời gian và trách nhiệm với cuộc sống gia đình, ví dụ vợ chồng thống nhất với nhau để anh ấy kéo dài thêm 4 hay 8 tháng nữa, nếu vẫn không có thu nhập thì phải tìm việc khác.

Em cũng nên nhờ cậy các thành viên lớn của gia đình 2 bên - cha mẹ, anh chị - để tác động đến anh ấy hoặc ít ra đánh giá tình hình hiện tại. Nếu vượt qua giới hạn đã định, em cần có những biện pháp quyết liệt hơn. 

Em cũng cần tìm được tiếng nói chung giữa 2 người thì mới thuyết phục được anh ấy. Con em, sức khỏe của anh ấy, bạn bè của cả hai… có thể là những mối quan tâm chung. Từ đó, em cố gắng kéo chồng về với cuộc sống gia đình - thời gian ăn cơm, giờ đi ngủ, giờ đưa con đi học… Chúc em kiên nhẫn giúp chồng chữa trị được “cơn nghiện” này.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tôi là người trong cuộc

Trần Tuyền (huyện Bình Chánh, TPHCM): Hãy cùng nhau làm rõ mọi việc

Khi đọc thư bạn, tôi nghĩ hôn nhân mệt nhọc nặng nề như vậy thì làm sao vui mà sống. Dù hôn nhân có lúc này lúc khác nhưng người trong cuộc phải tìm thấy niềm vui và mục đích của nó, chứ không thì kéo dài chuỗi ngày hôn nhân để làm gì.

Ngoài sự chán chường do bạn viết ra để chia sẻ cảm xúc của mình, tôi chưa thấy bạn có giải pháp nào để cứu vãn cuộc hôn nhân hoặc lớn lao hơn là giúp chồng bước ra khỏi cơn mê.

Một cuộc nói chuyện rõ ràng kèm đề nghị cụ thể - bạn đã nghĩ đến chưa? Một bảng tính sinh hoạt phí cụ thể và đề nghị sự góp sức từ chồng - bạn đã làm chưa? Sự quan tâm của vợ chồng bạn hiện tại - 2 bạn đã nói với nhau chưa?…

Hôn nhân phải có sự cùng nhau góp sức. Nếu câu trả lời là chưa, vợ chồng bạn nên nỗ lực để cải thiện.

Thuận Trần (quận Bình Thạnh, TPHCM): Đó chỉ là một chặng dừng

Thực lòng, tôi muốn nói rằng bạn hãy ủng hộ chồng làm những gì anh ấy thích. Hoặc anh ngộ ra khi thất bại. Hoặc anh thành công. Vợ chồng mà, khi này khi khác. 

3 năm rồi chồng tôi không kiếm ra tiền từ ngày công ty anh đóng cửa. Anh thất chí tuyệt vọng và xa lánh mọi người. Tôi vẫn tin và ủng hộ chồng mình. Tôi nói anh hãy nghỉ ngơi, hãy học, hãy tìm điều mình thích nhất và bắt đầu lại. Tôi muốn các con mình không nhìn ba chúng như một người đàn ông thất bại. Với tôi, có khi đó chính là một chặng dừng…

Bạn chỉ cần phân định rõ giới hạn tiền bạc để chồng bạn không thâm lạm đến độ phải đi vay mượn, thậm chí dính đến tín dụng “đen”. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhẹ nhàng tâm sự với chồng về áp lực cuộc sống bấy lâu nay. Mưa dầm thấm lâu, tôi tin anh ấy sẽ sớm ngộ ra.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI